.

Hiệu quả ứng dụng của một số mô hình, sản phẩm đoạt giải

Cập nhật: 11:12, 20/10/2021 (GMT+7)

Cuộc thi Sáng tạo thanh, thiếu niên và nhi đồng tỉnh Tiền Giang lần thứ XIII, năm 2020 - 2021 thu hút nhiều mô hình, giải pháp sáng tạo từ các huyện, thị, thành tham gia. Ban Tổ chức cuộc thi cấp tỉnh xin giới thiệu một số mô hình, sản phẩm được đánh giá cao về tính sáng tạo, tính thẩm mỹ, khả năng ứng dụng…

Bộ dụng cụ tập thể dục “Những bước chân vui” được tạo thành từ ý tưởng  của bé Nguyễn Ngọc Quỳnh Anh.
Bộ dụng cụ tập thể dục “Những bước chân vui” được tạo thành từ ý tưởng của bé Nguyễn Ngọc Quỳnh Anh.

“NHỮNG BƯỚC CHÂN VUI”

Đây là sản phẩm của bé Nguyễn Ngọc Quỳnh Anh (lớp Lá 4, Trường Mầm non Hùng Vương, TP. Mỹ Tho) khi nhìn thấy cha mẹ, người thân tập thể dục ở công viên, phòng tập gym nên nảy sinh ý tưởng sáng tạo ra bộ dụng cụ tập thể dục đơn giản và phù hợp với lứa tuổi mầm non. Cùng với sự giúp sức của cô chủ nhiệm sau 2 tuần, bé Quỳnh Anh đã hoàn thiện bộ dụng cụ tập thể dục đúng theo mong muốn của mình và được đặt tên “Những bước chân vui”.

Cô Ngô Thanh Thương, người trực tiếp hướng dẫn bé Quỳnh Anh hoàn thiện bộ sản phẩm cho biết, để giúp bé triển khai ý tưởng sáng tạo, ngoài tận dụng một số vật dụng sẵn có tại trường, cô còn mua thêm một số vật dụng thông dụng dễ kiếm khác như sắt ống, sắt hộp, gỗ thông, bao tay, bít nhựa, thanh tay trượt… Các công đoạn còn lại như lắp ráp, sơn, trang trí, vận hành thử đã được 2 cô trò thực hiện trong nhiều ngày.

Bộ dụng cụ này có thể cho 2 bé cùng tập thể dục một lúc. Theo đó, bé đứng trước lần lượt dùng 2 tay kéo và đẩy thanh trượt, chân trái, phải sẽ di chuyển theo và bé đứng phía sau có thể tập động tác xoay eo. Do sản phẩm được tập theo cặp song hành nên các bé tại trường rất thích.   

“TRANH SẮC SEN ĐẦU MÙA ĐA CHẤT LIỆU”

Tác phẩm “Tranh sắc sen đầu mùa đa chất liệu” do em Võ Thị Minh Thùy sáng kiến tạo ra.
Tác phẩm “Tranh sắc sen đầu mùa đa chất liệu” do em Võ Thị Minh Thùy sáng kiến tạo ra.

Với mong muốn tận dụng một số chất liệu từ đồng quê, nhằm góp phần bảo vệ môi trường, tạo ra sản phẩm đặc trưng của miền quê sông nước, em Võ Thị Minh Thùy (học sinh lớp 12A12 Trường THPT Đốc Binh Kiều, TX. Cai Lậy) sáng kiến tạo ra tác phẩm “Tranh sắc sen đầu mùa đa chất liệu”.

Chất liệu làm nên bức tranh độc đáo trên gồm lá kèm dừa (dạng lưới liên kết các bẹ và ôm lấy thân dừa), lá chuối và thân cây đu đủ. Lá kèm sau khi cắt xuống được rửa sạch, phơi khô và cắt thành hình những cánh sen nở đầu mùa trông rất lạ mắt.

