Thứ Tư, 12/03/2014, 06:00 (GMT+7)
.

Cánh đồng trĩu hạt và nỗi lo của nông dân

Vụ lúa lớn nhất trong năm của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) đang bước vào giai đoạn thu hoạch rộ. Với những gì đang diễn ra, giá lúa xuống thấp chắc chắn sẽ lặp lại như những vụ mùa trước. Có chăng điểm khác biệt của vụ đông xuân 2013-2014 là đang trông cậy nhiều vào những hợp đồng liên kết sản xuất giữa doanh nghiệp (DN) và đại diện hộ nông dân. Bởi lẽ vụ đông xuân năm nay là một trong những vụ mùa có nhiều hợp đồng liên kết sản xuất được triển khai thực hiện.

Câu chuyện cũ

Các chuyên gia trong ngành Nông nghiệp đã tính toán rằng, năng suất vụ đông xuân của khu vực ĐBSCL ít nhất cũng vào khoảng 7 tấn/ha, có nơi lên đến 9-10 tấn/ha, cao nhất từ trước đến nay, nên một vụ mùa bội thu đang đến rất gần.

Bước vào đầu tháng 3, chúng tôi đi dọc cánh đồng lúa trĩu hạt của huyện Cái Bè và huyện Cai Lậy cũng là lúc ở những nơi này bắt đầu thu hoạch rộ. Nhưng tiếc thay, người nông dân lại đang đối mặt với tình cảnh giá lúa đang giảm từng ngày.

Dẫu biết rằng, đây cũng là điều đã được dự báo và cũng không mới so với mọi năm. Nhiều người cũng tiên liệu rằng, khi thị trường lúa gạo trong và ngoài nước đang trong giai đoạn trầm lắng, giá giảm cũng là điều đương nhiên. Vậy mà, giá lúa giảm mạnh những ngày gần đây đã gây cho người dân không ít lo lắng.

Chúng tôi gặp ông Nguyễn Văn Vinh, xã Hậu Mỹ Trinh (huyện Cái Bè) ngay trên cánh đồng chuẩn bị thu hoạch. Ông Vinh cho biết, ngày 7-3 thương lái trả lúa thơm Jasmine 85 (loại đặc sản, hạt dài) với giá chỉ từ 4.900-4.920 đồng/kg, giảm 500 đồng/kg so với những ngày trước. “Nhưng những ngày qua, số lượng thương lái đến hỏi mua lúa trong vùng này cũng ít hơn. Với giá này, người làm lúa không có lãi bao nhiêu” - ông Vinh tâm tư.

Có lẽ không cần phải phân tích thêm nguyên nhân, bởi theo như những thông tin gần đây, tình trạng xuất khẩu khó khăn của các DN đã tác động không nhỏ đến giá lúa vụ đông xuân, tất nhiên sẽ kéo theo giá lúa có xu hướng giảm. Điều này trực tiếp hay gián tiếp đã tác động không nhỏ đến hoạt động thu mua lúa của lực lượng hàng xáo.

Ông Nguyễn Thanh Phong, một thương lái thường thu mua lúa ở xã Phú Cường (huyện Cai Lậy) cho biết: “Trước đây có ngày tôi mua đến 10 tấn lúa, nhưng nay số lượng giảm hơn 50%. Nhà máy chế biến gạo xuất khẩu hạn chế thu mua gạo nguyên liệu, buộc lòng tôi phải giảm lượng hàng mua vào”. Còn khi đặt vấn đề này với các DN chế biến gạo xuất khẩu đều nhận được những nhận định tương tự.

Chiều ngày 8-3, ông Lâm Anh Tuấn, Giám đốc Công ty TNHH Lương thực Thịnh Phát đánh giá, tình hình xuất khẩu vẫn chưa có dấu hiệu sáng hơn là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng các DN “đang ngồi nhìn nhau” chứ chưa có động thái tích cực gì. Ông Tuấn lý giải thêm, giá gạo xuất khẩu 5% tấm hiện tại được chào ở mức 367 USD/tấn, tính ra gạo nguyên liệu dao động từ 6.300-6.400 đồng/kg; trong khi đó giá gạo nguyên liệu trong nước hiện nay vẫn còn ở mức 6.650 đồng/kg.

Đây là nguyên nhân chính dẫn đến tình trạng DN “án binh bất động”. Riêng về giá lúa, ông Tuấn cho rằng hiện tại lúa IR50404 có ẩm độ 15% vào khoảng 4.800 đồng/kg. “Chắc chắn những ngày tới, giá lúa sẽ tiếp tục giảm, nhưng vẫn đảm bảo ở mức người nông dân có lãi và DN kinh doanh lương thực phải có hiệu quả” - ông Lâm Anh Tuấn nhận định.

Thu hoạch lúa đông xuân ở huyện Cai Lậy.
Thu hoạch lúa đông xuân ở huyện Cai Lậy.

Dù giá lúa giảm sâu, nhưng nhiều người cho rằng người làm lúa vẫn còn có lãi. Căn cứ lý giải điều này là dựa vào giá thành sản xuất lúa vụ đông xuân do Bộ Tài chính vừa ban hành. Theo đó, mức giá thành sản xuất lúa kế hoạch vụ đông xuân cao nhất là ở tỉnh Bến Tre (4.276 đồng/kg), thấp nhất là ở tỉnh Sóc Trăng (3.238 đồng/kg), mức giá thành bình quân của các tỉnh là 3.769 đồng/kg.

