Bài cuối: Quy hoạch chợ phải từ nhu cầu thực tế
Bài 1: Nan giải với chợ tự phát
Với những hạn chế trong việc phát triển và quản lý các chợ như hiện nay và đặc biệt trong giai đoạn từ nay đến năm 2020, cùng với triển vọng phát triển kinh tế trên địa bàn tỉnh, hoạt động mua bán hàng hóa sẽ ngày càng tăng lên cả về quy mô, phạm vi không gian cũng như sự đa dạng hóa của các phương thức kinh doanh, các yêu cầu phục vụ văn minh. Vì thế việc sắp xếp, quy hoạch lại mạng lưới các chợ là một vấn đề bức thiết đặt ra.
Thực trạng các chợ hiện nay
Không kể các chợ tự phát, toàn tỉnh có 171 chợ, trong đó huyện Cái Bè nhiều nhất với 35 chợ, kế đến là huyện Cai Lậy 29 chợ. Các chợ trên chủ yếu là bán lẻ phục vụ dân sinh, nhu cầu mua bán các mặt hàng tiêu dùng hàng ngày của hộ gia đình; nguyên vật liệu, dụng cụ phục vụ sản xuất nông nghiệp...
Chỉ một số chợ tại khu vực trung tâm TP. Mỹ Tho, TX. Gò Công, thị trấn Cái Bè, TX. Cai Lậy… vừa bán lẻ vừa bán buôn cho các chợ huyện, chợ xã và các hộ bán lẻ trong khu vực. Ngoài ra, tỉnh cũng đã hình thành một số chợ chuyên doanh, chợ đầu mối như:
Chợ gạo Bà Đắc, chợ trái cây Vĩnh Kim, chợ trái cây An Hữu… là nơi tập trung lượng lớn hàng hóa, có nhiều thương lái đến thu mua, đóng gói và phân phối cho các vùng miền khác trên phạm vi cả nước và phục vụ xuất khẩu. Hiện các chợ nêu trên đang hoạt động có hiệu quả, thu hút nhiều khách hàng trong vùng và của cả nước, có xu hướng mở rộng về quy mô cũng như các dịch vụ hỗ trợ.
Chợ đầu mối trái cây Vĩnh Kim. Ảnh: Tuấn Lâm |
Tính theo địa bàn cấp huyện, nơi có mật độ chợ/xã cao nhất là huyện Cái Bè (1,4 chợ/xã), huyện Gò Công Tây (1,31 chợ/xã), huyện Gò Công Đông (1,23 chợ/xã). Mật độ chợ thấp nhất là huyện Tân Phước với 6 chợ/13 xã (bình quân 0,46 chợ/xã).
Về bán kính phục vụ: Huyện Tân Phước có bán kính phục vụ xa nhất (bình quân 4,21 km/chợ - cao hơn rất nhiều so với mức bình quân chung của tỉnh là 2,15 km/chợ). Huyện Tân Phú Đông cũng là địa phương có bán kính phục vụ của chợ khá cao (3,03 km/chợ). Do vậy, trong định hướng giai đoạn tới cần có giải pháp tăng cường đầu tư chợ tại 2 huyện trên.
Nhìn chung, các chỉ tiêu về mạng lưới chợ của tỉnh là tương đối tốt so với bình quân chung của cả nước và của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long. Địa điểm phân bố của các chợ tại các huyện, thị, thành cũng khá hợp lý cả về bán kính phục vụ cũng như quy mô dân số được phục vụ.
Đối với các địa phương như TP. Mỹ Tho, huyện Châu Thành có tỷ lệ số dân/chợ cao là do mật độ dân số cao. Hơn nữa, ngoài hệ thống chợ, người dân tại các địa phương này còn mua hàng tại các siêu thị, trung tâm thương mại. Bán kính phục vụ bình quân của các chợ tại địa phương này cũng khá tốt - thấp hơn mức bình quân chung của tỉnh.
Ngược lại, huyện Tân Phước, huyện Tân Phú Đông tuy bán kính phục vụ của chợ là khá cao nhưng do mật độ dân số thấp nên tỷ lệ số dân/chợ thấp hơn các địa phương khác. Theo xu hướng phát triển, khi dân số phân bố đồng đều hơn tại các huyện khó khăn như huyện Tân Phước và huyện Tân Phú Đông thì nhu cầu đầu tư phát triển chợ sẽ tăng cao.
Vấn đề hạn chế cơ bản nhất của các chợ trên địa bàn hiện nay là môi trường vệ sinh và PCCC của các chợ. Đa số các chợ có lối vào nhưng bị lấn chiếm, xe chữa cháy khó tiếp cận. Ngoài ra, còn có nhiều vi phạm khác như xây dựng thêm phần mái che bằng vật liệu dễ cháy, cản trở tầm nhìn và công tác chữa cháy...
Hướng đến chợ văn minh, hiệu quả
Theo Sở Công thương, để thúc đẩy lưu thông hàng hóa ở nông thôn, bảo đảm nhu cầu xuất khẩu, với ưu thế địa lý kinh tế, giai đoạn tới, trên địa bàn tỉnh sẽ hình thành một số chợ đầu mối nông sản. Những chợ đầu mối này có quy mô lớn và tổ chức hoạt động theo hướng chuyên nghiệp, tiến đến phát triển thành một sàn giao dịch chuyên về rau quả và gạo ở vùng Đồng bằng sông Cửu Long.
