Thứ Hai, 10/03/2014, 05:30 (GMT+7)
.

Xuất khẩu gạo hiện rất khó khăn

Các doanh nghiệp kinh doanh xuất khẩu gạo trên địa bàn tỉnh đều có chung nhận định, chưa bao giờ tình hình xuất khẩu gạo đối mặt với nhiều khó khăn như hiện nay. Đứng trước thực trạng này, chiều ngày 4-3, ông Lê Thanh Khiêm, Phó Giám đốc Công ty Lương thực Tiền Giang chia sẻ:

Đúng là chưa bao giờ tình hình xuất khẩu (XK) gạo của cả nước nói chung, của các doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh nói riêng đứng trước nhiều khó khăn, thách thức lớn như hiện nay.

Theo thông lệ hàng năm, sau Tết Nguyên đán, các DN trong lĩnh vực kinh doanh XK gạo cấp tập giao dịch với rất nhiều hợp đồng. Nhưng năm nay lại khác, hầu hết DN hầu như không có giao dịch, chỉ một ít là thực hiện phần còn lại của hợp đồng gạo tập trung cho Philippines đã được phân bổ từ trước. Chính vì vậy, thị trường lúa gạo trong nước trở nên trầm lắng hơn.

Thông thường, thị trường lúa gạo chịu sự chi phối bởi 3 yếu tố cơ bản,  đó là các hợp đồng XK tập trung của Chính phủ, các hợp đồng thương mại của các DN tự tìm kiếm và tình hình tiêu thụ nội địa.

Tuy nhiên, cả 3 yếu tố này hiện gặp không ít khó khăn. Thứ nhất, đối với các hợp đồng XK gạo tập trung, thông thường vào cuối năm trước đã được ký kết để gối đầu cho năm sau. Tuy nhiên, từ cuối năm 2013 đến nay, Việt Nam chỉ có hợp đồng XK gạo tập trung duy nhất đối với Philippines. Hợp đồng này được phân bổ cho các DN và đến cuối tháng 2 việc giao hàng đã kết thúc.

Đến nay, chưa có hợp đồng XK gạo tập trung nào được ký kết, nên không thể dẫn dắt thị trường lúa gạo trong nước. Riêng đối với các hợp đồng thương mại mà các DN tự tìm kiếm cũng hết sức khó khăn. Chẳng hạn, đối với Công ty Lương thực đến thời điểm tháng 3 của những năm trước, cũng đã xuất khoảng 18.000-20.000 tấn gạo chất lượng cao, nhưng năm nay mới xuất được trên 5.000 tấn, giảm khoảng 70%.

Đối với các DN không kinh doanh, XK gạo chất lượng cao lại càng khó khăn hơn. Chính các hợp đồng tập trung và thương mại gặp khó khăn đã dẫn đến tình hình tiêu thụ trong nước tương đối ảm đạm hơn.

* Phóng viên: Đâu là nguyên nhân dẫn đến thực trạng như hiện nay, thưa ông?

* Ông Lê Thanh Khiêm: Một trong những nguyên nhân được nhiều người nhận định là do ẩn số từ kho lương thực của Thái Lan. Theo như dự báo, hiện tại Thái Lan đang tồn kho lượng gạo rất lớn, nên dù muốn hay không vẫn phải tìm cách bán ra nhằm giải phóng lượng hàng tồn và để quay nhanh đồng vốn.

Thực tế là Thái Lan đang xả hàng, nên gạo Việt Nam rất khó cạnh tranh về giá so với gạo của Thái Lan. Điều minh chứng là, Việt Nam cũng vừa “vuột” hợp đồng cung ứng gạo tập trung cho Malaysia, do giá gạo của Thái Lan thấp hơn. Ở một khía cạnh khác, các nước nhập khẩu gạo của Việt Nam những năm qua lại đang dần tự vươn lên trong sản xuất lúa nhằm đáp ứng nhu cầu trong nước.

