Khó khăn trong công tác giải phóng mặt bằng các dự án trọng điểm
Công tác xây dựng cơ bản, đặc biệt là với các công trình trọng điểm đang gặp những khó khăn nhất định, ngoài nguyên nhân về vốn, thì công tác giải phóng mặt bằng luôn là trở ngại đầu tiên và nan giải cho việc bảo đảm tiến độ thi công của các công trình.
Đường Lê Văn Phẩm nối dài, giai đoạn 1 hiện vẫn còn vướng 1 hộ chưa thống nhất chính sách bồi thường. Ảnh: Tuấn Lâm |
Nhiêu khê việc thu hồi đất
Theo Trung tâm Phát triển quỹ đất Tiền Giang, đơn vị chủ đầu tư công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đối với 2 dự án lớn là Quảng trường Trung tâm tỉnh và Khu tái định cư quảng trường và trụ sở làm việc các sở, ngành tỉnh, đến nay dù đã được sự đồng thuận của đa số người dân, nhưng số hộ chưa thống nhất nhận tiền bồi thường vẫn còn khá nhiều, ảnh hưởng đến việc triển khai thực hiện dự án.
Ông Hà Văn Như, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất Tiền Giang cho biết, dự án Quảng trường Trung tâm tỉnh có quyết định triển khai từ năm 2012, với tổng diện tích 330.864 m2, trong đó diện tích đất ở là 66.907 m2, diện tích đất nông nghiệp là 263.957 m2 với 601 hộ bị ảnh hưởng.
Tổng mức đầu tư của dự án hơn 503 tỷ đồng, trong đó chi phí cho bồi thường, giải tỏa, tái định cư hơn 457 tỷ đồng. Thời gian thực hiện công tác thu hồi đất đến hết năm 2014; tuy nhiên đến nay vẫn chưa xong và được tỉnh gia hạn đến ngày 31-12-2015. Hiện có 564 hộ đồng ý nhận tiền, còn 37 hộ chưa thống nhất, chủ yếu về đơn giá đất, vật kiến trúc và đề nghị được hưởng chính sách tái định cư.
Xây dựng cơ chế chính sách bồi thường sát thực tế Nguyên nhân chủ yếu dẫn đến khiếu kiện của người dân trong việc thu hồi đất của các dự án là do cơ chế chính sách bồi thường, nhất là giá bồi thường và chính sách tái định cư. Vì thế, việc nghiên cứu xây dựng giá đất ở, đất chuyên dùng, đất nông nghiệp tương đối sát với giá thị trường, bảo đảm tính nhất quán, đồng bộ giữa dự án và các vùng lân cận là rất cần thiết. Ngoài ra, cần điều chỉnh, bổ sung để hoàn thiện bộ đơn giá bồi thường, hỗ trợ về cây ăn trái, hoa màu, vật kiến trúc bảo đảm theo nguyên tắc đầy đủ về danh mục, đơn giá tương đối sát với thị trường theo từng thời điểm, giảm các thiệt hại cho người dân được bồi thường, hỗ trợ trong tình hình giá cả thị trường thường xuyên biến động. |
Với dự án Khu tái định cư Đạo Thạnh (phục vụ cho dự án Quảng trường Trung tâm và Trụ sở làm việc của sở, ngành tỉnh) có tổng diện tích 84.430 m2, trong đó đất ở là 10.038 m2, đất nông nghiệp là 73.172,9 m2, diện tích đất công cộng là 1.218 m2, với 111 hộ bị ảnh hưởng.
Tổng mức đầu tư của dự án hơn 75 tỷ đồng, trong đó chi phí bồi thường, hỗ trợ, tái định cư là 68 tỷ đồng. Đến nay, công tác thu hồi đất vẫn chưa xong và được tỉnh gia hạn đến ngày 31-12-2015.
Dự án đã chi tiền bồi thường từ ngày 15-1-2014, đến nay đã có 88 hộ đồng ý nhận tiền, tương ứng với số tiền 53,492 tỷ đồng. Trung tâm Phát triển quỹ đất Tiền Giang đã tiếp nhận mặt bằng của 83 hộ với diện tích 64.900 m2 để thi công Khu tái định cư Đạo Thạnh. 23 hộ chưa đồng thuận chủ yếu vẫn là giá và yêu cầu suất tái định cư.
