Chủ Nhật, 19/06/2016, 06:10 (GMT+7)
.

Tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, khuyến khích phát triển doanh nghiệp

Hội nghị Phát triển doanh nghiệp (DN) tỉnh Tiền Giang năm 2016 được UBND tỉnh tổ chức vào ngày 15-6. Đến dự hội nghị, có ông Nguyễn Văn Danh, Bí thư Tỉnh ủy; ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh; bà Nguyễn Thị Sáng, Phó Chủ tịch HĐND tỉnh cùng các Phó Chủ tịch UBND tỉnh, các nhà khoa học, các chuyên gia kinh tế, đại diện VCCI - Chi nhánh Cần Thơ, đại diện lãnh đạo các sở, ngành tỉnh, huyện, thị, thành và 600 đại biểu là doanh nhân, DN, hộ kinh doanh, sinh viên trên địa bàn tỉnh.

Mục đích hội nghị nhằm tìm giải pháp tháo gỡ khó khăn, khuyến khích phát triển doanh nghiệp, khơi dậy tinh thần khởi nghiệp trong DN, doanh nhân, tổ chức và cá nhân, tạo động lực đưa kinh tế - xã hội tỉnh nhà đi lên vững chắc.

Ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị Phát triển doanh nghiệp tỉnh Tiền Giang năm 2016.
Ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh phát biểu tại Hội nghị Phát triển doanh nghiệp tỉnh Tiền Giang năm 2016.

Doanh nghiệp tiếp tục phát triển

Phát biểu tại hội nghị, ông Nguyễn Văn Dũng, Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư cho rằng, với những nỗ lực tích cực, tập trung cao của chính quyền từ tỉnh đến huyện để cùng đồng hành và tạo điều kiện thuận lợi cho người dân, DN trong hoạt động sản xuất, kinh doanh.

Tình hình phát triển DN trên địa bàn tỉnh đạt được những kết quả tích cực. Số lượng DN thành lập mới của tỉnh có xu hướng tăng dần. Tốc độ tăng trưởng bình quân 5 năm (2011 - 2015) tăng 8,1%/năm và đã có tổng số 2.170 DN đăng ký mới trong giai đoạn này, chiếm 6,8% trên tổng số DN đăng ký mới của khu vực Đồng bằng sông Cửu Long.

Riêng 6 tháng đầu năm 2016, số DN thành lập mới trên địa bàn tỉnh là 271 DN, với tổng vốn đăng ký 1.860 tỷ đồng, tăng 9,7% về số DN và gấp 2,2 lần về vốn so với cùng kỳ. Về thu hút đầu tư, tỉnh đã tiếp nhận 12 dự án đầu tư, với tổng vốn đầu tư 8.470 tỷ đồng, trong đó có 7 dự án đầu tư trong các khu công nghiệp, cụm công nghiệp và 5 dự án đầu tư ngoài khu, cụm công nghiệp.

Bên cạnh đó, trong 3 năm gần đây (2013 - 2015), số hộ kinh doanh cá thể tăng khá nhanh, bình quân 5.000 hộ/năm. Đến hết năm 2015, toàn tỉnh có trên 63 ngàn hộ kinh doanh cá thể, với tổng vốn đầu tư đăng ký hơn 7.800 tỷ đồng.

Nhìn chung, các DN tỉnh nhà đã có nhiều chuyển biến tích cực, ngành nghề sản xuất kinh doanh phát triển đa dạng, xuất hiện ngày càng nhiều ngành nghề mới phù hợp với xu thế phát triển và hội nhập kinh tế quốc tế . Với sự quản lý và điều hành của các doanh nhân, nhiều DN trong tỉnh đã có bước phát triển vượt bậc về ứng dụng khoa học - công nghệ, nâng cao năng lực và trình độ quản lý, khả năng cạnh tranh, mở rộng quy mô sản xuất, thị trường tiêu thụ trong và ngoài nước. Các lĩnh vực hoạt động của DN có chuyển biến phù hợp với sự chuyển dịch cơ cấu kinh tế và khai thác ngày càng tốt hơn tiềm năng, lợi thế của tỉnh.

Khơi dậy tinh thần khởi nghiệp

Với những chủ trương, chính sách về phát triển DN, khởi nghiệp của Đảng và Nhà nước, Hội nghị Phát triển DN tỉnh Tiền Giang năm 2016 cũng đã xoay quanh vấn đề trọng tâm là khơi dậy tinh thần khởi nghiệp DN.

Phát biểu tại hội nghị, ông Lê Văn Hưởng, Chủ tịch UBND tỉnh nhấn mạnh: Khởi nghiệp và phát triển DN là một quá trình liên tục. Vì vậy cần phải có thời gian đủ để đánh giá được hiệu quả hoạt động và sự phát triển bền vững của DN. Người Tiền Giang đã có truyền thống lao động sản xuất kinh doanh giỏi và đã có nhiều doanh nhân thành đạt. Hiện nay, trong điều kiện phát triển mới đòi hỏi tinh thần khởi nghiệp DN phải được khơi dậy mạnh mẽ hơn nữa.

