Thứ Hai, 14/03/2016, 13:59 (GMT+7)
.

Xây dựng nông thôn mới: Tiếp bước chặng đường mới

Dù tiến độ thực hiện Chương trình mục tiêu Quốc gia xây dựng nông thôn mới (gọi tắt là Chương trình xây dựng NTM) giai đoạn 2011 - 2015 trên địa bàn tỉnh được đánh giá là khá chậm so với kế hoạch đề ra (số tiêu chí đạt/xã thấp hơn bình quân của khu vực, cả nước) nhưng qua 5 năm, Chương trình đã cho thấy sự chuyển biến đáng kể trong nhận thức, đời sống vật chất, tinh thần của người dân, góp phần thay đổi diện mạo nông thôn, đặc biệt là các xã điểm. Đây là tiền đề quan trọng cho tỉnh đẩy nhanh tiến độ thực hiện Chương trình trong thời gian tới. 

NĂM 2016 RA MẮT 10 XÃ NTM

Năm 2016 là năm khởi đầu xây dựng nông thôn mới (NTM) giai đoạn 2016 - 2020. Qua giai đoạn đầu với nhiều khó khăn, lúng túng trong quá trình thực hiện, giai đoạn tiếp theo này được cho là có nhiều thuận lợi hơn, sẽ giúp đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM trên địa bàn.

Trước mắt, trong năm 2016 tỉnh phấn đấu ra mắt 10 xã NTM. Thực hiện mục tiêu này, trên cơ sở đăng ký của các xã, Ban Chỉ đạo Chương trình xây dựng NTM (gọi tắt là BCĐ) tỉnh tiến hành rà soát thực trạng, đánh giá khả năng hoàn thành 19 tiêu chí của các xã.

Nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện thu nhập người dân là công việc trọng tâm trong xây dựng NTM.
Nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện thu nhập người dân là công việc trọng tâm trong xây dựng NTM.

Ông Nguyễn Thanh Lâm, Phó Chánh Văn phòng điều phối BCĐ tỉnh cho biết, vừa qua, có 12 xã đăng ký đạt chuẩn NTM năm 2016. Trên cơ sở này, BCĐ cùng với các sở, ngành tỉnh có liên quan và các địa phương đã tiến hành đánh giá thực trạng, từ đó lựa chọn đề xuất UBND tỉnh danh sách các xã dự kiến phấn đấu đạt chuẩn NTM trong năm 2016. Qua đó, những xã được tỉnh chọn sẽ được tập trung chỉ đạo, nâng cấp các tiêu chí NTM.

Cũng theo ông Lâm, qua rà soát, đánh giá thực trạng nhận thấy, bên cạnh thuận lợi, một số xã cũng còn nhiều việc phải làm, một số tiêu chí nâng cấp rất khó khăn. Đặc biệt là những xã có cơ sở hạ tầng còn yếu, vốn đầu tư lớn đòi hỏi thời gian thực hiện kéo dài; có xã thuần nông với sản xuất chủ yếu là cây lúa nên rất khó để nâng nhanh mức thu nhập bình quân theo yêu cầu.

Bên cạnh đó, có những xã còn thụ động trong việc nâng cấp các tiêu chí không cần nhiều vốn, các tiêu chí thuộc công việc của xã như tiêu chí môi trường, chỉ tiêu tỷ lệ dân tham gia bảo hiểm y tế; hình thức tổ chức sản xuất...

“Để thực hiện mục tiêu, kế hoạch của tỉnh đề ra, bên cạnh tìm, tăng nguồn lực để đẩy nhanh tiến độ thi công công trình thuộc về cơ sở hạ tầng, các xã phải tích cực chủ động nâng cấp, thực hiện các tiêu chí thuộc công việc của xã, các tiêu chí không cần vốn” - ông Lâm cho biết.

ĐẾN NĂM 2020 ĐẠT TRÊN 14 TIÊU CHÍ/XÃ

Ông Lê Hoàng Việt, Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Đông cho biết, qua 5 năm xây dựng NTM, Gò Công Đông có 2 xã đạt chuẩn NTM. Từ kết quả này, huyện đã rút ra được những kinh nghiệm cho việc thực hiện Chương trình trên địa bàn trong thời gian tới. Qua đó, huyện đề ra mục tiêu phấn đấu sẽ có thêm 5 xã đạt chuẩn NTM trong 5 năm tới, nâng tổng số xã đạt chuẩn NTM của huyện lên 7 xã.