Do vậy, dù muốn hay không, XK gạo của Việt Nam vẫn phải trông cậy vào thị trường mới là Trung Quốc. Tuy nhiên, do XK tiểu ngạch sang thị trường này thời gian qua với số lượng tương đối lớn, gây khó khăn không ít cho các DN XK gạo theo đường chính ngạch. Trong khi đó, XK gạo theo đường tiểu ngạch lại tiềm tàng không ít rủi ro.

Lau bóng và đóng gói gạo xuất khẩu.
Lau bóng và đóng gói gạo xuất khẩu.

* Phóng viên: Tình hình XK khó khăn như thế, liệu sẽ tác động như thế nào đến giá lúa gạo trong nước khi mà vụ đông xuân 2013-2014 thu hoạch rộ?

* Ông Lê Thanh Khiêm: Tình hình XK gạo khó khăn như hiện nay chắc chắn ít nhiều cũng sẽ tác động đến giá lúa, gạo trong nước, nhất là khi vụ đông xuân   2013-2014 bước vào vụ thu hoạch rộ trong những ngày tới. Xu hướng giảm giá lúa gạo trong nước là điều mà nhiều người đang nghĩ đến. Tuy nhiên, trên thực tế, những hộ nông dân đã thu hoạch lúa đông xuân những ngày qua, giá lúa vẫn còn ở mức khá cao so với giá thành sản xuất bình quân do Bộ Tài chính công bố. Nhờ đó, người nông dân có lãi tương đối khá.

Khi đi vào thu hoạch rộ, trong trường hợp giá lúa gạo trong nước xuống ở mức thấp, giải pháp thu mua tạm trữ của Chính phủ có thể sẽ được tính đến theo như thông lệ hàng năm. Mặc dù đây chỉ là giải pháp tình thế nhưng cũng phần nào góp phần ổn định thị trường lúa gạo trong nước. Khi có chủ trương thu mua tạm trữ và được phân bổ, chắc chắn Công ty Lương thực Tiền Giang sẽ phải nghiêm túc thực hiện.

* Phóng viên: Trước tình hình khó khăn hiện nay, Công ty Lương thực Tiền Giang đã đề ra giải pháp gì, thưa ông?

* Ông Lê Thanh Khiêm: Theo số liệu kinh doanh 2 tháng đầu năm của công ty cho thấy, số lượng gạo mà công ty bán ra đạt 19% trong tổng kế hoạch của cả năm 2014 (kế hoạch năm 2014 công ty bán ra 240.000 tấn gạo). Tuy nhiên, cũng cần lưu ý là trong số gạo bán ra vừa qua có một phần không nhỏ từ hợp đồng tập trung mà công ty được phân bổ của năm trước chuyển sang. Điều này cho thấy, Công ty Lương thực Tiền Giang cũng không nằm ngoài khó khăn chung hiện nay.

Trước thực tế này, Ban Giám đốc Công ty xác định là tập trung phát huy tối đa lợi thế hiện có như: XK gạo chất lượng cao, lợi thế về kho bãi, hệ thống sấy lúa cũng như các đầu mối XK gạo truyền thống. Bên cạnh đó, công ty cũng thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp để giảm giá thành sản xuất nhằm nâng cao khả năng cạnh tranh…

* Phóng viên: Xin cảm ơn ông!

PHƯƠNG ANH

Chỉ đạt 30% chỉ tiêu xuất khẩu

Theo số liệu của Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA), tháng 2 Việt Nam mới XK được 100.000 tấn gạo các loại, với giá trị 48 triệu USD, chỉ chiếm 30% trong tổng kế hoạch của tháng 2 mà VFA đã đưa ra trước đó. XK gạo chậm trong thời gian qua là do thiếu đơn hàng mới từ các thị trường truyền thống trong khu vực Đông Nam Á như: Indonesia, Malaysia, Philippines.

Trong khi đó, theo VFA, giá lúa khô tại kho khu vực Đồng bằng sông Cửu Long loại thường dao động từ 5.450-5.600 đồng/kg, lúa dài từ 5.750-5.900 đồng/kg. Giá gạo nguyên liệu loại 1 làm ra gạo 5% tấm hiện từ 7.400-7.500 đồng/kg, gạo nguyên liệu làm ra gạo 25% tấm từ 7.050-7.150 đồng/kg…

 

.
.
.