Thứ Ba, 15/01/2013, 06:33 (GMT+7)
.

Cần có “nhạc trưởng” cho việc thực hiện cánh đồng mẫu lớn

Việc xây dựng cánh đồng mẫu lớn (CĐML) đã được triển khai nhiều năm qua ở Đồng bằng sông Cửu Long, vựa lúa lớn nhất cả nước và gặt hái được rất nhiều thành công. Trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, Công ty Lương thực Tiền Giang (Togifood) là một trong những doanh nghiệp đi đầu trên địa bàn tỉnh về việc triển khai chiến lược sản xuất - kinh doanh gắn với vùng nguyên liệu.

Từ những năm 2000, Tigifood bắt đầu thực hiện việc xây dựng vùng liệu và gần đây là thực hiện chủ trương xây dựng CĐML. Đây cũng là một trong những chủ trương lớn của lãnh đạo Tigifood  trong xây dựng chiến lược kinh doanh, nhất là hướng đến tập trung kinh doanh mặt hàng gạo chất lượng cao.

Tuy nhiên, thực tế cho thấy việc triển khai thực hiện mô hình này cũng không phải là đơn giản. Cụ thể, vào vụ đông xuân 2012-2013, thực hiện chủ trương xây dựng CĐML mà ngành Nông nghiệp phát động, Tigifood thực hiện theo hai hình thức là bao tiêu sản phẩm và bao tiêu sản phẩm cùng với đầu tư cả giống, vật tư phân bón cho nông dân.

Đây là năm đầu tiên Tigifood thực hiện chính sách hỗ trợ tiền cho nông dân sản xuất lúa. Mỗi ha công ty sẽ hỗ trợ khoảng 6-7 triệu đồng nhưng không đưa trực tiếp cho nông dân mà thông qua Công ty cổ phần Vật tư nông nghiệp. Đến mùa thu hoạch công ty bao tiêu sản phẩm và trừ lại tiền đầu tư mà công ty hỗ trợ cho nông dân.

Đồng thời Tigifood cũng thực hiện chủ trương là giá thu mua theo hình thức giá bảo hiểm. Đây là mô hình đầu tiên được công ty áp dụng trong cả nước. Tức là sau khi Sở NN&PTNT, Sở Tài chính chốt giá thành sản xuất cho từng vụ lúa, công ty cộng thêm 40%. Sau đó công ty lấy giá này làm giá sàn để bao tiêu sản phẩm.

Cần có nhạc trưởng trong việc thực hiện cánh đồng mẫu lớn.
Cần có nhạc trưởng trong việc thực hiện CĐML.

Khi thu mua, nếu giá thị trường cao hơn giá sàn, công ty mua theo giá thị trường, nếu ngược lại công ty sẽ mua theo giá sàn. Như vậy, trong mọi tình huống, nông dân tham gia vẫn đảm bảo giá định hướng 40%. Về lý thuyết, năng lực kinh doanh của Tigifood vào khoảng 400.000 tấn lúa mỗi năm, nên năng lực của công ty có thể đảm đương được theo như sản lượng lúa đã ký hợp đồng. Do vậy, nếu mô hình bao tiêu được sự phối hợp và thực hiện tốt sẽ phát huy hiệu quả và có ý nghĩa hơn.

Tuy nhiên, sau thời gian triển khai, Tigifood cũng chỉ ký hợp đồng được 140 ha theo hình thức bao tiêu sản phẩm và có hỗ trợ tiền (thông qua đầu tư phân bón, vật tư nông nghiệp) và 140 ha theo hình thức bao tiêu sản phẩm. Tổng sản lượng lúa mà Tigifood đã ký theo hợp đồng là 1.405 tấn, tập trung ở khu vực trồng lúa lớn của Cai Lậy và Cái Bè. Với diện tích mà Tigifood đã ký hợp đồng bao tiêu cũng chỉ chiếm trên 30% kế hoạch về việc đầu tư thực hiện CĐML mà công ty đề ra.

