Thứ Tư, 06/08/2014, 14:16 (GMT+7)
.
Khát vọng vươn khơi bám biển

Bài 3: Thế hệ trẻ tiếp nối cha ông "trông" biển

Bài 1: 5 đời gắn bó với biển cả
Bài 2: Tỷ phú Lê Văn Hồng-Khởi đầu sự nghiệp từ 1 ngư phủ

Bài cuối: Diện mạo mới ở các xã ven biển

 

Tiếp nối truyền thống và nghiệp biển của cha ông, hàng trăm chàng trai tuổi mười tám, đôi mươi ở xứ biển Tiền Giang ngày đêm có mặt trên vùng biển Trường Sa, Hoàng Sa để bảo vệ ngư trường truyền thống và khẳng định chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

THẾ HỆ TRẺ BÁM BIỂN

Đối với ngư dân trẻ làng biển huyện Gò Công Đông và TP. Mỹ Tho ai nấy cũng đều được sinh ra trong những gia đình có truyền thống đi biển. Với họ biển như máu thịt, vào bờ thì nhớ. Sau chuyến đi biển dài ngày trở về từ Trường Sa, ngư dân Lê Quốc Rin, 33 tuổi, Phường 2, TP. Mỹ Tho, chủ tàu kiêm thuyền trưởng tàu TG92222TS, đang cùng các ngư dân khẩn trương chuẩn bị cho chuyến ra khơi mới.

Hơn 15 lao động đang ở tuổi sung sức, căng đầy nhiệt huyết, sẵn sàng đạp sóng biển ra Trường Sa. Tất cả đều ở độ tuổi mười tám, đôi mươi, đang mong chờ được ra nơi vùng biển ấy. Dẫu nguy hiểm rình rập, đe dọa tính mạng nhưng ai cũng muốn trực chỉ Trường Sa.

Thuyền trưởng Lê Quốc Rin tâm sự: “Nguy hiểm lắm, bất cứ lúc nào “tàu lạ’ cũng có thể xuất hiện rồi tấn công, đập phá, cướp tài sản của bà con ngư dân mình, nhưng tất cả ngư dân đều một lòng vươn ra biển. Nếu so với những tàu cá khác thì tàu của tôi có số lao động trong độ tuổi từ 18 - 25 đông. Tuy kinh nghiệm nghề biển, kinh nghiệm sông nước chưa nhiều, nhưng sự cần cù, tháo vát và độ dẻo dai, bền bỉ, tinh thần quả cảm vì Tổ quốc thì không bao giờ thiếu”.

Cá biển đầy ắp tại Cảng cá Vàm Láng.
Cá biển đầy ắp tại Cảng cá Vàm Láng.

Ông Lê Văn Hồng, cha của anh Rin tiếp lời: “Năm rồi, tàu của tôi đã bị “tàu lạ” lấy hết ngư cụ và hải sản trên tàu. Giờ nhớ lại thấy cũng sợ sợ, nhưng với thế hệ trẻ thì luôn rạo rực vươn khơi bám biển. Đừng nghĩ thế hệ trẻ thờ ơ.

Điều đó hoàn toàn không phải. Họ có tình yêu mãnh liệt với biển, đảo của Tổ quốc và sẵn sàng vươn khơi để trở thành những cột mốc sống trên biển”. Anh Rin còn người em ruột tên Lê Hoàng Tâm (30 tuổi) và 2 em rể Phạm Văn Ngà, Phạm Minh Trí cũng đang bám biển ngoài Trường Sa.

Câu chuyện 5 đời đi biển của dòng họ Nguyễn ở xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông còn đọng lại trong chúng tôi hình ảnh em Nguyễn Văn Min. Em Min năm nay mới 19 tuổi, là cháu nội ông Nguyễn Văn Lu và là thế hệ thứ 5 nối tiếp nghiệp ông cha vươn khơi bám biển. Trong những năm qua, anh Nguyễn Văn Hướng (cha Min) đã huấn luyện Min từ một ngư phủ bình thường đang dần dần trở thành một thuyền trưởng thông thạo và giỏi nghề.

