Thứ Hai, 18/04/2016, 14:30 (GMT+7)
.

"Nở rộ" khai thác giếng tầng nông

Do tình hình hạn, xâm nhập mặn kéo dài trong những tháng vừa qua ảnh hưởng đến nguồn nước tưới, nông dân vùng chuyên canh hoa màu huyện Châu Thành đã ồ ạt khoan giếng tầng nông nhưng không lường trước được nguy cơ gây ô nhiễm, cạn kiệt nguồn nước ngầm.

KHAI THÁC TRÀN LAN

Dưới cái nắng như thiêu đốt của những ngày đầu tháng 4, men theo đường kinh Cây Da (ấp 2, xã Tam Hiệp), trong vai một nông dân, chúng tôi tiếp cận để tìm cách liên lạc với người khoan giếng, lấy nước cứu vườn rau ở nhà mình. Dường như phát hiện là người lạ, nên khi hỏi đến chúng tôi chỉ nhận được những cái lắc đầu. Phải mất hơn một giờ đồng hồ lang thang, hỏi thăm, chúng tôi mới được một nông dân ở ấp 2, xã Tam Hiệp giúp đỡ.

Lúc đầu tuy có chút e dè, nhưng sau khi nghe chúng tôi nói cần khoan giếng gấp để cứu vườn rau đang chết khô ở nhà, như đồng cảm người này nhiệt tình nói:  “Tôi ở đây vừa khoan một giếng sâu 60 m, giá 3,5 triệu đồng, để lấy nước tưới cứu đám rau râm, vì nước trong ao bị nhiễm mặn hết. Do tôi nhờ người khác gọi giùm nên không có số điện thoại, nếu cần gấp anh đi ra tiệm ống nước TD ở gần trường học, nói cần khoan giếng chủ tiệm sẽ hướng dẫn cho”.

Một giếng tầng nông được nông dân sử dụng.
Một giếng tầng nông được nông dân sử dụng.

Theo chỉ dẫn của anh N. chúng tôi tìm đến cửa tiệm bán ống nước TD (ấp 1, xã Tam Hiệp), cách Trường Tiểu học Tam Hiệp 100 m. Gặp chủ tiệm ống nước, chúng tôi hỏi: “Anh có biết ở đâu khoan nước tưới cây không?”.

Sau khi dò hỏi kỹ càng, người chủ tiệm mới nói: “Ông cần khoan giếng hả? Để tôi gọi cho người này”. Khi chúng tôi hỏi người khoan giếng ở đâu, có thể nói chuyện trực tiếp được không, ậm ừ một lúc, chủ tiệm mới đồng ý và cho biết người này tên là T. cùng ở xã Tam Hiệp.

Qua điện thoại, biết chúng tôi cần khoan giếng, người đàn ông tên T. lập tức đưa ra những lời chào mời đầy hấp dẫn: “Giá giếng khoan sử dụng loại ống tốt, cỡ phi 60 là 3,5 triệu đồng/giếng; cỡ phi 49 là 2,5 triệu đồng/giếng. Khi nào khoan có nước ngọt tôi mới tính tiền, nếu nước mặn tôi khoan lại giếng khác, sau khi khoan xong, mỗi giếng tôi bảo hành 3 năm”.

Chúng tôi hỏi có cần báo trước cho chính quyền không? Người này trả lời rất nhanh: “Cứ khoan đi, không cần phải báo, không sao hết. Nếu anh khoan, chiều tôi sẽ kéo giàn ra khoan ngay cho anh”. Chúng tôi viện cớ để tính lại, sẽ liên lạc sau, rồi tắt máy. Trước khi rời khỏi, người chủ tiệm đưa chúng tôi một danh thiếp, dặn “Nếu cần kêu người khác cứ gọi, tôi còn nhiều mối lắm!”.

Rời xã Tam Hiệp, chúng tôi đến ấp Thân Bình (xã Thân Cửu Nghĩa), theo quan sát ở đây có rất nhiều giếng khoan, được nông dân sử dụng để lấy nước tưới. Bắt chuyện với một nông dân, chúng tôi hỏi giá khoan giếng, ở đây có mắc không, người này nói: “Tôi mới khoan 2 giếng hơn 30 m, mỗi giếng giá 3,4 triệu đồng.

Hồi trước, mỗi giếng giá chỉ 2,5 triệu đồng, từ lúc có hạn, mặn giá lên cao như vậy đó, có chỗ tới 4 triệu đồng/giếng. Nếu điện yếu, không đủ sức chạy máy, mình còn phải tốn thêm tiền mướn máy phát điện”.  Chúng tôi hỏi thêm: “Anh khoan như vậy có được UBND xã cho phép không ?”. Người nông dân trả lời: “Giờ nước mặn, không cho khoan cũng khoan, chứ lấy nước đâu mà tưới”.

