Thứ Sáu, 08/08/2014, 13:05 (GMT+7)
.
Khát vọng vươn khơi bám biển

Bài cuối: Diện mạo mới ở các xã ven biển

Bài 1: 5 đời gắn bó với biển cả
Bài 2: Tỷ phú Lê Văn Hồng-Khởi đầu sự nghiệp từ 1 ngư phủ
Bài 3: Thế hệ trẻ tiếp nối cha ông "trông" biển

Không còn những ngôi nhà tranh lụp xụp, chen chúc nhau trong đói nghèo. Các làng biển hôm nay đã thực sự chuyển mình với 1.357 tàu khai thác biển, có tổng công suất 295.400 CV, trong đó tàu tham gia khai thác là 1.183 chiếc và 192 tàu làm dịch vụ hậu cần nghề cá. Có thể nói, những ngư dân xứ biển đang từng bước làm thay da, đổi thịt diện mạo quê hương.

Đầu tư đóng tàu lớn

Buổi sáng một ngày tháng 7-2014. Cảng cá Vàm Láng, thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông trở nên huyên náo bởi những ghe thuyền nhỏ đánh bắt gần bờ và đóng đáy song cầu trở về. Từng đợt người tất bật vào bờ. Những tiểu thương vội vàng ngã giá. Dù không còn đi biển, nhưng những người già cũng ra tận cửa biển để lặng lẽ ngắm nhìn không khí tấp nập, khẩn trương.

Ông Nguyễn Minh Nguyên (Khu phố Lăng Ba, thị trấn Vàm Láng), 1 lão ngư từng gắn bó với biển một thời, chia sẻ: “Bây giờ, người giàu thì sắm tàu xa bờ, nghèo cũng có cái ghe vừa phải. Nên nhìn ra cửa biển thấy tàu thuyền đông nghẹt, chứ đâu thưa thớt như thời chúng tôi còn đi biển”.

Khoan cá đầy ắp của một tàu sau chuyến đánh bắt ngoài Trường Sa.
Khoan cá đầy ắp của một tàu sau chuyến đánh bắt ngoài Trường Sa.

Cần mẫn gắn bó với biển khơi, “năng nhặt” từng con cá, con tôm để “chặt bị”, nhiều ngư dân từ tay trắng đã trở thành những tỷ phú, sở hữu không chỉ một mà đến 9 - 10 chiếc tàu. Ông Nguyễn Văn Ru, xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông, một ngư dân gắn bó với biển đã hơn 40 năm cho biết: “Hồi mới ra nghề, làm gì có đủ tiền mà sắm tàu, sắm thuyền đi đánh bắt. Mấy anh em chỉ biết rủ nhau xin đi bạn. Mà hồi đó chủ yếu là ghe cào, chỉ đi gần bờ”. 

Sau 30 năm, từ một ngư dân đi bạn trên những chiếc tàu nhỏ, đến nay ông Ru đã là chủ sở hữu của 7 chiếc tàu với tổng công suất lên đến hàng ngàn CV. Tàu công suất lớn, lại được trang bị máy móc hiện đại nên ông Ru chỉ đánh bắt xa bờ ở ngư trường Trường Sa và Hoàng Sa. Với mỗi chuyến biển lên đến trên 2 tháng, chỉ tính riêng dầu, ông Ru đã phải bỏ ra hơn 80.000 lít/7 chiếc, nhưng nhờ mạnh dạn đầu tư, nên chuyến nào thuận buồm, ông Ru thu về trên dưới 1 tỷ đồng.

Ấp ủ giấc mơ làm giàu từ biển, nhiều ngư dân đã mạnh dạn đầu tư đóng tàu mới, cải hoán tàu và trang bị lưới cụ hiện đại để bám biển dài ngày. Ông Lê Văn Hồng, Phường 2, TP. Mỹ Tho hiện có 10 chiếc tàu công suất từ 400 - 720 CV và đang đánh bắt ngoài ngư trường Hoàng Sa và Trường Sa. Hôm trao đổi với chúng tôi, ông khoe: “Đoàn tàu đánh bắt ngoài khơi của ông hiện nay đang khá hiện đại và lớn nhất tỉnh về công suất.

