Doanh nghiệp, doanh nhân cần tự đổi mới
Kỷ niệm ngày Doanh nhân Việt Nam (13-10) năm nay ngay thời điểm nền kinh tế trong nước, khu vực và thế giới có nhiều thông tin lạc quan hơn, cho thấy tình hình kinh tế đang có dấu hiệu hồi phục sau thời gian khủng hoảng. Tất nhiên, mỗi doanh nghiệp (DN), doanh nhân sẽ “hấp thụ” với mức độ khác nhau.
Mỗi DN cần có chiến lược kinh doanh riêng. |
Trên bình diện khu vực và quốc tế, nhiều hiệp định kinh tế đã được ký kết, mà điểm nhấn là Hiệp định Đối tác kinh tế xuyên Thái Bình Dương (TPP) vừa hoàn tất quá trình đàm phán. Còn trong nước, sau thời gian tập trung thực hiện tái cơ cấu nền kinh tế theo chủ trương chung, nhiều lĩnh vực, ngành đã đạt được kết quả nhất định; tình hình kinh tế đã ổn định và tăng trưởng trở lại.
Ngay trên địa bàn tỉnh, kết quả sản xuất - kinh doanh (SX-KD) trong những tháng vừa qua của năm 2015 cho thấy nhiều tín hiệu tích cực, nhất là giá trị xuất khẩu của các DN tiếp tục tăng trưởng cao, với mức tăng trên 20% so với cùng kỳ năm 2014. Tất cả các yếu tố này sẽ góp thêm động lực cho hoạt động SX-KD của các DN.
Các chuyên gia kinh tế đã phân tích rằng, kinh tế Việt Nam đang hội nhập một cách sâu rộng vào sân chơi chung của nền kinh tế thế giới, nên mọi ngõ ngách của từng nhóm ngành đều dễ dàng bị tác động. Chỉ cần một cái “hắt hơi” của kinh tế thế giới cũng sẽ tác động ngay vào tình hình SX-KD của các DN trong nước.
Biến động của giá vàng, dầu mỏ... là một trong những minh chứng rõ ràng nhất. Chính vì lẽ đó, một DN muốn tồn tại và phát triển trong giai đoạn hiện nay thực sự là không dễ dàng, mặc dù cơ hội làm ăn là không hiếm.
Và lẽ đương nhiên là câu chuyện SX-KD của DN trong giai đoạn này chắc chắn sẽ khác. Dưới tác động từ hội nhập bắt buộc mỗi DN, doanh nhân phải biết nắm bắt cơ hội, lựa chọn lối đi riêng. Đó là những yêu cầu mang tính sống còn.
Khi đề cập về câu chuyện làm ăn giai đoạn hiện nay, Giám đốc một DN có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh, từng đạt danh hiệu Doanh nhân Việt Nam tiêu biểu đã tâm sự rằng, những năm gần đây, DN đối đầu với khủng hoảng kinh tế thế giới và những khó khăn của nền kinh tế trong nước. Hiện tại, tuy đã vượt qua một phần khó khăn, nhưng khả năng năm 2015 tình hình kinh tế vẫn duy trì trạng thái như những năm trước, chứ chưa có gì gọi là đột biến.
Chính vì vậy, DN chắc chắn sẽ còn không ít khó khăn cần phải xử lý. Tuy nhiên, đây cũng là dịp để DN soi rọi lại chính mình. Đó là kiểm tra, đánh giá lại tình hình của nội bộ DN, chẳng hạn về nhân sự, tổ chức, chất lượng sản phẩm, tình hình công nợ… cái gì còn yếu thì nhanh chóng điều chỉnh, xử lý kịp thời.
Trong giai đoạn này, DN muốn đầu tư cần phải được xem xét phương án một cách kỹ lưỡng và biết chờ thời cơ khi có cơ hội tốt hơn. “Tất nhiên, mỗi DN cần có chiến lược kinh doanh hợp lý, thực hiện tái cơ cấu DN, nâng cao năng lực, hợp tác đầu tư và đề cao tính cộng đồng, tăng cường đoàn kết, chăm lo đời sống cho người lao động, xây dựng văn hóa kinh doanh…” - giám đốc DN này cho biết.
2 doanh nhân đạt danh hiệu Doanh nhân xuất sắc khu vực ĐBSCL Tiền Giang có 2 doanh nhân đạt danh hiệu Doanh nhân xuất sắc khu vực ĐBSCL do Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) bình chọn, đó là: Ông Nguyễn Văn Đôn, Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng và ông Huỳnh Kim Tuấn, Giám đốc HTX TMDV Phường 1. Bên cạnh đó, Tiền Giang còn có 9 doanh nhân được VCCI bình chọn là Doanh nhân tiêu biểu khu vực ĐBSCL; đồng thời VCCI cũng công nhận 4 DN: Công ty TNHH SXTM Phú Đạt, Công ty TNHH SXTM RVAC, DNTN SD và DNTN Long Thuận có sản phẩm đặc trưng khu vực ĐBSCL. Buổi lễ tuyên dương các Doanh nhân xuất sắc, Doanh nhân tiêu biểu khu vực ĐBSCL sẽ được VCCI tổ chức vào ngày 16-10 tại TP. Cần Thơ. Ngoài ra, Thường trực Hội đồng Xét DN, doanh nhân Tiền Giang tiêu biểu cũng đã thống nhất đề nghị UBND tỉnh tặng danh hiệu Doanh nhân Tiền Giang tiêu biểu năm 2015 cho 31 cá nhân. |
Trong giai đoạn còn nhiều bề bộn như hiện nay, các chuyên gia đã nhận định rằng, nếu DN, doanh nhân nào có chiến lược kinh doanh tốt sẽ có nhiều cơ hội hơn. Nói thì thế, thật ra để có một chiến lược kinh doanh tốt không phải là điều đơn giản và không phải ai cũng có thể làm được.