Thực hiện điều này trong thời gian tới, huyện và các xã xác định sẽ tập trung vào thực hiện tốt công tác quy hoạch và cập nhật bổ sung các quy hoạch cho sát với thực tế; đa dạng hóa các nguồn vốn huy động; tăng cường công tác đào tạo nguồn nhân lực, đào tạo nghề cho nông dân để nâng cao hiệu quả sản xuất, chuyển dịch cơ cấu sản xuất và phân công lại lao động nông thôn theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa; củng cố, nâng cao chất lượng việc tổ chức hình thức sản xuất, hợp tác xã, kinh tế trang trại, kinh tế gia đình, mô hình VAC; tăng cường nguồn lực đầu tư cho nông nghiệp; khuyến khích, tạo điều kiện cho nông dân phát triển sản xuất; thực hiện hiệu quả chính sách an sinh xã hội, xóa đói giảm nghèo…

Theo thống kê của BCĐ tỉnh, đến cuối năm 2015 toàn tỉnh có 12 xã đạt 19/19 tiêu chí, 9 xã đạt từ 15 - 18 tiêu chí, 77 xã đạt từ 10 - 14 tiêu chí, 39 xã đạt từ 5 - 9 tiêu chí và 2 xã đạt dưới 5 tiêu chí. Như vậy, bình quân số tiêu chí/xã đạt được trên địa bàn tỉnh là 11,3 tiêu chí (tăng 5,8 tiêu chí/xã so với năm 2011). Song, theo đánh giá, với mức độ đạt tiêu chí/xã trên của tỉnh còn thấp so với cả nước và khu vực Đồng bằng sông Cửu Long (cả nước là 12,9 tiêu chí/xã, khu vực ĐBSCL là 13,7 tiêu chí/xã).

Triển khai Chương trình xây dựng NTM trong giai đoạn 2016 - 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng yêu cầu tập trung khai thác, huy động các nguồn vốn cho Chương trình; đẩy mạnh nâng cấp cơ sở hạ tầng, quan tâm xây dựng mô hình sản xuất để nâng cao hiệu quả sản xuất, cải thiện đời sống người dân, giảm nghèo.

Do đó, để đẩy nhanh tiến độ xây dựng NTM từ nay đến năm 2020, tỉnh đã đề ra hướng phấn đấu sẽ có thêm 58 xã đạt chuẩn NTM, nâng số xã đạt chuẩn NTM trên toàn tỉnh lên con số 70; số tiêu chí bình quân/xã đạt trên 14 tiêu chí, không còn xã dưới 8 tiêu chí.

Để thực hiện định hướng, mục tiêu này, theo ước tính của cơ quan chức năng, tổng nguồn vốn huy động dự kiến lên đến trên 7.345 tỷ đồng. Trên cơ sở phân tích nguồn vốn thực hiện trong 5 năm tới, Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, mục tiêu đề ra trên hoàn toàn khả thi nhưng vấn đề đặt ra là nguồn lực để thực hiện. Trong đó, khó nhất là nguồn lực của xã, nguồn lực huy động từ doanh nghiệp; các ngành, các cấp cần có giải pháp thiết thực và quyết tâm thực hiện mới có thể đạt.

Nhưng xây dựng NTM không chỉ có nguồn lực mà còn nhiều vấn đề khác, đòi hỏi đa dạng các giải pháp và sự vào cuộc của cả hệ thống chính trị. Để hoàn thành mục tiêu trên, BCĐ tỉnh đã đề ra các giải pháp tập trung thực hiện trong thời gian tới là đẩy mạnh công tác tuyên truyền; kiện toàn, nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của bộ máy thực hiện Chương trình; huy động hiệu quả nguồn vốn ngân sách để các địa phương chủ động xây dựng kế hoạch, lộ trình, thực hiện đầu tư có trọng tâm, trọng điểm hệ thống cơ sở vật chất thiết yếu trên địa bàn xã.

Trong sản xuất, việc xây dựng NTM gắn với tái cơ cấu ngành Nông nghiệp, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật vào sản xuất, ưu tiên các sản phẩm chủ lực, phát triển hình thức sản xuất phù hợp, có hiệu quả; nhân rộng các mô hình liên kết giữa nông dân với doanh nghiệp nhằm giải quyết đầu ra nông sản, nâng cao thu nhập người dân; đồng thời tạo bước chuyển rõ rệt về vệ sinh, môi trường và cảnh quan nông thôn; hoàn thiện cơ chế chính sách...

TÂN PHÚ

.
.
.