NHỮNG VẤN ĐỀ ĐƯỢC ĐẶT RA

Theo thống kê của Phòng Tài nguyên và Môi trường (TN-MT) huyện Châu Thành, trong đợt hạn mặn vừa qua, toàn huyện phát sinh 208 giếng khoan tầng nông, nhiều nhất ở 2 xã: Tam Hiệp (119 giếng), Thân Cửu Nghĩa (31 giếng). Nguyên nhân chính là do nhiều người dân tự phát khoan giếng tầng nông tìm nguồn nước ngọt để duy trì sản xuất, tránh thiệt hại lớn đối với diện tích rau màu do xâm nhập mặn gây ra.

Bà  Huỳnh Thị Ngọc Thuận, chuyên viên Phòng TN-MT huyện Châu Thành cho biết: “Việc khai thác giếng tầng nông của người dân chủ yếu được các đơn vị thi công từ địa phương khác đến, do thời gian thi công ngắn, khoảng 2 giờ đồng hồ là hoàn thành, nên rất khó phát hiện và xử lý kịp thời. Còn theo quy định của pháp luật về tài nguyên nước, việc khai thác, sử dụng giếng khoan tầng nông thuộc đối tượng phải lập thủ tục đăng ký hoặc xin phép”.

Hiện tại, Phòng TN-MT huyện đã tổng hợp các số liệu về tình hình khai thác, sử dụng nước tầng nông trong đợt hạn, mặn trên địa bàn và báo cáo Sở TN-MT để xin chủ trương giải quyết của UBND tỉnh. Trong thời gian chờ ý kiến của UBND tỉnh, UBND huyện Châu Thành đã chủ động tổ chức họp bàn với lãnh đạo các ban, ngành và lãnh đạo UBND các xã chịu sự ảnh hưởng của hạn, mặn, có các hoạt động khoan giếng tầng nông, thống nhất tập trung thực hiện một số việc cấp bách sau:

Một là, UBND các xã tập trung tuyên truyền người dân hạn chế việc khai thác giếng tầng nông. Đối với các khu vực chất lượng nước tầng nông tốt, người dân có nhu cầu sử dụng bức thiết, phải lập thủ tục đăng ký hoặc xin cấp phép trước khi thi công khoan giếng.

Trong trường hợp sau khi khoan giếng xong, chất lượng nước không đáp ứng yêu cầu sử dụng, chủ giếng phải báo cáo UBND xã, thực hiện trám lấp ngay theo quy định. Ngoài ra, UBND huyện cũng giao UBND xã vận động người dân tăng cường công tác bảo vệ môi trường, bảo vệ tài nguyên nước, sử dụng nước tiết kiệm, hiệu quả.

Hai là, Phòng TN-MT phối hợp Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tham mưu UBND huyện trình UBND tỉnh xin chủ trương, chấp thuận cho các trạm cấp nước trên địa bàn có nhu cầu đầu tư, mở rộng khoan thêm giếng tầng sâu, bổ sung nguồn nước cấp cho nhân dân phục vụ sinh hoạt, sản xuất nông nghiệp để ứng phó với tình hình hạn, xâm nhập mặn hiện tại.

CHÂU THÀNH

Theo Điều 6, Nghị định 142/2013/NĐ-CP ngày 24-10-2013 của Chính phủ quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực tài nguyên nước và khoáng sản quy định, hành vi thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước không đăng ký, không có giấy phép như sau:

-  Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 100.000 - 500.000 đồng đối với hành vi khai thác nước dưới đất thuộc các trường hợp phải đăng ký mà không đăng ký theo quy định.

-  Phạt tiền từ 30 - 50 triệu đồng đối với một trong các hành vi thăm dò, khai thác, sử dụng tài nguyên nước không có giấy phép sau:

+  Khoan thăm dò nước dưới đất với công trình gồm 1 giếng khoan, chiều sâu dưới 50 mét;

+ Khai thác, sử dụng nước dưới đất cho hoạt động sản xuất - kinh doanh, dịch vụ với lưu lượng từ trên 10 m3/ngày đêm đến dưới 200 m3/ngày đêm;

+ Khai thác, sử dụng nước mặt cho sản xuất nông nghiệp, nuôi trồng thủy sản với lưu lượng từ trên 0,1 m3/giây đến dưới 0,5 m3/giây...

 

 

.
.
.