Thứ Tư, 21/12/2016, 14:32 (GMT+7)
.
Cần cuộc "cách mạng" trong nông nghiệp

Bài 2: Trồng cây theo… phong trào

Bài 1: Làm lúa để có gạo ăn
Bài 2: Trồng cây theo… phong trào
Bài 3: Nuôi thủy sản: làm giàu không bền vững
Bài 4: Chăn nuôi như "đánh bạc"
Bài cuối: Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp

Thấy ai trồng loại cây ăn trái nào có “ăn” thì ùn ùn trồng theo. Chẳng bao lâu, thị trường bão hòa, giá cả xuống thấp, dịch bệnh liên miên…Vậy là đốn bỏ, chuyển sang trồng cây khác. Còn loại cây nào có hiệu quả kinh tế cao thì “vắt” kiệt sức để thu lợi nhuận… Đó là một trong những thực trạng dễ thấy của ngành trồng trọt tỉnh nhà nói riêng và cả nước nói chung trong thời gian qua.

Cảnh được mùa - mất giá luôn diễn ra đối với người trồng cây ăn trái. Ảnh Thu hoạch nhãn ở xã Tân Phong, huyện Cai Lậy.
Cảnh được mùa - mất giá luôn diễn ra đối với người trồng cây ăn trái. Ảnh Thu hoạch nhãn ở xã Tân Phong, huyện Cai Lậy.

“CHẠY” THEO LỢI NHUẬN

Cây thanh long đã bén rễ và trở thành cây trồng chủ lực trên vùng đất Chợ Gạo. Nhà nhà trồng thanh long, người người trồng thanh long. Ban đầu vài chục ha thì nay lên đến hàng ngàn ha. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), kể từ khi triển khai Đề án phát triển cây thanh long trên vùng đất Chợ Gạo, diện tích cây thanh long được nâng lên trên 5.000 ha. Thời gian tới, Tiền Giang sẽ tiếp tục mở rộng diện tích trồng thanh long thêm 2.400 - 2.900 ha, nâng tổng diện tích cây thanh long trong vùng lên 7.000 - 8.000 ha vào năm 2020.

Ông Nguyễn Văn Ngỡ, ấp Quang Thọ, xã Quơn Long, huyện Chợ Gạo trồng 0,5 ha thanh long được 4 năm tuổi cho rằng: “Người ta trồng thì mình trồng. Mới thu hoạch được 1 - 2 vụ trái mà giá cả xuống thấp, lợi nhuận không cao; bệnh đốm nâu, thán thư đã xuất hiện. Trước đây, gia đình trồng lúa nhưng thấy mọi người trong xóm trồng có ăn nên lên liếp trồng”. Theo thống kê của Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh, có hơn 120 ha thanh long bị nhiễm bệnh thán thư, trên 250 ha nhiễm bệnh đốm nâu.

Ông Phan Quốc Nam, Giám đốc Công ty TNHH Long Uyên (xã Song Thuận, huyện Châu Thành) cho biết, hàng năm, nguồn thanh long trong dân rất lớn, nhưng doanh nghiệp chỉ thu mua khoảng 2.000 tấn/năm. Sở dĩ công ty mua ít là vì giá cả thanh long luôn biến động, chất lượng bên trong rất khó kiểm soát. Việc xuất tươi gặp nhiều trở ngại do giá thành quá cao. Ngoài ra, trái thanh long của chúng ta còn phụ thuộc quá nhiều vào thị trường Trung Quốc. Nếu Trung Quốc ngưng thu mua thì trái thanh long của chúng ta sẽ bị ách tắc ngay, giá cả xuống dốc rất nhanh.

Bệnh đốm nâu xuất hiện rất nhiều, khiến người trồng thanh long luôn lo lắng.
Bệnh xì mủ xuất hiện rất nhiều, khiến người trồng sầu riêng luôn lo lắng.