Tiếp theo, lá chuối sau khi rọc xuống được rửa sạch, phơi khô để tạo màu đồng bộ theo ý muốn. Để tạo thân và nhụy cho bông sen, em sử dụng thân cây đu đủ già (không còn cho trái) phơi dốt và ủ trong khoảng 2 - 3 tháng để phân hủy lớp vỏ bọc và làm xuất hiện những đường vân đan xen dạng lưới trông rất đẹp mắt. Sau khi rửa sạch và làm khô, phần lưới này được tạo hình thành thân sen và nhụy sen khá độc đáo. 

Sự phối hợp giữa màu nâu đậm của những cánh sen làm từ lá kèm dừa với màu nâu nhạt của lá sen làm từ chất liệu lá chuối khô và những cuống sen, nụ sen được tạo hình, cắt tỉa khéo léo từ thân cây đu đủ khô (được sơ chế công phu)… đã tạo nên bức tranh thiên nhiên đặc sắc về miền sông nước Nam bộ.

“ĐÈN TÁI CHẾ” CỦA CHỊ EM SINH ĐÔI

Mô hình được tận dụng những nguyên, vật liệu phế thải như niềng xe đạp, giỏ hoa cũ, ống vắt đũa, lọ đựng tăm bằng nhựa, cúc áo… Chị em Huỳnh Phan Nhung, Huỳnh Phan Đan Tú (học sinh lớp 11A2, Trường THPT Tân Phước) đã mày mò, sáng tạo ra những chiếc đèn tái chế trông rất ngộ nghĩnh, xinh xắn và lạ mắt.

Bộ sản phẩm tham dự cuộc thi năm nay của 2 em gồm: Bộ đèn chùm và bộ đèn ngủ hình bán nguyệt. Trong đó, để tạo ra bộ đèn chùm, 2 em sử dụng niềng xe đạp cũ (cắt bớt 1 dãy căm, chà nhám, sơn bạc), xung quanh treo 6 ống vắt đũa được sơn phết, trang trí tỉ mỉ và lắp bóng đèn bên trong. Ngoài ra, một giỏ hoa cũ được treo ngược vào giữa vành xe, xung quanh có treo nhiều lọ tăm được đính cúc áo, hạt cườm với nhiều sắc màu sặc sỡ. Bộ đèn này có thể treo ở phòng khách, trước sân nhà nhân dịp trung thu hay dịp tết…

Bên cạnh đó, bộ đèn ngủ hình bán nguyệt được làm từ chiếc vành xe đạp cũ được cắt bớt một nửa, một đầu lắp trên đế gỗ, đầu còn lại được lắp một đèn trung thu làm bằng gáo dừa trông rất tinh xảo, đẹp mắt.
Theo em Phan Nhung, những vật dụng do em sáng tạo ra không chỉ được sử dụng để trang trí, làm đẹp, phục vụ nhu cầu sinh hoạt hằng ngày trong gia đình, mà còn góp phần giảm bớt lượng rác thải, giúp bảo vệ môi trường.

PHẦN MỀM “CẢNH BÁO NGỦ GẬT VÀ KHÔNG ĐEO KHẨU TRANG”

Đó là phần mềm do Nguyễn Thế Bằng (sinh năm 2003) và Lê Phạm Hoàng Trung (sinh năm 2003) lấy ý tưởng từ người tài xế xe taxi, xe khách, xe tải, xe container… thường xuyên thiếu ngủ và có khả năng ngủ gật khi đang điều khiển phương tiện. Điều đó đặc biệt nguy hiểm, mất an toàn giao thông, có thể gây ra hậu quả nghiêm trọng về kinh tế và tính mạng con người.

Do đó, phần mềm được 2 em xây dựng một hệ thống sử dụng ngôn ngữ lập trình Python và Deep learning để cảnh báo người lái xe khi họ có biểu hiện ngủ gật. Khả năng áp dụng của sản phẩm rất dễ dàng tích hợp vào máy tính nhúng vào camera hành trình, camera giám sát trong các bệnh viện, nhà máy, xí nghiệp cũng như camera trong trường học.

VĂN XĨ - TUẤN LÂM

 

.
.
.