Chẳng hạn, ngay trên địa bàn tỉnh, nhận thấy tình hình kinh doanh gạo gặp khó khăn, một DN lương thực có quy mô lớn trên địa bàn tỉnh đã tập trung đầu tư, chuyển hướng kinh doanh sang mặt hàng gạo chất lượng cao thay vì chỉ kinh doanh gạo cấp thấp truyền thống.
Tuy nhiên, sau nhiều năm theo đuổi chiến lược mới, đến nay tỷ lệ gạo chất lượng cao trong cơ cấu lượng gạo kinh doanh của công ty cũng đã khá lên, nhưng nhìn chung chưa đáp ứng yêu cầu đặt ra do nhiều nguyên nhân khác nhau.
Tất nhiên, mỗi DN, doanh nhân lựa chọn chiến lược kinh doanh khác nhau tùy thuộc vào điều kiện của từng nhóm ngành.
Ông Huỳnh Kim Tuấn, Giám đốc Hợp tác xã (HTX) Thương mại - Dịch vụ (TM-DV) Phường 1, 1 trong 2 doanh nhân Tiền Giang đạt danh hiệu Doanh nhân xuất sắc khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL) năm 2015 cho rằng, trong hệ thống kinh doanh lẻ hiện nay có sự cạnh tranh rất quyết liệt.
Để tiếp tục duy trì và tồn tại hệ thống bán lẻ, HTX cần tập trung khai thác nguồn hàng tận gốc; đồng thời tiết giảm những chi phí không cần thiết và tăng cường thái độ phục vụ, giao hàng tận nơi cho khách hàng.
“Tới đây, để duy trì và phát triển, HTX tiếp tục tìm những nơi có nhu cầu, đông dân cư để mở thêm những cửa hàng để phục vụ trực tiếp cho người tiêu dùng. HTX cũng mong tiếp tục được đón nhận sự quan tâm hỗ trợ của Nhà nước trong hoạt động SX-KD” - ông Huỳnh Kim Tuấn cho biết.
Trước bức tranh chung như thế, DN, doanh nhân cần chuẩn bị như thế nào? Thật sự đây là câu hỏi rất khó trả lời thỏa đáng. Khi bàn về vấn đề này, trong một hội thảo gần đây, TS. Võ Hùng Dũng, Giám đốc VCCI - Chi nhánh Cần Thơ cho rằng, thật sự rất khó để nói rằng DN cần phải chuẩn bị những gì. Bởi hiện tại DN chỉ nghe nói về những tác động của quá trình hội nhập, trước mắt là TPP, còn cụ thể như thế nào thì chưa rõ ràng, nên cũng rất khó khuyên DN làm gì.
Chỉ có điều mà các chuyên gia đã nhiều lần nói là mỗi DN nên xây dựng thương hiệu, tạo nền tảng cho sự cạnh tranh. “DN ở ĐBSCL dựa trên những thế mạnh hiện có cần được triển khai đi vào chiều sâu, chất lượng. Chỉ có dựa trên nền tảng chất lượng tốt mới có thương hiệu và từ đó mới mong sự phát triển bền vững” - TS. Võ Hùng Dũng cho biết.
THẾ ANH
Hoa Kỳ trở thành thị trường tiêu thụ chiếm tỷ trọng lớn Theo đánh giá của Sở Công thương, châu Âu không còn là thị trường chiếm tỷ trọng cao trong cơ cấu thị trường xuất khẩu (XK) của tỉnh (chỉ chiếm 22%). Các DN trên địa bàn tỉnh đã đẩy mạnh XK sang thị trường châu Mỹ, kim ngạch XK sang thị trường này tăng 43% so cùng kỳ, chiếm tỷ trọng 41% trong tổng kim ngạch XK của tỉnh. Đáng kể là XK sang thị trường Hoa Kỳ đã tăng 56% so với cùng kỳ, chiếm 84% trong tổng kim ngạch XK sang châu Mỹ, chiếm 31% tổng kim ngạch XK của tỉnh, với các mặt hàng XK chủ yếu như: Hàng may mặc, ống đồng, giày, túi xách; các mặt hàng khác như thủy sản, gạo và các sản phẩm chế biến từ gạo chiếm chưa đến 5%. Còn lại là các thị trường châu Á, châu Đại Dương và châu Phi. Trong khi đó, do XK tăng nên kim ngạch nhập khẩu nguyên phụ liệu cho các ngành may, da, gia công ống đồng cũng tăng. Theo đó, kim ngạch nhập khẩu 9 tháng qua đạt khoảng 840 triệu USD, tăng 32,7% so với cùng kỳ. Các mặt hàng nhập khẩu chủ yếu gồm: Vải nguyên liệu và phụ liệu gia công hàng may mặc chiếm 21%, nguyên liệu túi xách chiếm 21%, nguyên vật liệu thủy sản chiếm 19%, đồng nguyên liệu chiếm 15%, nguyên liệu giày chiếm 14% trong tổng kim ngạch nhập khẩu của tỉnh, còn lại là máy móc thiết bị, thuốc bảo vệ thực vật, dược phẩm… Trong đó, DN có vốn đầu tư nước ngoài chiếm 65% và DN có vốn đầu tư trong nước chiếm 35% trong tổng kim ngạch nhập khẩu. |