Tìm chỗ đứng cho doanh nghiệp ĐBSCL
Câu hỏi lớn đang được đặt ra là vì sao khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) có số lượng doanh nghiệp tương đối lớn nhưng lại chưa có nhiều doanh nghiệp tầm cỡ, trong khi việc tiêu thụ các mặt hàng chủ lực của vùng lại gặp khó khăn.
Đó là một trong những vấn đề được đặt ra trước Diễn đàn doanh nghiệp ĐBSCL, nằm trong khuôn khổ MDEC-Tiền Giang 2012, diễn ra vào ngày 6-12-2012.
Doanh nghiệp ĐBSCL đang tìm chỗ đứng để phát triển. |
Đồng hành cùng cả nước, đội ngũ doanh nhân, doanh nghiệp khu vực ĐBSCL không ngừng trưởng thành và lớn mạnh.
Theo Ban Chỉ đạo Tây Nam bộ, đến đầu năm 2012 toàn vùng đã có 44.000 doanh nghiệp, với tổng số vốn đăng ký 356.000 tỷ đồng. Tuy nhiên, theo TS. Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI Cần Thơ, trong số doanh nghiệp của ĐBSCL, doanh nghiệp nhỏ chiếm 28,3%, doanh nghiệp siêu nhỏ chiếm 68,4%. Phần lớn doanh nghiệp nằm trong ngành Thương mại (43%) và công nghiệp chế biến chiếm 20%, kế đến là xây dựng chiếm 15%. Doanh nghiệp nông nghiệp, thủy sản chiếm 6%; vận tải chiếm 4%...
“Quy mô doanh nghiệp nhỏ, tốc độ phát triển chậm, đầu tư từ bên ngoài vào như vốn FDI rất thấp, đầu tư từ năng lực của doanh nghiệp cũng rất thấp. Với bức tranh về doanh nghiệp như thế có thể nói là không tốt cho năng lực dài hạn của ĐBSCL”- ông Võ Hùng Dũng nhận định.
Câu hỏi đang được đặt ra là tại sao tại ĐBSCL chưa có nhiều doanh nghiệp, doanh nghiệp tầm cỡ còn rất ít? Đã có nhiều câu trả lời cùng với nhiều động tác quan trọng thực hiện ở tầm vĩ mô như cải thiện hạ tầng cơ sở, ban hành chính sách ưu đãi, tăng cường đào tạo nguồn nhân lực… tuy đã tác động khá tích cực tới việc phát triển đội ngũ doanh nghiệp, doanh nhân toàn vùng ĐBSCL nhưng tốc độ tăng trưởng vừa qua xem ra chưa làm hài lòng sự kỳ vọng, cũng như chưa tương xứng với thế mạnh về tài nguyên và nguồn nhân lực tại chỗ của ĐBSCL.
Như vậy, điểm nghẽn phát triển, mở rộng doanh nghiệp của ĐBSCL hiện nay đang ở đâu? Các chuyên gia cho rằng, ngoài yếu tố địa không lợi và một số hạn chế thuộc về cơ chế thì yếu tố quan trọng nằm ngay ở phía các doanh nhân, doanh nghiệp và cả những người chuẩn bị làm doanh nghiệp tại chỗ.
Ông Trần Đỗ Liêm, Chủ tịch HĐQT HTX Rạch Gầm nhìn nhận, xuất phát điểm kinh tế của khu vực ĐBSCL từ nông nghiệp lúa nước đi lên, mặt bằng dân trí thấp, quá trình hình thành doanh nghiệp, doanh nhân có tầm cỡ một phần không nhỏ do cơ hội và sự mạo hiểm tạo nên.
Các chủ doanh nghiệp có xuất thân từ nhiều ngành nghề khác nhau như thầy giáo, cán bộ nhà nước và phần lớn từ nông dân, người buôn bán nhỏ, một số người khác từ các gia đình làm nghề thủ công truyền thống…
Vì vậy, số đông người đang nắm giữ các vị trí then chốt của doanh nghiệp ở địa phương không được đào tạo bài bản, chính quy theo trình độ quản lý hiện đại. Mãi đến gần đây, một số doanh nghiệp mới thu nạp, bổ sung thêm một số nhân viên từ các trường đại học, trung học chuyên nghiệp về làm việc.
