.

Tiền Giang: Học sinh lớp 1 đoạt giải Nhất về cuộc thi sáng tạo

Cập nhật: 10:30, 22/05/2024 (GMT+7)

Đó là em Trần Kim Thảo, học sinh lớp 1, Trường Tiểu học Kim Đồng (phường 6, TP. Mỹ Tho, tỉnh Tiền Giang) với mô hình sáng tạo “Vòng tuần hoàn của nước và quá trình tạo mưa” đã được Ban Tổ chức Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng tỉnh Tiền Giang lần thứ XVI, năm 2023 - 2024 quyết định trao giải Nhất.

Mô hình sáng tạo “Vòng tuần hoàn của nước và quá trình tạo mưa” của em Thảo đã thể hiện đam mê khám phá về thiên nhiên, hiện tượng thời tiết và được mô phỏng dưới dạng mô hình đơn giản, dễ hiểu, dễ thao tác.

Em Thảo (bìa trái) tại Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi Sáng tạo dành cho  thanh niên, thiếu niên và nhi đồng TP. Mỹ Tho lần thứ XVI, năm 2023 - 2024.
Em Thảo (bìa trái) tại Lễ tổng kết và trao giải Cuộc thi Sáng tạo dành cho thanh niên, thiếu niên và nhi đồng TP. Mỹ Tho lần thứ XVI, năm 2023 - 2024.

Chia sẻ về sáng kiến của mình, em Thảo cho biết, những ngày cuối tuần, có dịp về quê ngoại chơi, được quan sát nhiều hiện tượng thời tiết diễn ra trong tự nhiên như: Mưa, nắng, gió, mây mù… em nảy sinh ý tưởng sáng tạo ra mô hình “Vòng tuần hoàn của nước và quá trình tạo mưa” nhằm mục đích giải thích về hiện tượng thời tiết cũng như để trả lời cho một số câu hỏi mà những đứa trẻ như em thường thắc mắc, như: Vì sao có mưa? Vì sao có mây? Mưa được tạo ra theo quy trình như thế nào?... 

Được sự giúp sức của cha em Thảo là anh Trần Thuận Thành, sau hơn 3 tuần mài mò, nghiên cứu, em Thảo đã triển khai thành công ý tưởng với mô hình được tạo ra khá hoàn chỉnh.

Mô hình là một khối hình hộp chữ nhật, được làm bằng các tấm nhựa formex và mica, không gian bên trong được trang trí một số chi tiết, hình ảnh sinh động, như: Thác nước, sông hồ, biển, sự bay hơi của nước, sự giáng thủy (sử dụng màu vẽ acrylic); hệ thống cây xanh làm bằng chất liệu nhựa tượng trưng cho rừng đầu nguồn; bộ chuyển điện nguồn 220V thành 5V và thiết bị tạo hơi nước, bơm nước (5V) tạo mưa; hệ thống đèn led trang trí…

Đặc biệt, do được thiết kế màn hình led để giới thiệu nội dung, cách thức thao tác, nên rất tiện lợi cho các em học sinh muốn tìm hiểu về cấu tạo, nguyên lý hoạt động của mô hình.

Mô hình được thiết kế gồm 2 mô phỏng: (1) Quá trình hình thành mưa thông qua vòng tuần hoàn của nước; (2) Vai trò của rừng đầu nguồn trong phòng, chống thiên tai.

Đối với mô phỏng đầu tiên, khi bật công tắc 1, đèn màu vàng cháy, thể hiện ánh sáng mặt trời tạo nhiệt năng làm bốc hơi nước từ đại dương, sông, suối, ao, hồ… Tiếp tục bật công tắc 2, thiết bị tạo hơi nước vận hành mô phỏng quá trình hơi nước bay lên cao và ngưng tụ thành mây; khi bật công tắc 3, bơm nước hoạt động tạo mưa từ những đám mây ngưng tụ từ hơi nước.  

Đối với mô phỏng 2, khi mở van tượng trưng cho nước đầu nguồn đổ xuống, nếu có hệ thống rừng phòng hộ, dòng nước sẽ giảm tốc độ và lưu lượng, không gây thiệt hại lớn cho hạ nguồn. Ngược lại, nếu không có sự bảo vệ, che chắn của rừng phòng hộ, khi nước ở đầu nguồn đổ xuống sẽ gây lũ lụt, sạt lở nghiêm trọng cho hạ nguồn.

Anh Trần Thuận Thành (cha của em Thảo) cho biết, do mô hình được thiết kế, cài đặt video clip ngắn để trình chiếu, thuyết minh, giới thiệu tóm tắt về mô hình kèm hình ảnh minh họa nên các em học sinh rất thích thú và càng muốn tìm hiểu, khám phá nội dung bên trong của mô hình.

Nói về mô hình sáng tạo “Vòng tuần hoàn của nước và quá trình tạo mưa” của em Thảo, thầy Lê Thanh Dũng, giáo viên chủ nhiệm em Thảo nhận xét: “Mô hình sáng tạo “Vòng tuần hoàn của nước và quá trình tạo mưa” của em Thảo đảm bảo tính mới (không trùng lắp ý tưởng với ai), tính sáng tạo và khả năng ứng dụng.

Mô hình này không chỉ giúp cho các em đầu cấp tiểu học tìm hiểu, thực hành hoạt động trải nghiệm, mà còn giúp các em học sinh khối lớp cao hơn (khối lớp 3, 4) có thêm thiết bị để thực hành bộ môn khoa học thông qua chia nhóm để nghiên cứu, phân tích, thảo luận về tính sáng tạo, ý nghĩa và khả năng ứng dụng của mô hình, đặc biệt là ý nghĩa về bảo vệ môi trường, giúp giảm nhẹ thiên tai” .

HUỲNH VĂN XĨ

.
.
.