Hỗ trợ cho người nuôi tôm bị thiệt hại
Ngày 22-5, ông Lê Văn Hưởng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh đã ký ban hành Quyết định số 1219/QĐ-UBND về việc hỗ trợ khôi phục sản xuất cho người nuôi tôm bị thiệt hại do các dịch bệnh nguy hiểm gây ra trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.
Mức hỗ trợ khôi phục sản xuất, đối với hình thức nuôi thâm canh, bán thâm canh là 5.000.000 đồng/ha mặt nước nuôi. Đối với hình thức nuôi quảng canh cải tiến, mức hỗ trợ là 2.000.000 đồng/ha mặt nước nuôi.
Nguồn kinh phí hỗ trợ sử dụng từ nguồn dự phòng ngân sách, trong đó ngân sách cấp tỉnh chi 80%, cấp huyện chi 20% chi phí hỗ trợ khôi phục sản xuất và các chi phí khác có liên quan (trang phục bảo hộ, chi phí xác minh dịch bệnh, chi phí giám sát tiêu độc, khử trùng ao nuôi…).
Khảo sát tình hình dịch bệnh trên tôm ở huyện Tân Phú Đông. |
Quyết định nêu rõ, để được hỗ trợ, các tổ chức, cá nhân, hộ gia đình nuôi tôm sú, tôm thẻ chân trắng bị thiệt hại do các bệnh nêu trên phải đảm bảo các điều kiện sau:
- Kịp thời khai báo với UBND cấp xã hoặc cơ quan thú y gần nhất khi tôm nuôi bị nhiễm bệnh và tuân thủ các hướng dẫn quy trình xử lý mầm bệnh của cơ quan chức năng nhằm bao vây, khống chế không để lây lan dịch bệnh.
- Được cơ quan Thú y chẩn đoán xác định tôm nuôi mắc một trong các bệnh được quy định nêu trên.
- Có đăng ký chăn nuôi theo quy định; tôm giống thả nuôi có giấy chứng nhận kiểm dịch của cơ quan Thú y cấp; tuân thủ thời gian ngắt vụ theo quy định của UBND tỉnh và các văn bản hướng dẫn của các ngành chuyên môn về phòng, chống dịch bệnh.
Theo báo cáo của Chi cục Thủy sản Tiền Giang, toàn tỉnh hiện có 3.568 ha với 1.113 triệu con tôm giống thả nuôi (đạt 85% diện tích), trong đó diện tích tôm nuôi thâm canh và bán thâm canh là 1.562,3ha.
Tính đến ngày 23-5, các vùng nuôi tôm đã có 513 ha với 367 triệu con giống bị thiệt hại (chiếm 33% diện tích nuôi tôm thâm canh và bán thâm canh).
THÀNH CÔNG