Những điều kiện phục vụ kinh doanh của chợ đầu mối không chỉ bao gồm điều kiện về cơ sở vật chất - kỹ thuật, mà quan trọng hơn là những hoạt động hỗ trợ, tạo thuận lợi cho hoạt động mua bán như dịch vụ kiểm dịch, vệ sinh an toàn thực phẩm, thông tin, giao dịch, đấu giá, thanh toán, vận chuyển, giao nhận hàng hóa, đóng gói, bảo quản, lưu giữ, xuất, nhập khẩu hàng hóa.
Xuất phát từ thực tế và nhu cầu phát triển chợ đầu mối trên địa bàn tỉnh, từ nay đến năm 2020, cùng với việc củng cố, mở rộng quy mô và phạm vi hoạt động của các chợ đầu mối hiện hữu như chợ gạo Bà Đắc, Trung tâm nông sản Phú Cường, chợ trái cây Vĩnh Kim… sẽ hình thành thêm một số chợ đầu mối thủy sản, trái cây, lúa gạo như: Bến hàng nông sản huyện Chợ Gạo, chợ thủy sản Vàm Láng….
Các chợ đầu mối thực hiện chức năng tập hợp và phân phối nông sản, thủy sản tại vùng sản xuất lớn và là đầu mối tập trung bán buôn và một phần bán lẻ, cung cấp đầy đủ dịch vụ chuyên nghiệp cho các hoạt động giao dịch, mua bán, giao nhận, vận chuyển, phân loại, đóng gói, chế biến, bảo quản, kiểm tra hàng hóa và các dịch vụ tài chính, thông tin, môi giới…
Về các chợ dân sinh tại khu vực thành phố, thị xã, thị trấn, sẽ tập trung nâng cấp, cải tạo hoặc xây mới chợ tại vị trí hiện hữu đối với các chợ trung tâm thành phố, thị xã, thị trấn. Nguồn vốn đầu tư các chợ này chủ yếu là mời gọi đầu tư. Hạn chế xây dựng mới các chợ ở khu vực nội thành (TP. Mỹ Tho và TX. Gò Công).
Lựa chọn để nâng cấp, cải tạo một số chợ quy mô lớn hiện có thành một số chợ trung tâm của tỉnh và huyện với quy mô chợ hạng I hoặc chuyển hóa chợ trung tâm thị trấn thành các trung tâm mua sắm khang trang và hiện đại, phù hợp với quần thể kiến trúc xung quanh, cùng với các siêu thị, đường phố thương mại quanh khu vực chợ để hình thành nên các khu thương mại, dịch vụ tổng hợp của tỉnh, thị xã, thị trấn. Đối với các chợ ảnh hưởng đến an toàn giao thông, phòng cháy, chữa cháy, vệ sinh môi trường… phải có kế hoạch di dời; kiên quyết xử lý các chợ tạm, chợ tự phát.
Với các chợ dân sinh nông thôn sẽ từng bước cải tạo, xây dựng mới và mở rộng mạng lưới chợ nông thôn, làm nơi trao đổi, buôn bán hàng hóa thuận lợi cho nhân dân nông thôn. Đối với vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn, tập trung đầu tư các chợ trung tâm cụm xã và xã, các điểm dân cư tập trung đáp ứng nhu cầu trao đổi hàng hóa của nhân dân.
Cải tạo, nâng cấp hoặc xây mới các chợ thị trấn, thị tứ thành các chợ lớn hơn, quy mô chợ hạng II để trở thành chợ trung tâm của huyện hoặc của một tiểu vùng gồm nhiều xã trong huyện, làm hạt nhân của mạng lưới chợ dân sinh ở các xã; lấy chợ làm hạt nhân, tổ chức quanh khu vực ảnh hưởng của chợ các loại hình thương mại, dịch vụ khác để hình thành các khu thương mại - dịch vụ tổng hợp ở các địa bàn.
Ông Nguyễn Văn Công, Phó Giám đốc Sở Công thương cho biết: “Việc quy hoạch danh mục các chợ là do cơ sở đưa lên. Chúng tôi từng khuyến cáo các huyện trước khi xây dựng chợ cần thăm dò ý kiến tiểu thương, nghiên cứu tập quán mua bán để tránh đầu tư rồi bỏ trống.
Về vốn đầu tư để hoàn thiện mạng lưới chợ nông thôn được huy động từ các nguồn hỗ trợ của ngân sách Nhà nước, lồng ghép với các chương trình, dự án phát triển kinh tế - xã hội của Trung ương và địa phương và từ các hộ kinh doanh trong chợ góp vốn trước rồi thuê lại quầy, sạp, cửa hàng trong chợ sau.
Cân đối bố trí vốn ngân sách đầu tư chợ tại các vùng nông thôn khó mời gọi đầu tư nhưng nhu cầu cấp thiết cần phải xây dựng chợ. Ngoài ra, xem xét chuyển đổi công năng đối với các chợ hoạt động không hiệu quả”.
DUY SƠN