Thứ Năm, 06/12/2012, 09:31 (GMT+7)
.

Thẩm định Đề án Phát triển hệ thống chợ, siêu thị...

Ngày 4-12, Sở Công thương tổ chức Hội nghị thẩm định Đề án Phát triển hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020.

Chuyển đổi mô hình quản lý chợ là cơ sở quan trọng để đầu tư, xây dựng hạ tầng thương mại theo hướng hiện đại. Ảnh chụp tại chợ Mỹ Tho. Ảnh: Vân Anh
Chuyển đổi mô hình quản lý chợ là cơ sở quan trọng để đầu tư, xây dựng hạ tầng thương mại theo hướng hiện đại. Ảnh: Vân Anh

Theo đề án, trên địa bàn tỉnh hiện có 171 chợ, 6 siêu thị và 1 trung tâm thương mại. Từ năm 2006 đến nay, toàn tỉnh có 65 chợ được xây mới, tổng vốn đầu tư 21,39 tỷ đồng; 27 chợ được nâng cấp sửa chữa với tổng số vốn 23 tỷ đồng.

Hiện đa số các chợ trên địa bàn tỉnh đều do ban quản lý chợ, tổ quản lý chợ hoặc giao tư nhân quản lý trực tiếp. Chỉ có 5 doanh nghiệp đầu tư xây dựng và trực tiếp quản lý, kinh doanh 6 chợ; 2 chợ do tư nhân đầu tư và quản lý; 3 chợ do doanh nghiệp đầu tư và giao lại Nhà nước quản lý và 1 chợ do Nhà nước và tư nhân góp vốn đầu tư rồi giao lại cho Nhà nước quản lý. Toàn tỉnh có 8 Ban quản lý chợ và 103 tổ quản lý chợ.

Theo đề án, từ nay đến năm 2020, trên địa bàn tỉnh có 76 chợ được xây mới với tổng số vốn đầu tư 726,25 tỷ đồng, trong đó vốn ngân sách 267,75 tỷ đồng, vốn xã hội hóa 458,5 tỷ đồng. Số chợ được nâng cấp là 90,05 tỷ đồng và vốn xã hội hóa là 14,9 tỷ đồng. Riêng số lượng siêu thị và trung tâm thương mại được mời gọi đầu tư là 12 siêu thị và 14 trung tâm thương mại với tổng vốn đầu tư 787,5 tỷ đồng.

Việc chuyển đổi mô hình quản lý chợ từ hình thức ban quản lý, tổ quản lý hoặc khoán cho hộ cá nhân quản lý (dưới sự quản lý trực tiếp của UBND cấp huyện, xã) sang hình thức doanh nghiệp kinh doanh khai thác và quản lý chợ (gồm doanh nghiệp, hợp tác xã) hoặc tổ chức lại ban quản lý chợ thành đơn vị sự nghiệp có thu, tự cân đối và trang trải kinh phí hoạt động theo dự toán hàng năm được UBND cấp huyện phê duyệt.

Theo đó, có 2 phương án chuyển đổi : Định giá đấu thầu các cơ sở vật chất hiện hữu cho doanh nghiệp hoặc hợp tác xã; giao cho ban quản lý chợ quản lý, kinh doanh chợ và thực hiện tự chủ, tự chịu trách nhiệm về tài chính. Tùy theo từng địa phương, từng chợ mà lựa chọn phương án chuyển đổi cho phù hợp.

Đề án cũng xác định các chính sách, giải pháp đồng bộ từ việc thực hiện các chính sách đầu tư, chính sách thu hút và phát triển thương nhân; giải pháp nâng cao hiệu quả quản lý Nhà nước… đến mô hình tổ chức quản lý, kinh doanh đối với chợ, trung tâm thương mại, siêu thị cả từ phía Nhà nước và các tổ chức quản lý, kinh doanh.

Đề án Phát triển hệ thống chợ, siêu thị, trung tâm thương mại và chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn tỉnh Tiền Giang đến năm 2015 và định hướng đến năm 2020 là một trong những cơ sở quan trọng cho công tác đầu tư, xây dựng kết cấu hạ tầng thương mại và chuyển đổi mô hình quản lý chợ trên địa bàn tỉnh.

HỮU NGHỊ

.
.
.