Hướng đi nào cho hàng Việt?
Thị trường nông thôn vẫn còn tồn tại tình trạng buôn bán hàng kém chất lượng, không rõ nguồn gốc; hàng giả, hàng nhái… Ở thành phố, nhiều mặt hàng của doanh nghiệp trong nước sản xuất không thể chen chân vào siêu thị. Còn tại các chợ truyền thống, sản phẩm của các công ty đa quốc gia chất đầy trên các quầy, kệ. Do đó, hàng Việt vẫn đang loay hoay tìm hướng đi.
Không ngoảnh mặt để nhìn nhân viên tiếp thị sản phẩm nước rửa chén của một doanh nghiệp tỉnh lẻ, chị Hồng Thủy, một tiểu thương ở chợ Mỹ Tho trả lời: “Những mặt hàng này không bán được. Anh thử đi chào hàng ở các sạp khác đi! Thời buổi này, các sản phẩm được làm ra từ các doanh nghiệp tỉnh lẻ tiêu thụ khó lắm. Hàng này chỉ có nước đưa về các chợ nông thôn thì mới mong có người mua”.
Không riêng gì chị Hồng Thủy, ở các quầy hàng bên cạnh, người bán cũng từ chối nhận bán thử nhãn hiệu nước rửa chén mà nhân viên tiếp thị kia cố công chào mời. Trên các sạp hàng ở chợ Mỹ Tho, những mặt hàng tiêu dùng như: Bột giặt, kem đánh răng, nước rửa chén… đều là hàng của những công ty đa quốc gia đã hoạt động nhiều năm ở thị trường Việt Nam và quảng cáo xuất hiện thường xuyên trên truyền hình.
Người dân mua sắm hàng hóa tại một phiên chợ hàng Việt ở xã Phú Đông (huyện Tân Phú Đông). |
Có một chuyện vui rất bất ngờ trong chuyến giao lưu giữa đại sứ hàng Việt - tiểu thương và doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao tại TP. Mỹ Tho vào giữa tháng 7-2013 vừa qua, là trường hợp hàng Việt bị “làm giả ngược”. Đó là trường hợp của Công ty Liêu Thanh, một doanh nghiệp sản xuất trang phục lót mang thương hiệu Jovial.
Khi vào chợ Mỹ Tho, đến thăm một sạp hàng chuyên kinh doanh đồ lót và quần áo may sẵn để giới thiệu hàng hóa với đại sứ hàng Việt - diễn viên Quang Thảo thì phát hiện sản phẩm của mình đang bán tại sạp hàng này dưới nhãn “made in Japan”, chị Tô Hoa Hồng Điệp, Giám đốc Công ty Liêu Thanh cho biết: “Thật sự cũng dở khóc dở cười. Hàng mình tốt thì mới bị giả thành hàng Nhật, dù cố gắng giải thích nhưng bà con tiểu thương cũng không chịu tin. Công ty thì không được lợi gì mà người tiêu dùng thì lại bị lừa…”.
Chứng kiến cảnh người của Công ty Liêu Thanh mở từng lớp vải của sản phẩm toàn nhãn mác chữ Nhật, chỉ ra đúng những dấu hiệu mà chỉ có riêng nhà sản xuất mới nhận diện được thì chị tiểu thương mới “hết hồn”: “Sản phẩm này bán chạy lắm, cứ tưởng hàng Nhật, đâu có dè là hàng Việt Nam bị làm giả đâu… Hàng này được quá mà tụi tôi cứ không “cập nhật” nên lâu nay bị lừa oan mạng”.
Chị Hồng Điệp cho biết: “Thật ra công ty chỉ lo làm ra sản phẩm cho thiệt là tốt mà không có điều kiện đầu tư cho khâu truyền thông rộng rãi về chất lượng sản phẩm nên bị những người xấu lợi dụng sự dễ tin của người tiêu dùng mà trục lợi. Thời buổi khó khăn này, sản xuất hàng tốt không thì chưa đủ, còn phải tiếp thị mạnh nữa, mà doanh nghiệp Việt thì nghèo nên lép vế về khoản này…”
Các câu chuyện nói trên là bức tranh phản ánh rõ nét nhất tình hình kinh doanh của doanh nghiệp trong nước hiện nay. Qua tiếp xúc với nhiều doanh nghiệp tại Hội chợ Hàng Việt Nam chất lượng cao tổ chức tại TP. Mỹ Tho vừa qua, nhiều doanh nghiệp cho biết môi trường kinh doanh hiện tại vẫn xấu hơn nhiều so với các tháng cuối năm 2012.
