Biến đổi khí hậu và giải pháp ứng phó cho huyện cù lao
Tân Phú Đông là vùng đất cù lao bị phân cách bởi 2 dòng sông lớn (Cửa Tiểu, Cửa Đại) có thế mạnh kinh tế biển, đánh bắt, nuôi trồng thủy sản; trồng các loại cây ăn trái và cây công nghiệp. Tuy vậy, vùng đất cù lao giáp biển này hàng năm chịu ảnh hưởng của xâm nhập mặn từ 5 - 8 tháng.
Đặc biệt, những năm gần đây, do tác động của sóng, dòng chảy thay đổi gây ra sạt lở lớn và có xu hướng ngày càng nghiêm trọng trên địa bàn, ảnh hưởng không nhỏ đến sản xuất, sinh hoạt của người dân. Giải pháp ứng phó trước xu thế gây bất lợi ngày càng tăng do tác động của biến đổi khí hậu đang được đặt ra cho huyện cù lao.
Huyện “đảo” trong tác động của biến đổi khí hậu
Tân Phú Đông mỗi năm bồi lấn ra biển khoảng 100 m; mức chênh lệch chân triều cao có lợi thế cho tưới tiêu tự chảy, tháo chua rửa phèn; giao thông thủy và nuôi trồng thủy sản rất thuận lợi. Theo các nhà chuyên môn, đó là những lợi thế mà nhiều nơi khác không có được.
Song, cũng với vị trí địa lý và đặc điểm tự nhiên trên lại gây rất nhiều bất lợi cho hoạt động sản xuất, sinh hoạt của người dân trong huyện. Đặc biệt, những năm gần đây, do tác động của biến đổi khí hậu, điều kiện tự nhiên, nguồn nước ngày càng gây bất lợi cho sản xuất, dân sinh.
Những năm gần đây, sạt lở ở khu vực Cồn Bà (xã Tân Thạnh) rất nghiêm trọng ảnh hưởng đến vườn cây ăn trái, nuôi thủy sản và sinh hoạt của nhân dân. |
Nói về những tác động bất lợi trên, ông Đoàn Văn Thơ, Chủ tịch UBND huyện cho biết, mặn ngày càng lấn sâu về thượng nguồn sông Tiền làm cho cù lao Tân Phú Đông hầu như bị mặn hóa; mùa khô có xu hướng kéo dài. Có nhiều yếu tố làm cho mùa khô kéo dài nhưng rõ nhất là do tác động của biến đổi khí hậu gây ra sự bất thường của thủy văn, quá trình xâm nhập mặn mỗi năm thêm phức tạp.
Theo kết quả khảo sát vào năm 2013, toàn huyện có khoảng 1.500 hộ dân thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô. Không chỉ vậy, do địa bàn nằm trên hệ cù lao, cồn bãi thuộc hạ lưu sông Tiền nên huyện còn đối mặt với sạt lở. Theo ghi nhận, những năm qua, sạt lở xảy ra nghiêm trọng ở xã Phú Tân, Tân Thạnh với tổng chiều dài sạt lở lên đến trên 10 km, sạt vào sâu đất liền có nơi lên đến 500 m, ảnh hưởng đến nuôi thủy sản, vườn cây ăn trái và sinh hoạt của hộ dân.
Cũng theo giới chuyên môn, dưới tác động của biến đổi khí hậu, nước mặn xâm nhập ngày càng sâu, kéo dài, thời tiết thay đổi ảnh hưởng trực tiếp đến sản xuất nông, lâm, công nghiệp, môi trường, đánh bắt thủy sản… trên địa bàn.
Phân tích thêm về những tác động này, PGS.TS Dương Văn Viện, Hiệu trưởng Trường Cao đẳng Nông nghiệp Nam bộ, cho biết qua nghiên cứu thực tế cho thấy, nằm trong khu vực Đồng bằng sông Cửu Long, Tân Phú Đông đang phải đối mặt với vấn đề thiếu nước ngọt và xâm nhập mặn; ngập úng, lũ trong mùa mưa; ô nhiễm chất lượng nước nội vùng; môi trường sinh thái bị suy giảm; rừng ngập mặn và rừng phòng hộ ven biển bị suy thoái; bồi lắng, xói lở bờ sông, bờ kinh tăng mạnh.
