Vụ lúa đông xuân ở phía Đông: Dồn nước cho diện tích lúa xa nguồn
Hiện nay, bên cạnh những diện tích lúa đã “thoát hiểm”, nhiều trà lúa vẫn còn đang ở giai đoạn cần nước và nằm trong “ngưỡng” nguy hiểm. Các ngành, các cấp đang tập trung dồn lực cứu những diện tích lúa này.
Lãnh đạo Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi đo độ mặn tại vị trí đắp đập để bơm dồn nước cứu lúa ở khu vực phía Đông trên kinh Trần Văn Dõng. |
NHIỀU DIỆN TÍCH LÚA CẮT NƯỚC
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Gò Công Đông, đến thời điểm 6-3, toàn huyện có 427 ha lúa đã thu hoạch, năng suất bình quân 6 tấn/ha ở các vùng sản xuất 2 vụ thuộc xã Tân Điền, xã Tân Thành; 810 ha lúa đang ở giai đoạn chín ở các xã Gia Thuận, Tân Thành, Tân Tây và đã cắt nước.
Theo đó, toàn huyện còn trên 8.800 ha lúa đang ở giai đoạn trổ nên cần nước. Hiện nay, mực nước ở các tuyến kinh rất thấp và đang tiếp tục giảm nên thời gian tới, những diện tích lúa còn sử dụng nước sẽ rất khó khăn.
Còn tại huyện Gò Công Tây, bên cạnh trên 30 ha lúa sạ trễ bị chết, trên địa bàn có khoảng 100 ha đã thu hoạch, trên 8.500 ha trổ - chín (nhiều diện tích đã ngưng sử dụng nước) và trên 1.830 ha làm đòng đang sử dụng nước. Trong những ngày tới, nhiều diện tích lúa trong huyện tiếp tục ngưng sử dụng nước do chuyển sang giai đoạn chín và thu hoạch.
Theo Sở NN&PTNT, hiện nay phần lớn diện tích lúa vụ đông xuân 2015 - 2016 ở vùng Dự án Ngọt hóa Gò Công đang trong giai đoạn trổ và chín. Theo tính toán các giai đoạn của các trà lúa trong vùng, đến ngày 6-3 toàn vùng đã thu hoạch 1.128 ha; trên 8.800 ha lúa cắt nước.
Đến ngày 10-3, trên địa bàn có thêm khoảng 11.500 ha lúa cắt nước. Dự kiến, đến ngày 20-3, trong vùng sẽ có thêm hơn 6.200 ha lúa cắt nước và chỉ còn khoảng 500 ha cắt nước sau ngày 20-3.
DỒN NƯỚC CHO CÁC TRÀ LÚA MUỘN
Căn cứ vào tính toán từ cơ quan chức năng tỉnh, đến ngày 10-3 toàn vùng đã có khoảng 22.000 ha lúa thu hoạch, cắt nước. Như vậy với phần lớn diện tích lúa không còn sử dụng nước sau ngày 10-3, áp lực nước tưới cho lúa trong vùng sẽ giảm đáng kể, nhất là đối với khu vực cuối nguồn.
Cộng với đó, hiện nay Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi đang tiếp tục tăng cường quan trắc độ mặn trên sông để bổ cấp vào vùng ngọt hóa khi điều kiện độ mặn cho phép sẽ tạo điều kiện nguồn nước thuận lợi hơn cho các trà lúa xuống giống muộn đang ở giai đoạn cần nước để trổ, ngậm sữa.
Ban Chỉ đạo Phòng, chống hạn và xâm nhập mặn tỉnh vừa có văn bản yêu cầu các địa phương trong vùng ngọt hóa rà roát lại các điểm bơm chuyền 2 cấp đối với các diện tích lúa đến độ tuổi cắt nước và đã cắt nước để hạn chế việc tổ chức bơm chuyền để tiết kiệm nguồn nước, chi phí bơm chuyền; Đối với những diện tích gần hệ thống kinh trục thuận lợi về nguồn nước, chỉ tổ chức bơm khi đến đợt tưới, hạn chế bơm trữ đối với những diện tích đã trữ đủ nước để đảm bảo nguồn nước điều tiết cho khu vực xa nguồn, xa hệ thống kinh trục; Tuyên truyền, vận động nhân dân chủ động cắt nước đối với những diện tích lúa đến độ tuổi cắt nước để đảm bảo nước cho diện tích lúa còn lại trong vùng Dự án. |
Dù vậy, do lượng nước trong các kinh ở vùng ngọt hóa còn rất ít nên việc đảm bảo cấp nước cho những diện tích còn lại rất khó khăn.
Do đó, trong nỗ lực đảm bảo nước cho những diện tích lúa còn lại trong vùng dự án, Công ty TNHH MTV Khai thác Công trình Thủy lợi đang tiếp tục quan trắc mặn trên sông và tranh thủ lấy nước bằng mọi biện pháp (trọng lực, động lực) trong điều kiện cho phép (từ đầu tháng 3, thời gian lấy nước qua cống Xuân Hòa ngày càng ít hơn).
Các địa phương trong vùng ngọt hóa đang tiếp tục tổ chức bơm chuyền và vận động nhân dân bơm chuyền 2 cấp, 3 cấp trữ nước trên các kinh nội đồng, trên ruộng cứu lúa; vận động nhân dân tổ chức cắt nước đối với những diện tích lúa đến độ tuổi cắt nước để đảm bảo nước cho những diện tích lúa còn sử dụng nước trên địa bàn.
Đến nay, toàn vùng đã tổ chức 687 điểm bơm chuyền. Dự kiến sau ngày 10-3, số điểm bơm chuyền sẽ giảm xuống nên sẽ dồn nước phục vụ cho những diện tích lúa còn lại.
Ông Nguyễn Thiện Pháp, Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi và Phòng chống lụt bão cho biết, sau ngày 10-3 toàn vùng dự án có khoảng 6.200 ha lúa còn sử dụng nước và sau ngày 20-3 trong vùng chỉ còn khoảng 500 ha sử dụng nước.
Tỉnh và các địa phương đang nỗ lực để cứu những diện tích lúa còn lại trên địa bàn. “Sau ngày 10-3 chúng tôi cố gắng duy trì nguồn nước cấp cho lúa khoảng từ 4 - 5 ngày nữa thì cống Xuân Hòa sẽ lấy nước lại do kỳ triều kiệt. Khi đó, việc đảm bảo nguồn nước phục vụ cho khoảng hơn 6.000 ha lúa đến ngày 20-3 cắt nước là nằm trong khả năng” - ông Pháp cho biết.
Để đảm bảo nguồn nước cho những diện tích lúa còn lại này, lãnh đạo tỉnh đã chỉ đạo ngành Nông nghiệp và các địa phương khoanh vùng những diện tích lúa cần tập trung cứu; đồng thời lập kế hoạch đắp đập kinh Xuân Hòa để bơm dồn nước về những diện tích lúa còn sử dụng nước ở cuối nguồn khi các trà lúa phía Tây đã cắt nước.
NGÔ PHÚ ĐÔNG