.

Trận lụt năm Thìn 60 năm trước

Cập nhật: 11:05, 01/02/2024 (GMT+7)

Vào cuối năm 1964 (Giáp Thìn), khi phong trào đồng khởi ở Quảng Nam, Quảng Đà đang giành được những thắng lợi quan trọng thì xảy ra trận lụt lịch sử, mà sau này mỗi khi nhắc đến “họa năm Thìn”, người cùng thời vẫn còn lưu trong ký ức, sách vở còn khắc ghi.

Theo ghi chép lịch sử, vào đầu tháng 11.1964, một trận lụt lịch sử đã diễn ra, gây thiệt hại lớn về tài sản và tính mạng cho nhân dân các xã, thôn dọc hai bên sông Thu Bồn, Vu Gia. Cả tỉnh có hàng vạn nhà cửa bị cuốn trôi, hàng nghìn người chết, hàng nghìn héc ta ruộng đất bị bồi lấp và thiệt hại lớn về tài sản hoa màu. Đại Lộc, Quế Sơn (gồm cả huyện Nông Sơn hiện nay), Điện Bàn, Duy Xuyên… là những địa phương bị thiệt hại nặng nề.

Tại Đại Lộc, hơn 1.200 nhà bị trôi, 253 người chết, hơn 45.000 ang lúa, bắp và vô số của cải, gia súc bị trôi. Trong đó, thiệt hại nặng nhất là các xã Lộc Quý, Lộc Sơn, Lộc Phước, Lộc Hòa, Lộc Vĩnh. Tại huyện Quế Sơn, các thôn An Toàn (xã Hiệp Thuận), Bình Kiều (nay thuộc xã Hiệp Hòa, huyện Hiệp Đức), Thạch Bích bị trôi toàn bộ nhà cửa, tài sản, hoa màu, 5.000 người chết và mất tích.

b

Vào năm Giáp Thìn 1964, một trận lũ lụt lịch sử đã xảy ra, gây thiệt hại thảm khốc cho các tỉnh miền Trung từ Huế đến Bình Định. Thảm họa này được lưu truyền trong dân gian với tên gọi "Đại họa năm Thìn". Trong ảnh là cảnh ngập lụt tại Hội An Quảng Nam. Ảnh: Hiệu ảnh Lệ Anh.

Trong hồi ký “Dấu ấn thời gian”, đồng chí Phạm Thanh Ba - nguyên Chánh Văn phòng Đặc khu ủy Quảng Đà, có đoạn nói về trận lụt lịch sử này: “Mưa. Trời mưa không ngớt, mỗi ngày càng mưa nặng hạt hơn, kéo dài 9, 10 ngày liền. Nước cuồn cuộn đổ về các sông suối, tràn ngập các xóm làng. Có những thôn chỉ còn thấy thấp thỏm một vài ngọn tre trên mặt nước. Dọc vùng ranh và dọc các suối lớn sâu trong núi, một số núi lở vùi lấp nhiều kho tàng của cách mạng và một số thôn của đồng bào. Cả tỉnh có đến trên một vạn ngôi nhà bị nước cuốn trôi, gần 10 nghìn người chết, hàng nghìn héc ta ruộng bị cát vùi lấp và thiệt hại vô số tài sản, hoa màu, gia súc”.

Là người có mặt ở xã Điện Tiến trong những ngày lũ lụt, đồng chí Nguyễn Ngọc Châu - Trưởng ban Giao bưu Quảng Đà kể: “Ngày 7.11.1964 nước xuống rất mạnh trên sông Yên. Có hai em bé ở trong một chiếc chum lớn từ đầu nguồn trôi xuống vừa khóc vừa kêu cứu thảm thiết. Hai đồng chí du kích xã bơi ghe ra cứu. Khi ghe chỉ còn cách chiếc chum vài thước thì một bảng gỗ to trôi xuống đẩy cả ghe và chum chìm trong dòng nước bạc. Một cảnh tượng đau lòng. Nhiều nhà ở dọc bờ sông, khi nước ngập, cả nhà leo lên nóc, nước cuốn cả mái nhà trôi ra sông. Hơn chục mạng người bám trên nóc nhà trôi giữa dòng nước trong vô vọng”.

Đại tướng Chu Huy Mân, lúc đó là Tư lệnh Quân khu 5 chứng kiến trận lụt này đã ghi lại những thiệt hại nặng nề của lực lượng vũ trang: “Núi sạt lở từng mảng kéo theo một số buôn làng của đồng bào dân tộc và một số bệnh xá, cơ quan, đơn vị. Riêng bộ đội đã có 70 cán bộ, chiến sĩ bị vùi lấp… Trận lụt đã gây ra nạn đói nghiêm trọng, đe dọa khắp vùng ven biển miền Trung, tác động sâu sắc đến nhiều mặt của cuộc kháng chiến”.

