Gạo lai thịt bò có thể giải quyết khủng hoảng lương thực
Các nhà khoa học ở Đại học Yonsei, Seoul, phát triển loại thức ăn bền vững mới là gạo lai thịt bò, giúp giải quyết khủng hoảng lương thực và biến đổi khí hậu.
Gạo lai thịt bò được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm. Ảnh: Đại học Yonsei |
Loại gạo mới được nuôi cấy trong phòng thí nghiệm tại trường đại học, kết hợp với cơ bắp thịt bò và tế bào chất béo. Kết quả là một loại gạo màu hồng có thể cung cấp giải pháp thay thế thịt rẻ và bền vững với môi trường hơn, chỉ thải lượng nhỏ carbon, Phys.org hôm 18/2 đưa tin. Nhóm nghiên cứu mô tả quá trình nuôi cấy trên tạp chí Matter.
"Hãy hình dung việc có mọi dưỡng chất cần thiết từ gạo protein nuôi cấy tế bào", Park So-hyeon, đồng tác giả nghiên cứu, chia sẻ. "Gạo vốn có lượng dưỡng chất cao, nhưng bổ sung thêm tế bào từ gia súc có thể tăng cường nó".
Hạt gạo được phủ gelatine cá để giúp tế bào thịt bò bám vào, sau đó nuôi trong đĩa cạn 11 ngày. Sản phẩm cuối cùng chứa nhiều protein hơn 8% và nhiều chất béo hơn 7% so với gạo bình thường, đồng thời dai và giòn hơn. Sản phẩm gần nhất thải ít carbon hơn hẳn do quá trình sản xuất không đòi hỏi chăn nuôi động vật, vốn tiêu tốn nhiều nước và tài nguyên, đồng thời giải phóng lượng lớn khí nhà kính.
Với mỗi 100 g protein, ước tính gạo lai thịt bò giải phóng chưa đến 6,27 kg carbon dioxide (CO2), trong khi sản xuất thịt bò thải ra lượng CO2 cao gấp 8 lần. Nếu thương mại hóa, nó có thể cung cấp lựa chọn rẻ hơn nhiều cho người tiêu dùng. Nhóm nghiên cứu tính toán gạo lai có chi phí 2,23 USD/kg trong khi giá thịt bò vào khoảng 15 USD/kg tại Hàn Quốc.
Các nhà nghiên cứu lên kế hoạch hoàn thiện thêm quá trình trước khi loại gạo mới có mặt trên thị trường để tế bào phát triển tốt hơn, làm tăng giá trị dinh dưỡng.
(Theo vnexpress.net)