Thứ Tư, 18/02/2015, 23:54 (GMT+7)
.

Huyện Gò Công Tây: Phát huy hiệu quả từ việc chuyển đổi cây trồng

Chúng tôi trở lại Gò Công Tây trong những ngày giáp Tết, không khí lao động sản xuất nơi đây sôi nổi, bà con khoe, nhờ chuyển đổi cây trồng, vật nuôi mà thu nhập của bà con đã được cải thiện, có  điều kiện sửa sang nhà cửa vui Xuân, đón Tết.

Bằng việc thực hiện đồng bộ các giải pháp trong sản xuất, những năm gần đây, huyện Gò Công Tây đã gặt hái nhiều kết quả từ việc chuyển đổi cơ cấu (CĐCC) giống cây trồng, nâng cao hiệu quả sản xuất nông nghiệp, mang lại thu nhập cao cho nông dân. Có thể nói, việc CĐCC cây trồng ở huyện đang có những hướng đi tích cực, giúp nông dân làm giàu từ sản xuất nông nghiệp theo hướng đa dạng hóa cây trồng, góp phần quan trọng vào chương trình xây dựng nông thôn mới và xóa đói giảm nghèo tại địa phương.

Theo UBND huyện, mặc dù phải đối mặt với nhiều khó khăn, thách thức do ảnh hưởng của thiên tai, dịch bệnh, biến đổi khí hậu, suy thoái kinh tế... nhưng sản xuất nông nghiệp của huyện Gò Công Tây đã đạt được nhiều kết quả quan trọng trên tất cả các lĩnh vực.

Cơ cấu kinh tế nội ngành có bước chuyển dịch theo hướng tích cực. Năm 2014, trồng trọt đạt 66,21%, chăn nuôi đạt 26,77%, thủy sản đạt 7,03%. Trong nông nghiệp có sự chuyển dịch theo hướng giảm dần tỷ trọng trồng trọt, tăng dần tỷ trọng chăn nuôi và dịch vụ.

Ông Nguyễn Văn Hùng, Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện phân tích, diện tích gieo trồng lúa năm 2014 có khuynh hướng giảm, nhưng về sản lượng và chất lượng tăng, năng suất bình quân năm 2014 đạt 5,78 tấn/ha, trong đó cao nhất là vụ đông xuân.

Dù giá cả đầu vào luôn biến động tăng nhưng do năng suất lúa cao và bán có giá nên lợi nhuận thu được khá cao (đạt khoảng 45 triệu/ha/năm). Sự chuyển đổi từ giống lúạ chất lượng thấp sang trồng các giống lúa chất lượng cao và chuyển đổi từ sử dụng giống lúa không đạt chuẩn sang sử dụng giống cấp xác nhận đã góp phần tăng năng suất, tăng thu nhập cho người sản xuất.

Bên cạnh đó, lĩnh vực rau màu cũng chuyển biến tích cực, năm 2014 diện tích rau màu luân canh trên đất lúa đạt trên 2.000 ha, ngoài cây dưa hấu truyền thống của huyện, nhiều loại cây trồng có giá trị kinh tế cao được đưa vào sản xuất như: ớt, khoai môn, bí... từng bước hình thành vùng chuyên canh rau màu như:

Bình Nhì, Vĩnh Hựu, Yên Luông, Bình Tân, Long Bình, Long Vĩnh... góp phần nâng cao giá trị sản xuất trên một đơn vị diện tích, có nhiều mô hình đạt giá trị sản lượng từ 150 - 250 triệu đồng/ha/năm như dưa hấu - lúa, khoai môn - bắp, ớt - bắp, huệ - lúa...

Kinh tế vườn từng bước phát triển theo hướng khai thác tổng hợp, phát triển hệ thống xen canh cây trồng, vật nuôi tạo sự bền vững cả về kỹ thuật lẫn kinh tế - xã hội. Mô hình trồng xen điển hình cho hiệu quả cao là dừa - ca cao, tăng thu nhập thêm cho người trồng dừa từ 20 - 30 triệu đồng/ha/năm.

Dự án phát triển trồng thanh long trên diện tích lúa năng suất thấp ở xã Đồng Sơn cũng đã mang lại hiệu quả kinh tế, lợi nhuận tăng lên gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa…

Chia sẻ với chúng tôi, ông Nguyễn Thanh Tuấn, Phó Chủ tịch UBND huyện cho biết: “Gò Công Tây không được thiên nhiên ưu đãi, đất đai cằn cỗi, trước đây bà con rất vất vả với cuộc mưu sinh. Song, với sự nổ lực của chính quyền, các ngành, các cấp, ngành Nông nghiệp tiếp tục gặt hái kết quả khả quan.

Huyện có sự chuyển biến mạnh mẽ trong CĐCC cây trồng, đã hình thành và ổn định vùng lúa chất lượng cao 8.000 ha, diện tích rau màu luân canh trên đất lúa phát triển mạnh, từng bước hình thành vùng màu chuyên canh, góp phân nâng cao giả trị sản xuất trên một đơn vị diện tích...”.

UBND huyện đã đề ra mục tiêu năm 2015 và những nhiệm vụ giải pháp để cụ thể hóa các mục tiêu trong thời gian tới. Theo đó, năm 2015 ứng dụng các tiến bộ kỹ thuật nhằm gia tăng năng suất, chất lượng cây trồng, vật nuôi; đồng thời tiếp tục đưa vào sản xuất các giống lúa đặc sản, chất lượng cao; ứng dụng công nghệ sinh thái trong quản lý dịch bệnh trên cây lúa, công nghệ thu hoạch và sau thu hoạch; sử dụng các giống lai F1 trên các loại rau màu; mở rộng thị trường tiêu thụ hàng hóa nông sản; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng hệ thống giao thông nông thôn, hệ thống thủy lợi phục vụ nông nghiệp…

CĐCC cây trồng trên đất nông nghiệp kém hiệu quả là việc làm quan trọng trong điều chỉnh cơ cấu ngành Nông nghiệp, Gò Công Tây đã và đang thực hiện khá thành công việc chuyển đổi này. Tuy vẫn còn nhiều khó khăn, thách thức, song với sự cần cù, chịu khó và không ngừng học hỏi của người dân nơi đây, tin rằng mỗi mùa xuân đến Gò Công Tây sẽ có thêm nhiều nét mới…

HOÀI THU

.
.
.