Bà Vũ Kim Hạnh, Chủ tịch Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao, Giám đốcTrung tâm Nghiên cứu kinh doanh và hỗ trợ doanh nghiệp (BSA) thừa nhận, thực tế hoạt động của doanh nghiệp ngày càng xấu đi. Từ đầu năm đến nay, phần lớn doanh nghiệp vẫn ở trong tình trạng khó khăn, hàng hóa tắc nghẽn đường ra thị trường. Đặc biệt là các mặt hàng tiêu dùng của khối doanh nghiệp nhỏ và vừa đang bị “thập diện mai phục” bởi các thương hiệu của những công ty đa quốc gia.
Theo kết quả khảo sát để đánh giá cảm nhận của doanh nghiệp về tình hình kinh doanh trong sáu tháng đầu năm và dự cảm cho sáu tháng cuối năm 2013 do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) tổ chức được công bố vào đầu tháng 7-2013, điều đáng lo là biên lợi nhuận trên các dòng sản phẩm của doanh nghiệp ngày một giảm, hàng vẫn tồn kho và đây là mối lo canh cánh của các doanh nghiệp.
Để giải quyết tình trạng đầu ra, khai thác thị trường, các doanh nghiệp tập trung vào các giải pháp truyền thống như tìm kiếm thị trường xuất khẩu mới, giảm giá bán hàng hóa, thực hiện các chương trình quảng cáo, khuyến mãi. Điểm đáng lưu ý, dù thời gian qua Cuộc vận động Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam đã được triển khai thực hiện mạnh mẽ, rộng khắp nhưng theo kết quả khảo sát chỉ có 8,9% doanh nghiệp áp dụng giải pháp đưa hàng hóa về nông thôn để giải phóng hàng tồn kho.
Theo bà Vũ Kim Hạnh, thực tế điều này diễn ra hoàn toàn ngược lại. Hiện mỗi tháng BSA tổ chức 2 chuyến đưa hàng Việt về nông thôn với sự tham gia của khoảng 50 doanh nghiệp trong nước có thương hiệu dẫn đầu trên thị trường thuộc Hội Doanh nghiệp hàng Việt Nam chất lượng cao. Đơn cử như: Vinamilk, Duy Tân, Kim Hằng… đang tập trung khai thác thị trường nông thôn theo hướng ngày càng sâu và rộng hơn ở những vùng sâu, vùng xa.
Những chuyến đưa hàng về nông thôn không phải để giải quyết hàng tồn kho hay để bán dạo mà đây là cơ hội để doanh nghiệp xây dựng mạng lưới chân rết ở các thị trường mới. Tuy nhiên, bà Hạnh thừa nhận, thực tế thị trường nông thôn ngày càng khó tiêu thụ hàng hóa, nếu sức mua ở đô thị giảm thì ở thị trường nông thôn lại càng im lìm.
Ở các thành phố lớn, hàng hóa của doanh nghiệp trong nước ngày càng gặp khó về đầu ra. Trên các quầy, kệ ở các siêu thị đa phần các dòng sản phẩm đều thuộc các công ty đa quốc gia và nhãn hàng riêng của siêu thị. Điều này cho thấy, hàng Việt đang mất dần thế cạnh tranh để có chỗ đứng ở kênh phân phối quan trọng nhất tại thành phố là các hệ thống siêu thị.
Tình hình hàng Việt tiêu thụ ở chợ truyền thống cũng trong tình cảnh gặp khó không kém, vì các sản phẩm của các công ty đa quốc gia tràn ngập ở các chợ. Chị Hồng Thủy, tiểu thương chợ Mỹ Tho cho biết, bán hàng của các công ty đa quốc gia dễ hơn hàng của các thương hiệu Việt Nam.
Đó là chưa kể các công ty đa quốc gia còn cho người bán hưởng mức chiết khấu cao, cộng thêm tiền quảng bá thương hiệu mỗi tháng. “Chính vì vậy các tiểu thương ở chợ ưu tiên phân phối các mặt hàng này” - chị Thủy nói. Trên sân chơi ở chợ truyền thống, nhiều doanh nghiệp trong nước đã phải chấp nhận ở tình cảnh yếu thế vì yếu về vốn liếng cũng như năng lực quảng bá.
Song song với khó khăn trên, các doanh nghiệp trong nước cũng đang phải đối đầu với hàng nhái, hàng giả. Để phân biệt và chứng minh sản phẩm thu giữ là giả và hàng nhái, doanh nghiệp phải tốn rất nhiều chi phí. Đến khi doanh nghiệp chứng minh được sản phẩm đó là hàng giả, hàng nhái, cơ quan chức năng chỉ… mang hàng đi tiêu hủy! Đó là một thực tế khiến không ít doanh nghiệp nản lòng trong việc chống hàng nhái và hàng giả.
PHƯƠNG NGHI