Những tác động của biến đổi khí hậu làm cho các vấn đề trên càng trở nên trầm trọng hơn. Trong đó, tình hình xâm nhập mặn ở huyện Tân Phú Đông là đáng lo ngại hơn cả. Theo tính toán của nhóm nghiên cứu Trường Cao đẳng Nông nghiệp Nam bộ, độ mặn khi nước biển dâng tăng cao vượt mức cho phép và kéo dài trong năm làm hạn chế đáng kể và báo động đến việc lấy nước ngọt cho khu vực huyện. Ngoài ra, xu hướng bão và bão mạnh ngày càng hướng về phía Nam cũng là thách thức cho huyện.
Làm gì để thích ứng?
Trước những thách thức trên, PGS.TS Dương Văn Viện cho rằng, giải pháp trước mắt là tập trung phát huy hết khả năng hệ thống công trình có sẵn, thực hiện tốt việc tháo rửa, cải tạo nguồn nước cũng như vận hành hệ thống lấy nước ổn định phục vụ sản xuất; khuyến cáo người dân sản xuất theo lịch thời vụ, đồng loạt; xây dựng một số mô hình sản xuất ít sử dụng nước như trồng bắp, rau màu, ớt… thay cho sản xuất lúa bấp bênh, từ đó mở ra việc chuyển đổi cây trồng, vật nuôi thích hợp.
Bên cạnh đó, các ngành chức năng, chuyên môn cần tiến hành tập huấn cho nông dân về biện pháp kỹ thuật như bón phân để kéo dài thời gian sinh trưởng cho cây lúa khi thiếu nước xảy ra; phòng, chống rầy nâu trong điều kiện không có nước; xây dựng cơ cấu giống cây trồng hợp lý; phát triển cây ăn trái gốc ghép để tăng khả năng chống chịu; đầu tư xây dựng thích đáng hệ thống đê bao.
Còn về lâu dài, các nhà chuyên môn cho rằng, các ngành chức năng, huyện cần có quy hoạch phát triển sản xuất nông - lâm - ngư thích hợp cho từng nơi, từng vùng để có hướng đầu tư thủy lợi phù hợp với những vùng sản xuất đó, thích nghi với biến đổi khí hậu; quy hoạch phát triển du lịch sinh thái trong mối quan hệ bảo vệ môi trường.
Cụ thể, với vùng đất cù lao trải dài 40 km từ Tây sang Đông và giáp biển, Tân Phú Đông hình thành 2 vùng kinh tế rõ rệt. Đó là vùng ngọt, lợ gồm các xã: Tân Thới, Tân Phú, Phú Thạnh và phần phía Tây của xã Tân Thạnh trọng điểm sản xuất nông nghiệp với chủ yếu cây lúa, dừa, cây ăn trái; vùng mặn gồm các xã: Phú Đông, Phú Tân và phía Đông của xã Tân Thạnh trọng điểm phát triển kinh tế biển, nuôi trồng, đánh bắt thủy sản. Thực tế, thời gian qua, người dân cũng đã chuyển đổi cây trồng, vật nuôi theo hướng thích ứng với điều kiện tự nhiên và xu thế biến đổi khí hậu.
Theo đó, người dân chuyển đổi từ trồng lúa hiệu quả thấp sang trồng mãng cầu Xiêm ghép gốc bình bát và trồng cây sả chịu hạn tốt ở khu vực phía Tây; phát triển nghề đánh bắt, nuôi trồng thủy sản ở phía Đông của huyện; phát triển vật nuôi ít sử dụng nước như nuôi bò, dê cho hiệu quả tốt.
Bên cạnh các giải pháp trên, TS. Nguyễn Xuân Thành, Giám đốc Trung tâm Quan trắc Môi trường và Tài nguyên Tiền Giang, cho rằng cần tiếp tục nghiên cứu việc đắp đập sông Cửa Trung. Công trình này rất có ý nghĩa trong việc giải quyết nước sinh hoạt, nước cho sản xuất nông nghiệp và dân sinh của huyện cù lao trước xu thế xâm nhập mặn ngày càng kéo dài, gây bất lợi hơn cho sản xuất và dân sinh trên địa bàn do tác động của biến đổi khí hậu.
Bên cạnh đó, huyện cũng cần quan tâm xây dựng và phát triển mô hình quản lý nước dựa vào cộng đồng; nghiên cứu việc sử dụng nguồn nước ngầm ở khu đất giồng cát…
NGÔ VĂN