Còn ông Nguyễn Văn Diệu, Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất TP. Mỹ Tho cho biết: Dự án đường Lê Văn Phẩm nối dài giai đoạn 1, ảnh hưởng đến 50 hộ, nay chỉ có 1 hộ không đồng ý, nhưng dự án vẫn dừng lại chưa thể triển khai tiếp, dẫn đến việc Trường THPT Chuyên Tiền Giang đã khánh thành nhưng vẫn phải đi đường vòng khá xa và bất tiện…; giai đoạn 2 hiện còn 15 hộ chưa thống nhất. Ngoài ra, các dự án nâng cấp đô thị trong nội ô thành phố còn 30 hộ chưa đồng thuận về giá bồi thường.
Nguyên nhân do đâu?
Về những giải pháp khắc phục những khó khăn trong thu hồi đất, ông Hà Văn Như, Phó Giám đốc Trung tâm Phát triển quỹ đất Tiền Giang cho rằng: Tiếp tục duy trì và phát huy các mối quan hệ hợp tác giữa chủ đầu tư, các địa phương và sở, ngành… để bảo đảm tính nhất quán trong thực hiện các chính sách, chủ trương trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư. Tăng cường tuyên truyền, phổ biến chính sách, pháp luật, tập trung vận động nhân dân, trong đó vai trò của mặt trận và các đoàn thể rất quan trọng. Trong vận động có phân công, phân nhiệm rõ ràng, có phân dạng hộ cụ thể để có thể giải quyết thiết thực, cụ thể, vận động đi vào trọng tâm, trọng điểm, từng bước giải quyết dứt điểm các hộ còn tồn đọng của dự án. |
Ông Nguyễn Văn Diệu cho biết: TP. Mỹ Tho có các dự án nâng cấp đô thị do Ngân hàng thế giới (WB) tài trợ thực hiện theo phương châm “Nhà nước và nhân dân cùng làm”, trong đó vận động nhân dân hiến đất để mở rộng các hẻm nên việc triển khai cũng gặp nhiều trở ngại, đa số người dân đều đồng thuận, nhưng số ít không bằng lòng cũng ảnh hưởng đến tiến độ.
Đối với các dự án lớn, thắc mắc chủ yếu là giá bồi thường và chính sách tái định cư. Về giá bồi thường, đa số người dân đòi bồi thường theo giá thị trường trong điều kiện có biến động khi dự án triển khai, chớ không phải trong điều kiện bình thường.
Một số trường hợp đất phân lô bán nền, đã xây nhà nhưng chưa chuyển mục đích sử dụng đất, lại yêu cầu bồi thường theo giá đất ở, trong khi vẫn còn là đất nông nghiệp.
Ngoài ra, việc định giá trị căn nhà cũng khó tìm được sự đồng thuận giữa Nhà nước và nhân dân; đây là mâu thuẫn ảnh hưởng đến việc thu hồi đất của các dự án.
Còn theo ông Hà Văn Như thì: Đa số những trường hợp không đồng ý là yêu cầu tính lại giá đất, dù Nhà nước đã tính sát theo giá thị trường; một số khác do “đón đầu” dự án, mua đất giá cao nên giờ nhận bồi thường thấy chưa có lợi nên chưa đồng ý; số khác thì đòi nền tái định cư dù tiêu chuẩn chưa đủ để nhận suất tái định cư.
Ngoài ra, còn có tâm lý là cứ “kỳ kèo” với Nhà nước thế nào cũng được tăng giá. Đến nay Trung tâm đã nhận 161 đơn xin điều chỉnh về giá bồi thường. Ông Như cho rằng, ý thức người dân về chấp hành chính sách, pháp luật còn hạn chế, chỉ nghĩ đến quyền lợi, bất chấp quy định luật pháp, rất nhiều trường hợp yêu cầu quá đáng và không có cơ sở giải quyết.
“Trung tâm đã phối hợp với Hội đồng bồi thường trả lời đơn kiến nghị của 167 hộ dân thuộc 2 dự án; đồng thời rà soát, bổ sung danh sách tái định cư trình UBND TP. Mỹ Tho phê duyệt để công bố ra dân” - ông Như cho biết.
DUY SƠN