Thứ Sáu, 21/10/2016, 11:19 (GMT+7)
.

Vì sao các công ty du lịch chưa "mặn mà" với các điểm di tích?

Tiền Giang có 143 di tích lịch sử - văn hóa, trong đó có 21 di tích cấp Quốc gia và 125 di tích cấp tỉnh. Việc gắn kết du lịch với các điểm di tích đã được các ngành tỉnh đặt ra từ lâu, nhưng hiệu quả mang lại xem chừng vẫn chưa tương xứng.

Tuyến đã có

Theo Sở Văn hóa - Thể thao và Du lịch (VH-TT-DL), từ năm 1990 đã xây dựng chương trình kết nối tuyến du lịch sinh thái sông nước với các di tích lịch sử văn hóa. Và trong quy hoạch phát triển du lịch của tỉnh đến năm 2020 cũng đã quy hoạch các tuyến du lịch sinh thái kết nối với các di tích trên địa bàn tỉnh để phát triển du lịch. Sở VH-TT-DL cũng đã phối hợp Trung tâm Xúc tiến thương mại - du lịch Tiền Giang xây dựng 6 tuyến du lịch sinh thái gắn với di tích trên toàn tỉnh. Cụ thể như: Khu vực Mỹ Tho, Châu Thành có gắn với chùa Vĩnh Tràng, Trại rắn Đồng Tâm, Đình Long Hưng, Khu di tích Rạch Gầm - Xoài Mút; khu vực Chợ Gạo có Đền thờ Thủ Khoa Huân, di tích khảo cổ Óc Eo; Cai Lậy có Khu  di tích Chiến thắng Ấp Bắc; Tân Phước có Khu bảo tồn sinh thái, Thiền viện Trúc Lâm Chánh giác; khu vực Gò Công có Lăng Hoàng gia, Đền thờ Trương Định…

Du khách nước ngoài tham quan chùa Vĩnh Tràng. Ảnh: Huỳnh Ngọt
Du khách nước ngoài tham quan chùa Vĩnh Tràng. Ảnh: Huỳnh Ngọt

Các chương trình du lịch kết nối này đã triển khai đến các doanh nghiệp (DN) kinh doanh lữ hành ở Tiền Giang và đã có những hiệu quả nhất định. Cũng theo số liệu của Sở VH-TT-DL, bình quân hàng năm có 1 triệu lượt du khách đến với Tiền Giang, trong đó có 400 ngàn lượt khách tham quan di tích văn hóa - lịch sử. Các di tích hàng năm đón khách du lịch ngày càng tăng. Năm 2010 đón 303.610 lượt khách, đến năm 2014 đón 327.971 lượt khách, năm 2015 đón 421.963 lượt khách, tăng 28,64% so với năm 2014. Tuy nhiên, theo nhận định của các DN lữ hành thì việc gắn kết này xem ra hiệu quả vẫn chưa cao.

Tour chưa thông

Ông Lê Hữu Dũng, Giám đốc Công ty du lịch Công đoàn Tiền Giang cho biết, trước đây các công ty lữ hành cũng có xây dựng các tour đưa khách đến các điểm di tích như Ấp Bắc, Rạch Gầm - Xoài Mút…, nhưng sau này do cạnh tranh, các DN hạ giá tour nên chất lượng dịch vụ cũng giảm theo, chủ yếu là để đi nhanh trong ngày và trong cự ly ngắn nhất có thể nên ít quan  tâm đến việc đưa khách đến các điểm di tích.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, du khách đến Tiền Giang chủ yếu theo tour do các công ty định sẵn, trong khi khách quốc tế rất ít quan tâm đến các di tích lịch sử mà đến Tiền Giang chủ yếu là khám phá sông nước miệt vườn, chú ý nhiều đến văn hóa tâm linh hơn. Các đoàn tham quan các di tích lịch sử chủ yếu từ các công ty du lịch ở TP. Hồ Chí Minh và các đoàn cơ quan, trường học tự đi trong tỉnh.

Cùng quan điểm trên, ông Nguyễn Văn Thành, Giám đốc Công ty Du lịch Mê Kông Tiền Giang, Chủ tịch Hiệp hội Du lịch Tiền Giang cho biết: Tiền Giang có lợi thế là các điểm di tích không bán vé, nhưng thời gian qua vẫn chưa gắn kết được nhiều là do Tiền Giang đón khách chủ yếu từ các công ty lữ hành ở TP. Hồ Chí Minh và lịch đi do trên đó quyết định, mình không thể nào định được khách đi đâu; các di tích lịch sử chủ yếu là đón các đoàn khách trong nước, còn khách quốc tế quan tâm đến sông nước, di tích tâm linh hơn.

Theo ông Dương Hùng Dũng, Trưởng Ban Quản lý Di tích Tiền Giang, trong 9 tháng qua, có 310.476 lượt khách đến thăm các điểm di tích trên địa bàn tỉnh (tăng 17,84% so với cùng kỳ năm 2015), trong đó cao nhất là chùa Vĩnh Tràng với 105.375 lượt khách, có 44.945 khách nước ngoài. Kế đến là chùa Bửu Lâm với 50.470 khách, có 8.440 khách nước ngoài. Trong khi Khu di tích Rạch Gầm - Xoài Mút thu hút có 46.124 lượt khách và chỉ có 75 khách nước ngoài; Khu di tích Chiến thắng Ấp Bắc 27.411 lượt khách, có 67 khách nước ngoài; Khu di tích Nam Kỳ Khởi nghĩa đón 11.043 lượt, có 51 khách nước ngoài; Đền thờ Thủ Khoa Huân chỉ có 2.205 lượt khách. Tất cả cho thấy nhận  định của các DN lữ hành là có cơ sở.

Để phát huy giá trị của các điểm di tích, gắn với phát triển du lịch, theo các công ty du lịch, các ngành hữu quan cần có kế hoạch trùng tu, tôn tạo các điểm di tích sao cho thu hút hấp dẫn du khách, có chương trình xúc tiến, giới thiệu nhiều hơn nữa các điểm di tích trên địa bàn cho các công ty lữ hành, đặc biệt là những công ty ở TP. Hồ Chí Minh để họ có kế hoạch sắp xếp đưa vào tour và giới thiệu cho du khách. Bên cạnh đó, cần tăng cường hơn nữa sự phối hợp giữa các ngành chức năng và chính quyền các cấp về việc phân cấp quản lý và sử dụng các di tích, hướng các hoạt động quản lý vào phục vụ theo phong cách chuyên nghiệp, hiện đại cho nhu cầu hưởng thụ của khách du lịch, đưa các di tích vào phát triển du lịch đảm bảo sẽ không làm ảnh hưởng xâm hại đến giá trị di tích đó.

SƠN PHẠM

.
.
.