Thứ Hai, 08/04/2024, 14:04 (GMT+7)
.

Thử nghiệm tăng sáng mây giúp Trái Đất nguội đi

Nhóm chuyên gia tại Đại học Washington dùng máy phun chuyên dụng phun hạt muối biển siêu nhỏ lên mây trên biển, giúp chuyển hướng ánh sáng Mặt Trời.

Mô phỏng dùng tàu không người lái để thực hiện kỹ thuật tăng sáng mây đại dương. Ảnh: Interesting Engineering
Mô phỏng dùng tàu không người lái để thực hiện kỹ thuật tăng sáng mây đại dương. Ảnh: Interesting Engineering

Tình trạng Trái Đất ấm lên đang thúc đẩy các nhà khoa học tìm kiếm những giải pháp khắc phục. Mới đây, nhóm nghiên cứu do Đại học Washington dẫn đầu đã tiến hành thử nghiệm ngoài trời đầu tiên cho kỹ thuật tăng sáng mây đại dương, kỹ thuật làm chệch hướng ánh sáng Mặt Trời, có thể tạm thời làm mát hành tinh, Interesting Engineering hôm 5/4 đưa tin. Thử nghiệm diễn ra tại Khu vực Vịnh San Francisco.

Mây phản lại nắng ra không gian một cách tự nhiên. Nhóm nghiên cứu đang thử nghiệm tăng cường hiện tượng tự nhiên này một cách có chủ đích, đưa nhiều sáng Mặt Trời ra khỏi Trái Đất hơn. Để tăng độ sáng hay khả năng phản xạ của mây, họ bơm các hạt muối biển (aerosol) vào những đám mây thấp trên đại dương. Điều này làm giảm lượng ánh sáng Mặt Trời mà Trái Đất hấp thụ, dẫn đến hiệu ứng làm mát. Quá trình đẩy năng lượng Mặt Trời trở lại không gian này đôi khi được gọi là biến đổi bức xạ Mặt Trời hay quản trị bức xạ Mặt Trời.

Nhóm nghiên cứu sử dụng máy phun chuyên dụng trên boong tàu sân bay Hornet để phun các hạt muối biển siêu nhỏ vào không khí. Ở phiên bản quy mô lớn, tàu cũng sẽ được trang bị máy phun siêu lớn để phun hạt.

Trong thử nghiệm, nhóm nghiên cứu đánh giá khả năng của máy trong việc phun các hạt muối kích thước phù hợp vào không khí một cách nhất quán. Kích thước hạt chính xác là yếu tố rất quan trọng giúp đạt được độ phản xạ đám mây thích hợp. Những hạt nhỏ hơn mang lại độ phản xạ tốt hơn, những hạt lớn hơn có thể dẫn đến độ phản xạ kém hơn.

Dù rất có tiềm năng, kỹ thuật tăng sáng đám mây đại dương cũng gây ra những lo ngại. Một số nhà khoa học hoài nghi về kỹ thuật này, đặc biệt là khi áp dụng ở quy mô lớn. Phương pháp này có khả năng ảnh hưởng đến các kiểu khí hậu, gây ra những thay đổi trong dòng chảy đại dương và các kiểu mưa. Thậm chí, chính nhóm thử nghiệm kỹ thuật tăng sáng đám mây đại dương cũng cho biết, họ đang nghiên cứu "tác dụng phụ tiềm ẩn". Các nhà khoa học đang nỗ lực tìm hiểu ảnh hưởng của kỹ thuật này thông qua nghiên cứu và phân tích kỹ lưỡng.

Tuy nhiên, cách tốt nhất để giảm nhẹ tình trạng nhiệt độ Trái Đất tăng là ngừng sử dụng nhiên liệu hóa thạch, loại nhiên liệu thải khí làm ấm hành tinh. Với lượng phát thải không giảm, mục tiêu hạn chế sự gia tăng nhiệt độ toàn cầu ở ngưỡng 1,5 độ C so với thời kỳ tiền công nghiệp đang trở nên bất khả thi.

(Theo vnexpress.net)

.
.
.