Một trong những khó khăn dẫn đến việc ký kết hợp đồng thực hiện CĐML còn hạn chế là do thiếu sự hợp tác giữa các bên tham gia. Khó khăn nữa là cơ sở vật chất của hợp tác xã, tổ hợp tác không không đảm bảo. Bởi khi tham gia mô hình CĐML buộc công ty phải ký hợp đồng với pháp nhân, trong khi các tổ chức này năng lực còn yếu, không kho tàng, thiếu hệ thống sấy lúa.

Khó khăn lớn nhất hiện nay là hệ thống sấy lúa trên địa bàn tỉnh. Đặc biệt là thu hoạch lúa của tỉnh chỉ tập trung vào khoảng ½ tháng và lúa ướt 30 độ ẩm nên chỉ riêng hệ thống sấy của Tigifood  không đủ năng lực để sấy toàn bộ dẫn đến khó khăn. Nếu lúa không sấy được, công ty rất khó mua, vả lại còn ảnh hưởng đến chất lượng gạo.

Cũng cần phải nhìn nhận rằng, việc ký hợp đồng bao tiêu sản phẩm là một chuyện và việc thực hiện hợp đồng lại là một câu chuyện khác. Bởi thực tế của nhiều năm qua cho thấy, mức độ hợp đồng được thực hiện còn rất thấp. Chẳng hạn như vụ đồng xuân năm 2011-2012, được sự chỉ đạo của Tổng Công ty Lương Thực Miền Nam, Tigifood cũng  tổ chức công tác thu mua theo mô hình CĐML.

Theo đó, tổng diện tích mà Tigifood đã ký hợp đồng tiêu thụ lúa vụ đông xuân năm 2011-2012 là 626 ha với sản lượng 3.130 tấn lúa, nhưng kết quả mua thực tế chỉ có 1.541 tấn lúa các loại, đạt 49,23%, trong khi đó giá mua so với giá bảo hiểm tăng từ 11-21% tùy loại lúa.

Một số nguyên nhân dẫn đến thực trạng này là: Công tác phối hợp xử lý các vấn đề phát sinh khi thu mua tại một vài nơi chưa tốt,  dẫn đến không thống nhất được cách xử lý và không thu mua được như tại 3 điểm xã Tân Phú, Bình Nhì, Bình Nghị; chất lượng lúa ở một số nơi chất lượng còn kém;  trình độ năng lực của hợp tác xã nông nghiệp, các tổ sản xuất còn yếu, cơ sở vật chất như kho chứa, hệ thống sấy lúa hoàn toàn không có; hàng xáo cạnh tranh, thường dựa vào giá công ty để nâng giá mua cao hơn giá công ty 50 đồng/kg sau đó chọn lựa lúa tốt để mua một số ít rồi bỏ đi….

Lãnh đạo Sở NN&PTNT cũng nhiều lần nhìn nhận, một trong những nguyên nhân chính dẫn đến việc bao tiêu sản phẩm nói chung, trong sản xuất lúa nói riêng là do: Tập quán sản xuất nhỏ, cá thể của người nông dân chậm thay đổi và khó liên kết; khi có rủi ro giữa doanh nghiệp và tổ hợp tác, hợp tác xã, nông dân đều không hợp tác, chia sẻ.

Tình trạng phá vỡ hợp đồng giữa doanh nghiệp với nông dân và ngược lại vẫn tiếp diễn, doanh nghiệp điều chỉnh giá tại thời điểm thu mua chưa kịp thời, phương thức giao nhận chưa linh hoạt, nguyên tắc cùng có lợi chưa được các bên tôn trọng, chưa có biện pháp chế tài đã gây nhiều khó khăn trong tổ chức thực hiện…

Từ những bất cập trong việc thực hiện chủ trương trương bao tiêu sản phẩm nói chung và thực hiện CĐML nói riêng cần có một “nhạc trưởng” để tổ chức liên kết sản xuất cũng như điều tiết những bất cập phát sinh trong quá trình thực hiện các hợp đồng đã được ký kết.

PHƯƠNG ANH

.
.
.