Trái sầu riêng đã giúp cho không ít nông dân ở huyện Cai Lậy, TX. Cai Lậy làm giàu. Nhưng việc chạy theo lợi nhuận, “vắt” kiệt sức cây vào mùa nghịch đã làm giảm tuổi thọ của cây; sức đề kháng yếu đã nảy sinh ra nhiều loại dịch bệnh. Theo thống kê, hiện đã có trên 200 ha sầu riêng bị nhiễm bệnh do rầy nhảy gây ra, 300 ha bị nhiễm bệnh xì mủ chảy nhựa, 20 ha bị thối trái. Ngoài ra, tuổi thọ trung bình của sầu riêng cũng bị giảm từ 3 - 5 năm.

Nông dân Hồ Minh Thái, ấp 5, xã Long Trung, huyện Cai Lậy trồng 0,6 ha sầu riêng được 5,5 năm tuổi cho biết, sầu riêng thường được giá vào mùa nghịch nên ai cũng tranh thủ xử lý để bán được giá cao. Thực tế, những vụ nghịch vừa qua, nhà vườn bán được giá rất cao, có lúc trên 100.000 đồng/kg, có người trở thành tỷ phú, triệu phú với 1 ha sầu riêng. “Được cái này, mất cái kia. Xử lý quá nhiều sẽ làm giảm tuổi thọ đáng kể của cây, nhiều loại dịch bệnh tấn công, tốn kém nhiều chi phí… Nhưng thời buổi còn làm ăn được thì tranh thủ, chứ biết sau này có được vậy không” - ông Thái nói.

Phát biểu trong một cuộc hội thảo tại MDEC - Hậu Giang 2016, GS.TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường Đại học Nam Cần Thơ đặt vấn đề: “Tại sao nông dân cứ mãi rơi vào tình trạng “trồng - chặt” hoặc làm nông nghiệp theo ý thích của mình, nay trồng cây này, mai nuôi con kia… mà không theo quy hoạch, không có định hướng hay chiến lược dài hơi. Điều đó phải chăng do quản lý Nhà nước lỏng lẻo, còn doanh nghiệp thì hời hợt chưa định ra được thị trường tiêu thụ để khuyến cáo nông dân sản xuất.

Từ vấn đề đặt ra của GS.TS Võ Tòng Xuân, chúng ta có thể thấy những bất cập mà nông dân trồng cây ăn trái đang gặp phải. Câu hỏi đặt ra: Đến bao giờ người nông dân khi trồng một loại cây ăn trái nào theo định hướng của ngành Nông nghiệp mà không lo sợ đầu ra, không lo sợ thương lái ép giá, không sợ dịch bệnh?

Bệnh xì mủ trên cây sầu riêng ở huyện Cai Lậy một phần do người dân khai thác quá mức.
Bệnh đốm nâu trên cây thanh long.

PHÂN VÙNG TRÁI CÂY

Hiện nay, ngành Nông nghiệp đang tập trung phát triển ngành hàng trái cây thành ngành hàng chiến lược của tỉnh theo hướng bền vững, có giá trị gia tăng cao; trước mắt trên cây xoài, sầu riêng, khóm, thanh long, mãng cầu Xiêm. Cải tiến tổ chức và tăng quy mô sản xuất, áp dụng tiêu chuẩn GAP và các tiêu chuẩn kỹ thuật vững bền, đầu tư phát triển chế biến, bảo quản, vận chuyển, nâng cao chất lượng, khả năng tiếp thị, mở rộng thị trường xuất khẩu.