Thực tế việc phát triển DN, khuyến khích khởi nghiệp cần có 4 nhóm hỗ trợ mang ý nghĩa then chốt, bao gồm: Tín dụng, công nghệ, đào tạo nguồn nhân lực và tiếp cận thị trường. Ngoài ra, môi trường kinh doanh công bằng, minh bạch, thuận lợi là rất quan trọng. Cùng với đó là hệ thống giáo dục cũng phải nhấn mạnh đến tinh thần khởi nghiệp mà trong đó người học phải chuẩn bị tinh thần khởi nghiệp để biết cách học hỏi những sai lầm và rút kinh nghiệm từ quá khứ để phát triển…

Cùng quan điểm trên, ông Thái Tuấn Chí, Chủ tịch Hội đồng Quản trị, Tổng Giám đốc Tập đoàn Thái Tuấn (TP. Hồ Chí Minh) đã chia sẻ tại hội nghị về những kinh nghiệm thành công trong khởi nghiệp. Ông Thái Tuấn Chí cho rằng, phải kinh qua thất bại mới có sự trưởng thành và mới tạo dựng được sự nghiệp vững vàng. Cần sử dụng tài năng, khả năng, kỹ năng của bản thân mọi người theo cách tốt nhất có thể và luôn để tâm đến những chi tiết của thất bại để rút ra những bài học.

“Thành công không khó, chỉ đơn giản là biết khắc phục những thiếu sót, thậm chí là sai lầm trước đó. Điều đó tạo nên bản lĩnh, sự trưởng thành của mỗi con người và cũng chính là yếu tố để “đo” sự trưởng thành của những doanh nhân trẻ. Cái tầm của nhà quản lý là phải nhìn nhận được những khó khăn  sẽ gặp phải. Khi đã nhìn thấy thì sẽ không còn khó nữa” - ông Chí nói.

Tiếp đó, các diễn giả là các giáo sư, tiến sĩ đến từ Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh cũng đã có thông tin về những giải pháp khởi nghiệp, khuyến khích phát triển DN. Trong đó các diễn giả nhấn mạnh: Muốn khởi nghiệp thành công, cần có khát khao làm giàu chính đáng, có ý tưởng kinh doanh, chấp nhận rủi ro, xác định mục tiêu rõ ràng, có phương pháp để đạt mục tiêu, có năng lực quản lý điều hành, giao tiếp, nghiên cứu  cả những kinh nghiệm thành công lẫn thất bại, tìm kiếm sự hỗ trợ về tài chính, thị trường…

Với việc triển khai mạnh mẽ Luật Đầu tư và Luật Doanh nghiệp 2014, nhiều ý kiến cũng bày tỏ hy vọng năm 2016 sẽ tạo ra làn sóng đầu tư mới và kỳ vọng được thể hiện bằng tinh thần quốc gia khởi nghiệp, để DN Việt Nam nói chung và tỉnh Tiền Giang nói riêng kết nối được với khu vực DN có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài, tham gia sâu hơn vào mắt xích quan trọng của chuỗi giá trị toàn cầu.

Quang cảnh Hội nghị Phát triển doanh nghiệp tỉnh Tiền Giang năm 2016.
Quang cảnh Hội nghị Phát triển doanh nghiệp tỉnh Tiền Giang năm 2016.

ẽ có 500 DN thành lập mới

Nhằm triển khai thực hiện các giải pháp đã được UBND tỉnh ban hành từ đầu năm thực hiện mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội, đầu tư năm 2016 và 5 năm (2016 - 2020); tập trung xây dựng và triển khai thực hiện có hiệu quả kế hoạch thực hiện Nghị quyết 19-2016/NQ-CP ngày 28-4-2016 của Chính phủ về những nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu cải thiện môi trường kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; Nghị quyết 35/2016/NQ-CP về hỗ trợ và phát triển DN với mục tiêu đến năm 2020, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng nhấn mạnh:

Tiền Giang khẳng định và cam kết sẽ triển khai mạnh mẽ các biện pháp để tiếp tục cải thiện hơn nữa môi trường đầu tư, kinh doanh theo hướng minh bạch, thông thoáng, hiện đại, chuyên nghiệp và thân thiện, là địa điểm đầu tư an toàn và thành công của các nhà kinh doanh.

UBND tỉnh sẽ tăng cường đối thoại chính quyền - doanh nghiệp, định kỳ ít nhất 2 lần/năm, để kịp thời nắm bắt và tháo gỡ khó khăn cho DN trên địa bàn tỉnh. Công khai minh bạch các quyết định, chính sách, thủ tục hành chính, các quy hoạch và kế hoạch sử dụng đất. Cải cách mạnh mẽ thủ tục hành chính những lĩnh vực liên quan trực tiếp đến DN như: Đăng ký kinh doanh, đầu tư, đất đai, thuế, môi trường, xây dựng…

Đứng trước cơ hội mới và cũng có nhiều thách thức đan xen, UBND tỉnh cùng các sở, ngành và các địa phương cam kết sẽ luôn đồng hành cùng các DN, hộ kinh doanh. Xác định người dân và DN là đối tượng để phục vụ, Tiền Giang sẽ quyết tâm đổi mới để cả bộ máy hành chính các cấp từ tỉnh đến cơ sở cải cách theo hướng từ “quản lý” sang “phục vụ và hỗ trợ” DN, hộ kinh doanh…

Bên cạnh đó, chính quyền tỉnh Tiền Giang sẽ làm tốt vai trò kiến tạo, tạo điều kiện thuận lợi cho DN khởi nghiệp, đổi mới, sáng tạo. Ngay sau Hội nghị Phát triển DN tỉnh Tiền Giang năm 2016 này, tỉnh sẽ nghiên cứu thành lập Câu lạc bộ Khởi nghiệp DN Tiền Giang, nhằm hỗ trợ, tạo điều kiện thúc đẩy những ý tưởng kinh doanh được triển khai trong thực tế. Trong đó, chú trọng việc vận động nguồn quỹ khởi nghiệp để có thể ý tưởng, đề án, dự án khởi nghiệp… Phấn đấu, trong năm 2016, tỉnh Tiền Giang sẽ có 500 DN thành lập mới, với số vốn đăng ký 1.800 tỷ đồng, so với thực hiện năm 2015 tăng 11,1% về số DN và 20% về vốn đăng ký.

HỮU NGHỊ

.
.
.