Tuy nhiên, thời gian gần đây “tàu lạ” ngày càng ngang ngược nên gia đình tôi quyết định đóng con tàu có công suất trên 720 CV, dự kiến cuối năm 2014 sẽ đưa vào hoạt động. Mặc dù Nghị định 67 về một số chính sách hỗ trợ cho ngư dân, trong đó có đóng tàu công suất lớn hiệu lực trong tháng 8 này, nhưng từ trước đó, gia đình gom góp tiền và vay ngân hàng để đóng những chiếc tàu lớn hơn để an tâm bám biển, làm giàu từ biển và góp phần bảo vệ chủ quyền biển, đảo thiêng liêng của Tổ quốc”.

Hậu phương vững chắc

Trong những năm qua, cùng với việc thành lập tổ, đội hợp tác và tổ đoàn kết sản xuất trên biển, việc ra đời của các nghiệp đoàn khai thác hải sản trên biển có ý nghĩa hết sức đặc biệt, vì nó giúp nông dân yên tâm làm giàu từ biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo quê hương.

Ngư dân Nguyễn Văn Dân, đoàn viên của Nghiệp đoàn Khai thác hải sản Phường 2, TP. Mỹ Tho tự tin khẳng định: “Ở đâu ngư dân mình khai thác, đánh bắt thì ở đó là vùng trời, vùng biển của Tổ quốc mình. Do vậy, chỉ cần ngư dân mình đoàn kết bám biển thì chủ quyền biển, đảo sẽ được giữ vững. Đó là mong muốn chung của tất cả ngư dân khi gia nhập nghiệp đoàn”.

Ngoài mục đích hỗ trợ, điểm khác biệt của các nghiệp đoàn khai thác hải sản với những mô hình hợp tác hoạt động sản xuất trên biển là tập hợp ngư dân vào tổ chức Công đoàn để tuyên truyền chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước, góp phần phát triển kinh tế biển, bảo vệ chủ quyền biển, đảo của Tổ quốc.

Trao đổi với chúng tôi, nhiều ngư dân cho biết: “Được tham gia nghiệp đoàn khai thác hải sản thị trấn Vàm Láng là niềm tự hào của ngư dân. Đây là điểm tựa tinh thần vững chắc của ngư dân trên ngư trường. Từ nay, ngư dân chúng tôi không còn đơn độc khi ra khơi, vì bên cạnh chúng tôi đã có tổ chức Công đoàn sẵn sàng chia sẻ, giúp đỡ khi gặp khó khăn trong đánh bắt, phát triển ngành nghề”.

Ông Nguyễn Hữu Đức, Chủ tịch Nghiệp đoàn Khai thác hải sản thị trấn Vàm Láng cho biết: Trong thời gian qua, hoạt động của nghiệp đoàn đã phần nào hỗ trợ tìm kiếm cứu hộ, cứu nạn; giúp đỡ về thiết bị vật tư, nhân lực, sửa chữa máy móc khi hỏng hóc; thông tin về ngư trường, thị trường; hỗ trợ vay vốn mua sắm ngư, lưới cụ, trang thiết bị phục vụ khai thác biển; hỗ trợ nhau về tinh thần, kết nối thông tin từ tàu về đất liền và ngược lại. Nhiều đoàn viên nghiệp đoàn được hỗ trợ xây dựng, sửa chữa nhà cửa, giúp đỡ con em học hành.

Từ các tổ, đội hợp tác và tổ đoàn kết sản xuất trên biển đến việc ra đời của các Nghiệp đoàn Khai thác hải sản là sự nối tiếp trong quá trình hợp tác, đoàn kết của bà con ngư dân khi hành nghề trên biển. Với mỗi mô hình, tính pháp lý, sự vào cuộc của chính quyền, các ngành chức năng tuy có khác nhau, nhưng đều hướng đến mục tiêu đẩy mạnh sản xuất, kinh doanh, hiệu quả kinh tế, ổn định và từng bước nâng cao đời sống vật chất, tinh thần cho người lao động đi biển.

Không còn đơn độc trên biển, ngư dân ngày càng quyết tâm bám biển, vươn khơi. Diện mạo các xã ven biển nhờ thế cũng được đổi thay. Những ngôi nhà khang trang, những con đường bê tông thẳng tắp kéo ra tận cửa biển...

SĨ NGUYÊN

.
.
.