Trong khi cán bộ, chiến sĩ và lực lượng du kích hai tỉnh Quảng Nam, Quảng Đà, khẩn trương ra sức cứu giúp người dân khắc phục lũ lụt, nhiều đồng chí đã hy sinh do lũ cuốn trôi, thì bọn địch lợi dụng lũ lụt đánh phá phong trào cách mạng. Chúng cho rằng, trận lụt có giá trị như cuộc phản công của mấy sư đoàn. Tiếp đó, chúng sử dụng từng đoàn máy bay, xe lội nước, xuồng máy đổ quân bắn phá những nơi chúng nghi lực lượng ta tập kết, xúc tát dân vào các khu dồn.

Trong tình thế hiểm nghèo đó, tình quân dân thắm thiết lại càng phát huy cao độ. Bộ đội, du kích vừa chống địch càn quét, vừa dùng thuyền, bè chuối lao đi dưới làn bom đạn để cứu dân. Nhân dân vừa lo tránh lụt, vừa lo tát nước, sửa hầm để bộ đội trú ẩn. Bát cơm sẻ nửa, củ sắn chia đôi, mọi người chia nhau từng hạt lúa, củ khoai còn sót lại để chống chọi với thiên tai, địch họa. Đặc biệt, nổi lên tấm gương sáng của anh Lộc, một thợ rèn ở xã Lộc Quý, huyện Đại Lộc, dù nhà bị trôi của cải mất hết nhưng vẫn chèo ghe trong mưa lũ cứu sống được 18 người.

Sau trận lụt, khó khăn chồng chất khó khăn, tưởng chừng không thể vượt qua nổi. Nhưng càng khó khăn, càng gian khổ, Đảng bộ và nhân dân Quảng Nam, Quảng Đà càng bền gan vững chí, kiên trì chịu đựng và anh dũng vượt qua. Để kịp thời khắc phục những thiệt hại do lũ lụt gây nên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Nam và Ban Thường vụ Tỉnh ủy Quảng Đà ra Chỉ thị “Khẩn cấp cấp cứu tai nạn bão lụt” coi đây là công tác trọng tâm đột xuất trước mắt, gắn chặt việc chống đói, chống đau với chống giặc. Vận động phong trào cứu trợ với tinh thần “lá lành đùm lá rách, một miếng khi đói bằng một gói khi no”, cứu trợ bão lụt đi đôi với đẩy mạnh sản xuất hoa màu ngắn ngày.

Trước tình hình lũ lụt của nhân dân các tỉnh miền Trung, trên báo Nhân dân số ra ngày 17.11.1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh gửi thư với những lời hỏi thăm, chia sẻ ân cần. Người viết: “Máu chảy ruột mềm, được tin đó, tôi và toàn thể đồng bào miền Bắc rất là đau xót như xát muối vào lòng”. Người không quên gửi lời động viên với niềm tin: “Đồng bào sẵn có truyền thống anh hùng, không vì tai họa mà nản chí. Tôi chắc rằng đồng bào sẽ đoàn kết chặt chẽ, giúp đỡ lẫn nhau, anh dũng vượt mọi khó khăn, mau chóng hàn gắn vết thương do lũ lụt gây nên, ổn định cuộc sống. Đồng thời đồng bào sẽ cùng toàn thể nhân dân miền Nam kề vai sát cánh tiếp tục cuộc đấu tranh gian khổ và tất thắng để giải phóng miền Nam”.

Hưởng ứng lời kêu gọi của Chủ tịch Hồ Chí Minh và Lời kêu gọi của Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam, đồng bào khắp các tỉnh, thành phố miền Nam, đặc biệt là học sinh, sinh viên, Phật tử Sài Gòn - Gia Định đã quyên góp được hàng chục tấn gạo và đưa hàng hóa, thuốc men đến tận nơi cứu giúp đồng bào vùng lũ. Trên đường Trường Sơn, những chiến sĩ Đoàn 559 khẩn trương vận chuyển thực phẩm, thuốc chữa bệnh do Bác Hồ và nhân dân miền Bắc gửi vào.

Chỉ trong thời gian ngắn, nhân dân các xã vùng lũ đã khắc phục được hậu quả, đẩy mạnh sản xuất, trồng rau màu, làm vụ đông xuân hết diện tích, nhanh chóng khôi phục hầm hào, củng cố làng chiến đấu, bố phòng chống địch bảo vệ thành quả cách mạng đã giành được. Tháng 3 năm sau, vụ đông xuân được mùa chưa từng có. Rau màu dồi dào, đàn gia súc, gia cầm không những khôi phục mức cũ mà còn phát triển thêm. Qua phong trào, thực lực cách mạng được tăng cường, nhân dân vô cùng phấn khởi và tin tưởng cách mạng.

Nửa thế kỷ trôi qua, biết bao trận “đại hồng thủy” đã đổ xuống mảnh đất xứ Quảng, gây thiệt hại lớn về người và tài sản, nhưng trong khó khăn hoạn nạn, tình đoàn kết gắn bó keo sơn giữa quân và dân, sự đoàn kết đùm bọc của nhân dân tạo nên sức mạnh vô biên vượt qua mọi hiểm nguy.

Theo Báo điện tử Quảng Nam 

.
.
.