Cũng cần phải nói thêm là, giá thành sản xuất lúa do Bộ Tài chính công bố là dựa trên cơ sở lúa phơi khô, quạt sạch. Nếu so sánh với mức giá thành do Bộ Tài chính công bố với giá thị trường những ngày qua, người làm lúa vẫn còn có lãi, mặc dù không cao. Do vậy, chủ trương mua tạm trữ lúa gạo hiện vẫn còn đang cân nhắc.

Trông cậy vào những hợp đồng liên kết sản xuất

Khác với mọi năm, nhiều hợp đồng liên kết sản xuất lúa giữa DN và đại diện hộ nông dân được triển khai thực hiện trong vụ lúa đông xuân 2013-2014. Đây cũng được xem là “cứu cánh” cho người nông dân trong lúc giá lúa gạo trên đà xuống dốc, ít nhất là đến thời điểm hiện nay.

Ông Lê Thanh Khiêm, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang (Tigifood)  nhấn mạnh, nhiều mô hình liên kết sản xuất trong vụ đông xuân năm nay được công ty triển khai thực hiện đạt được hiệu quả cao.

Chẳng hạn, mô hình sản xuất lúa IR50404 theo quy trình lúa sạch để làm ra gạo chất lượng cao, có diện tích 52 ha ở xã Phú Cường (huyện Cai Lậy) đã thu hoạch xong, với số lượng thu mua là 402 tấn, giá công ty thu mua là 4.950 đồng/kg (lúa tươi), trong khi giá lúa trên thị trường cùng thời điểm 4.600-4.700 đồng/kg. Hay mô hình sản xuất lúa thơm ST20 hạt dài ở xã Tân Điền (Gò Công Đông), với giá công ty thu mua 7.000 đồng/kg, trong khi giá thị trường là 6.800 đồng/kg.

Hiện tại, Tigifood đang thu mua theo mô hình liên kết sản xuất lúa ở xã Hậu Mỹ Trinh (huyện Cái Bè). Theo thông tin từ Tigifood, ngày 7-3, công ty thu mua với giá 5.050 đồng/kg, trong khi giá thị trường chỉ trên dưới 4.900 đồng/kg. “Chúng tôi khuyến khích người nông dân phơi khô, bán tại kho của công ty, công ty sẽ hỗ trợ nhân công bốc xếp, với giá mua cao hơn lúa tươi khoảng 1.550 đồng/kg (nghĩa là người dân thu lợi thêm khoảng 200-300 đồng/kg).

Bên cạnh đó, việc thực hiện liên kết sản xuất lúa trong vụ đông xuân 2013-2014 có ý nghĩa hơn là góp phần thay đổi cách thức, tư duy sản xuất lúa theo nhu cầu của thị trường)” - ông Lê Thanh Khiêm cho biết.

Liên kết sản xuất lúa trên 4.300 ha

Theo ngành Nông nghiệp, trong vụ đông xuân 2013-2014 có 14 DN tham gia thực hiện chủ trương liên kết sản xuất lúa, với nhiều hình thức liên kết khác nhau trên tổng diện tích sản xuất là 4.322 ha, với 19 xã tham gia, tập trung ở các huyện: Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước, Châu Thành, Gò Công Đông…

Đến thời điểm hiện nay, một số mô hình liên kết đã được thực hiện và phát huy tác dụng. Giá lúa hiện đang giảm cũng phần nào ảnh hưởng đến việc thực hiện chủ trương liên kết sản xuất của một số DN.

Ngành Nông nghiệp đang tập trung phối hợp với các DN và hộ sản xuất để bàn phương án thực hiện hiệu quả nhất.

Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng (huyện Cái Bè) cũng cho rằng, trước những khó khăn về tình hình tiêu thụ cũng như xuất khẩu, những ngày qua công ty ưu tiên thu mua lúa của những hộ dân mà công ty có ký kết liên kết sản xuất.

Trong vụ đông xuân năm nay, công ty đã ký hợp đồng đầu tư và tiêu thụ lúa theo giá bảo hiểm với Tổ liên kết sản xuất lúa chất lượng cao (xã Mỹ Trung, huyện Cái Bè) với 166 ha, giống lúa OM 4900 (sản lượng dự kiến khoảng 8 tấn/ha).

Công ty đầu tư lúa giống xác nhận trị giá 334 triệu đồng trong 4 tháng không tính lãi và mua theo giá bảo hiểm 5.300 đồng/kg lúa khô. Thực tế, công ty đã thu mua với giá 5.350 đồng/kg.

Có lẽ vụ đông xuân 2013-2014 là năm đầu tiên có nhiều DN trên địa bàn tỉnh tham gia ký hợp đồng liên kết sản xuất lúa với đại diện hộ nông dân trên địa bàn tỉnh.

Mặc dù đây là một trong những quy định có tính bắt buộc của Bộ Công thương đối với các DN tham gia xuất khẩu gạo, nhưng cũng đã góp phần thay đổi tư duy sản xuất lúa hiện tại. Đây cũng là dấu hiệu đáng mừng góp phần thực hiện chủ trương xây dựng cánh đồng mẫu lớn trên địa bàn tỉnh.

PHƯƠNG ANH

.
.
.