Với con mắt nhà nghề, ông Nguyễn Văn Lu nhận xét: “Thằng Min tuy nhỏ nhưng có tố chất của một thuyền trưởng. Ngay từ nhỏ, nó đã thích theo cha, theo chú đi biển nhưng vì còn nhỏ nên tôi kêu cố gắng đợi thêm vài năm nữa. Nhưng việc học cuối cùng cũng dở dang. Nó quyết bám biển để làm giàu cho quê hương, cho gia đình. Nó nói rằng các thế hệ đi trước làm được thì nó cũng có thể làm được. Thế rồi, nó theo cha đi biển. Nhờ chỉ dẫn và ham học hỏi, giờ đây nó cũng có thể làm thuyền trưởng được rồi. Tôi tính 1 - 2 năm nữa, giao luôn tàu để nó tự điều khiển vươn khơi bám biển”.

Chuyện con cá ngừ thích ăn con mồi nào, cắn câu ở độ sâu bao nhiêu hay nhìn luồng cá chạy, cách nhìn trời, nhìn mặt nước biển để dự đoán gió, mưa… bây giờ những thanh niên đều thành thạo như lòng bàn tay của mình… Có thể nói, trong giới đi biển, mỗi người có một hoàn cảnh khác nhau.

Có người đến với nghề vì mưu sinh, cũng có người đến với nghề vì nghiệp cha truyền con nối, nhưng tất cả họ xem biển là nguồn sống. Đời người đi biển cực nhọc, sống giữa bốn bề mênh mông sóng nước, nhưng thu nhập bấp bênh. Ở đây, nhiều em còn rất trẻ đã nghỉ học để theo tàu đi đánh bắt cá. Mỗi chuyến tàu ra khơi, cả làng vắng hoe.

CẢ NHÀ CÙNG LÀM THUYỀN TRƯỞNG

Gia đình “tỷ phú” Lê Văn Hồng, Phường 2, TP. Mỹ Tho có 2 người con trai và 2 người con rể. Tất cả đều đi biển và làm thuyền trưởng những tàu công suất lớn đánh bắt hải sản ở ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa. Người con trai lớn tên Lê Quốc Rin (33 tuổi) là thuyền truyển tàu TG92222TS, con trai thứ 3 tên Lê Hoàng Tâm (30 tuổi) thuyền trưởng tàu TG93528TS; 2 người con và rể tên Phạm Văn Ngà, thuyền trưởng tàu TG91225TS và Phạm Minh Trí, thuyền trưởng tàu TG93519TS.

Ông Lê Văn Hồng cho biết, tất cả 4 người con và rể của ông đều làm thuyền trưởng tàu công suất từ 620 - 750CV. Ông Hồng tâm sự : “Tôi là người đi biển nhiều năm. Có thể nói, gia đình cũng khá giả nhờ biển nên các con tôi giờ đây cũng nối nghiệp gia đình vươn khơi, bám biển, góp phần giữ gìn chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ Quốc”.  

Còn “đại gia” miền biển ở xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông Nguyễn Văn Lu có 3 người con thì cả 3 cùng làm thuyền trưởng. Anh Nguyễn Văn Định (42 tuổi), con trai lớn ông Lu làm thuyền trưởng nhiều năm nay. Sau khi đi 1 - 2 chuyến biển thì anh lên bờ sắp xếp công việc, lo hậu cần cho các tàu khác.

Còn anh Nguyễn Văn Hướng (41 tuổi), con trai thứ 3 của ông Lu cũng đang làm thuyền trưởng tàu TG93268TS và đang đánh bắt cá ngoài Trường Sa. Anh Nguyễn Văn Tuấn (40 tuổi), con trai thứ 3 của ông Lu cũng là thuyền trưởng tàu TG92717TS và cùng các tàu trong gia đình đánh bắt ở ngư trường truyền thống Trường Sa.

“Tội nghiệp anh em tụi nó, mặc dù thường gặp nhau trên biển nhưng ít có thời gian để đoàn tụ cùng gia đình trên bờ. Mỗi năm chỉ đôi mươi ngày rồi “đạp sóng” vươn khơi. Biết rằng nghề biển gặp muôn vàn khó khăn như sóng to, gió lớn, xa gia đình, nhưng trong thế hệ trẻ vẫn rạo rực mỗi khi bắt đầu vươn khơi bám biển” - ông Nguyễn Văn Lu tự hào về các con của mình.

SĨ NGUYÊN
Bài 4:
Diện mạo mới ở các xã ven biển

.
.
.