Thứ Sáu, 15/04/2016, 14:24 (GMT+7)
.

Cây sả "sống khỏe" trên vùng khô hạn

Tân Phú Đông được biết đến là huyện khó khăn nhất của tỉnh, mùa khô thiếu nước nghiêm trọng, cây trồng khô héo. Thế nhưng, trong vài năm trở lại đây, người dân ở đây đã chọn cây sả để trồng thử nghiệm và mang lại hiệu quả kinh tế cao, giúp nhiều người thoát nghèo trên vùng đất khó.

Những ngày khô hạn này, về lại vùng đất Tân Phú Đông, mọi người dễ dàng nhận thấy cảnh đất đai nứt nẻ, cây trồng khô héo, nắng như thiêu đốt. Thế nhưng, nhiều người dân ở đây thi nhau bàn tán về hiệu quả của cây sả. Không khí mua bán sả diễn ra nhộn nhịp như buổi chợ quê. Những vựa thu mua sả luôn đầy hàng và chờ xe tải đến chở đi tiêu thụ khắp nơi.

Người dân thu hoạch sả.
Người dân thu hoạch sả.

Theo nhận định của Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện thì sả là loại cây trồng chịu hạn tốt, chi phí đầu tư, công chăm sóc ít, giá cả ổn định và có thể trồng nhiều vụ trong năm. Vì vậy, trong vài năm trở lại đây, nhiều diện tích trồng lúa kém hiệu quả đã được bà con mạnh dạn chuyển sang trồng sả xen canh hoặc chuyên canh với diện tích lên đến 850 ha, lợi nhuận bình quân đạt từ 70 - 80 triệu đồng/ha/năm.

Các hộ trồng sả cho biết, 1 vụ trồng sả có thể kéo dài thành 2 vụ nếu thu hoạch lần thứ nhất mỗi bụi chừa lại khoảng 2 - 3 tép. Nếu chăm sóc tốt, sả vẫn phát triển bình thường và cho năng suất cao như vụ thứ nhất.

Trồng sả lợi nhuận cao gấp 3 - 4 lần so với trồng lúa. Giá sả dao động từ 2.500 đồng - 7.500 đồng/kg. Hiện tại, sả được thương lái thu mua hơn 6.000 đồng/kg, thị trường tiêu thụ ổn định. Với những ưu điểm này, cây sả được xem là cây trồng xóa đói giảm nghèo hiệu quả, tăng thu nhập, giúp người dân có thể bám trụ với vùng đất này.

Ông Nguyễn Văn Hùng, ấp Giồng Keo, xã Phú Thạnh cho biết: “Trồng sả không khó, lợi nhuận rất cao, chi phí đầu tư thấp. Trong mùa khô hạn, nhiều loại cây trồng không chịu nổi, nhưng đối với cây sả nếu trồng đã bén rễ thì có thể vượt qua, lá có thể bị cháy vàng nhưng thân sả vẫn sử dụng được. Với giá bán sả cao như hiện tại, nhiều người ăn nên làm ra nhờ cây sả giữa mùa khô hạn”.

Ở xã Phú Đông, dưới cái nắng gay gắt trên vùng đất phèn mặn giữa tháng 4, nhiều tấm bạt nhỏ được căng 4 góc hay những cây dù nhỏ được dựng trên các đám sả, phía dưới là bóng của những người đang thu hoạch sả.

Trò chuyện với chị Mai Thị Hoàng mới biết gia đình chị đã gắn bó với cây sả hơn 7 năm. Chị Hoàng kể, mấy năm trước mảnh đất này chuyên trồng lúa, nhưng chỉ được 1 vụ/năm, năng suất bấp bênh. Giai đoạn đầu chị xen canh 1 vụ lúa, 2 vụ sả; sau đó chị đã chuyển hẳn sang trồng sả. Gia đình chị đang thu hoạch sả và bán với giá 6.400 đồng/kg. Với 4 công đất trồng sả, mùa khô năm nay gia đình chị thu lãi hơn 10 triệu đồng.

Điều đáng nói, ngoài những hộ gia đình phất lên nhờ cây sả thì công việc lặt sả thuê cũng mang về thu nhập khá cho hàng trăm lao động nông thôn. Nếu trước đây muốn đi làm phải đến các khu công nghiệp, thì nay người dân chỉ cần đến các điểm thu mua sả là đã có việc làm, mỗi tháng người lặt sả thuê có thể kiếm được khoảng 2 triệu đồng.

Trước hiệu quả từ cây sả mang lại, đặc biệt vào mùa khô hạn, để đảm bảo đầu ra cũng như có thị trường tiêu thụ cho cây sả, ngành Nông nghiệp huyện phối hợp với các ngành chức năng tìm thương lái, các cơ sở chế biến để tiêu thụ, tạo đầu ra cho bà con.

Nói về vấn đề này, ông Nguyễn Văn Hải, Trưởng Phòng NN&PTNT huyện Tân Phú Đông cho biết: “Chúng tôi đang kêu gọi các công ty từ các nơi khác về ký kết, bao tiêu sản phẩm cho bà con nông dân và tạo điều kiện tốt nhất cho các công ty về đây đầu tư thu mua sả tươi và chế biến tại chỗ để người trồng sả không bị ép giá và người lao động tại địa phương có thêm việc làm. Nếu được bao tiêu, đầu ra ổn định thì cây sả sẽ góp phần rất lớn trong việc xóa đói giảm nghèo ở vùng đất cù lao còn nhiều khó khăn này”.

VĂN MINH

.
.
.