Với đội ngũ cán bộ, nhân viên như vậy, doanh nghiệp chỉ có thể kinh doanh ở mức nhỏ hoặc vừa, còn muốn mở rộng sản xuất - kinh doanh thành công ty ở bậc trung hoặc lớn để tiến xa hơn rõ ràng sẽ bộc lộ rất nhiều bất cập.
Lực lượng doanh nghiệp ở ĐBSCL đa số vẫn là những doanh nghiệp vừa và nhỏ, sức cạnh tranh yếu. Thế nhưng, mấy năm gần đây doanh nghiệp lại gặp nhiều sóng gió. Ông Đoàn Thành Đạt, Chủ tịch Hiệp hội doanh nghiệp tỉnh cho rằng, chuỗi lạm phát cao ở hai con số rồi đến suy thoái liên tục xảy ra với chu kỳ ngắn.
Nếu như năm 2007-2008 tỷ lệ lạm phát là 12,63% và 22%; sau hơn 1 năm ổn định, doanh nghiệp dần phục hồi nhờ vào sự hỗ trợ bằng gói kích cầu của Chính phủ thì đến năm 2010-2011 lạm phát trở lại với mức 11,5% và 18,6%.
Cộng hưởng với một số chính sách vĩ mô tác động đã “hoành hành” doanh nghiệp và đội ngũ doanh nhân một cách chưa từng có. Số lượng doanh nghiệp bị phá sản, ngừng hoạt động hoặc hoạt động cầm chừng, không hiệu quả với số lượng ngày càng lớn và ngày càng gia tăng là có thật.
“Để nền kinh tế nước ta thực hiện đầy đủ tiêu chí kinh tế thị trường, có sự quản lý của Nhà nước mà qua đó doanh nhân có được môi trường kinh doanh, một sân chơi cạnh tranh lành mạnh, quyền lợi được đảm bảo cần một chính sách điều hành kinh tế vĩ mô ổn định, một hệ thống pháp luật phù hợp và hoàn chỉnh”- ông Đoàn Thành Đạt đề nghị.
Đứng trước bức tranh kinh tế còn nhiều ngổn ngang, nhất là đối với các doanh nghiệp của ĐBSCL, ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát cũng cho rằng, bên cạnh việc thực hiện các chính sách chăm lo cho người nông dân trong vùng, Nhà nước cũng cần có chính sách hỗ trợ các doanh nghiệp.
Bởi khi doanh nghiệp mạnh lên mới làm tốt vai trò tiêu thụ sản phẩm của toàn vùng; đồng thời, khi doanh nghiệp mạnh lên sẽ giảm bớt được các áp lực trong sản xuất - kinh doanh, thúc đẩy và mở rộng quy mô hoạt động.
Theo Ban Tổ chức MDEC-Tiền Giang 2012, Diễn đàn doanh nghiệp ĐBSCL năm 2012 tiếp tục xây dựng kênh đối thoại trực tiếp, mang tính xây dựng giữa các bộ, ngành Trung ương, chính quyền các tỉnh, thành Tây Nam bộ với cộng đồng doanh nghiệp, hiệp hội nhằm xây dựng môi trường kinh doanh thuận lợi, thu hút đầu tư, thúc đẩy tăng trưởng kinh tế vùng ĐBSCL.
Đặc biệt, theo dòng thời sự và yêu cầu bức xúc, diễn đàn lần này tập trung bàn giải pháp, đưa ra đề xuất, kiến nghị để tháo gỡ khó khăn cho doanh nghiệp ở ĐBSCL trong bối cảnh khó khăn chung của doanh nghiệp theo xu thế kinh tế đất nước và ra mắt Hội đồng Hiệp hội doanh nghiệp ĐBSCL do VCCI quyết định thành lập…
THẾ ANH