Thứ Sáu, 05/07/2013, 12:21 (GMT+7)
.

Tiền Giang mua tạm trữ 102.000 tấn quy gạo

Ngày 4-7, Sở Công thương cho biết, trong đợt mua tạm trữ 1 triệu tấn quy gạo theo chủ trương của Thủ tướng Chính phủ trong vụ hè thu 2013, Hiệp hội Lương thực Việt Nam phân bổ cho tỉnh Tiền Giang 93.000 tấn quy gạo.

Trong đó, 10 doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh được phân bổ thu mua lúa quy gạo gồm: Công ty Lương thực Tiền Giang (24.000 tấn), Công ty TNHH Phước Đạt (10.000 tấn), Công ty TNHH Phước Thành 2 (10.000 tấn), Công ty Nông sản Thực phẩm Tiền Giang (10.000 tấn), Công ty TNHH Việt Hưng (10.000 tấn), Công ty TNHH Song Thuận (8.000 tấn), Công ty cổ phần Mỹ Tường (7.000 tấn), Công ty TNHH Đại Hưng (7.000 tấn), Công ty TNHH Đông Hòa (4.000 tấn), Công ty TNHH Thương mại và Dịch vụ Thanh Hồng (3.000 tấn).

Riêng Công ty Lương thực Tiền Giang được phân bổ mua thêm 9.000 tấn quy gạo từ Tổng Công ty Lương thực miền Nam. Như vậy, tỉnh Tiền Giang phải mua tạm trữ vụ hè thu 2013 tổng cộng 102.000 tấn quy gạo. Ngoài ra, 5 doanh nghiệp ngoài tỉnh có kho tại tỉnh Tiền Giang được Hiệp hội Lương thực Việt Nam phân bổ mua 26.000 tấn quy gạo.

Các  doanh nghiệp triển khai  mua gạo  tạm trữ  theo   chủ trương  của Chính phủ.
Các doanh nghiệp triển khai mua gạo tạm trữ theo chủ trương của Chính phủ.

Theo Sở Công thương, đến ngày 1-7, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh đã mua 53.900 tấn quy gạo, trong đó Công ty TNHH Việt Hưng và Công ty Thương mại và Dịch vụ Thanh Hồng đã mua hoàn thành theo chỉ tiêu phân bổ. Các doanh nghiệp chủ yếu mua gạo lức, gạo 5% tấm; riêng Công ty Lương thực Tiền Giang có thu mua lúa tại ruộng (380 tấn lúa, tương đương 190 tấn gạo).

Theo các doanh nghiệp tham gia, trong thời gian mua tạm trữ, giá lúa gạo tăng  từ 100-200 đồng/kg so với trước khi mua tạm trữ; các doanh nghiệp mua gạo lức (lúa thường) có giá từ 6.000-6.400 đồng/kg, gạo lức (hạt dài) có giá từ 6.600-6.800 đồng/kg, gạo thơm 5% tấm có giá từ 9.400-9.500 đồng/kg (tùy chất lượng gạo). Lúa IR50404 tươi có giá từ 3.900-4.000 đồng/kg, lúa hạt dài từ 4.250-4.350 đồng/kg. Các doanh nghiệp cho biết, vụ hè thu 2013 chất lượng lúa không tốt là nguyên nhân làm cho giá lúa hè thu ở mức thấp…

Khó khăn lớn nhất của các doanh nghiệp hiện nay là lượng lúa gạo tồn kho rất lớn, trong khi theo quy định ngày 15-6 doanh nghiệp phải thu mua lúa gạo để kích thích giá lúa tăng lên, hỗ trợ cho người dân. Các doanh nghiệp đề nghị Chính phủ tăng thời gian hỗ trợ lãi suất cho các doanh nghiệp, để khi thu mua tạm trữ theo chỉ tiêu được giao, doanh nghiệp vừa hỗ trợ tăng giá lúa, kích cầu thị trường lúa gạo, bên cạnh đó doanh nghiệp cũng giảm bớt khó khăn. Về lâu dài để hạn chế áp lực lúa gạo tồn kho cho doanh nghiệp, Hiệp hội Lương thực Việt Nam cần tìm đầu mối xuất khẩu lớn giúp doanh nghiệp giảm bớt áp lực đầu ra.

S.N

.
.
.