Việc phân vùng trồng các loại cây thích nghi với thổ nhưỡng, khí hậu cũng rất quan trọng. Sở NN-PTNT đã quy hoạch vùng xoài ở huyện Cái Bè gồm các xã: Hòa Hưng, Tân Thanh, Tân Hưng, An Hữu, An Thái Trung, An Thái Đông, Mỹ Lương, Mỹ Đức Đông, Thiện Trí, Mỹ Đức Tây, Hòa Khánh, Mỹ Lợi A. Vùng sầu riêng ở  huyện Cai Lậy và TX. Cai Lậy như: Ngũ Hiệp, Tam Bình, Long Trung, Long Tiên, Hội Xuân, Cẩm Sơn, Mỹ Long, Long Khánh, Phú Quý, Thanh Hòa. Vùng thanh long ở huyện Chợ Gạo ở các xã: Quơn Long, Mỹ Tịnh An, Tân Bình Thạnh, Long Bình Điền, Đăng Hưng Phước, Thanh Bình, Tân Thuận Bình, Lương Hòa Lạc, Song Bình, Trung Hòa. Huyện Gò Công Tây như: Đồng Sơn. Huyện Tân Phước như: xã Thạnh Tân, Thạnh Mỹ, Mỹ Phước. Vùng trồng khóm được phân ở huyện Tân Phước. Vùng trồng mãng cầu Xiêm ở huyện Tân Phú Đông.

Theo Sở NN-PTNT, cây ăn trái vươn lên thành thế mạnh của tỉnh trong lĩnh vực trồng trọt, với diện tích 70.775 ha năm 2015, chiếm gần 40% diện tích đất sản xuất nông nghiệp, đã và đang hình thành vùng chuyên canh cây ăn trái tập trung với sản lượng lớn, cung cấp cho thị trường như: Khóm Tân Phước (gần 16.000 ha), thanh long Chợ Gạo (trên 5.000 ha), sầu riêng Ngũ Hiệp (9.013 ha), xoài (trên 4.500 ha)... Sản lượng năm 2015 đạt gần 1,34 triệu tấn. Trong 11 huyện, thị và thành phố thì có 4 địa phương (huyện Cái Bè, Cai Lậy, Tân Phước và Châu Thành) có diện tích và sản lượng lớn nhất, chiếm 79% diện tích cây ăn trái toàn tỉnh.

Theo ông Cao Văn Hóa, Quyền Giám đốc Sở NN-PTNT, đến năm 2020, diện tích cây ăn trái toàn tỉnh 74.000 ha, sản lượng đạt 1,285 triệu tấn, tăng 93 ngàn tấn (7,8%) so với năm 2015, tốc độ tăng bình quân 1,01%/năm. Tiếp tục và nhân rộng mô hình sản xuất theo GAP để đến năm 2020 có từ 15 - 20% diện tích cây ăn trái toàn tỉnh đạt tiêu chuẩn GAP. Đến năm 2030, hình thành thương hiệu một số loại trái cây có vị thế vững chắc trong khu vực.

Hiện đại hóa công nghệ chế biến sản phẩm có giá trị gia tăng cao, giảm tổn thất sau thu hoạch. Ngoài ra, ngành cũng tập trung về giống, đầu tư hạ tầng và hạ tầng kỹ thuật; ứng dụng, chuyển giao các tiến bộ khoa học - kỹ thuật. Tổ chức sản xuất, hình thành chuỗi sản xuất - tiêu thụ. Tổ chức xúc tiến thương mại, tuyên truyền giới thiệu sản phẩm, hình thành chương trình liên kết giữa doanh nghiệp và nông dân phát triển hàng hóa theo yêu cầu của thị trường.

Lâu nay, không ít nông dân có thói quen “bám theo đuôi thị trường”. Thấy cây, con gì được giá thì đua nhau trồng, dẫn đến dư thừa, rớt giá. Đó là một thực tế, nhưng chúng ta không thể đổ lỗi hết cho nông dân. Khát vọng làm giàu luôn cháy bỏng trong mỗi gia đình làm nghề nông. Nông sản rớt giá, nông dân thua thiệt, chúng ta cần nhìn lại cách quản trị, điều hành kinh tế từ cấp Nhà nước đến địa phương. Câu hỏi đặt ra trong bối cảnh hiện nay: Hàng nông sản khó tìm đầu ra hay chúng ta chưa định hình rõ nét nền sản xuất nông nghiệp đáp ứng đúng theo nhu cầu thị trường?

SĨ NGUYÊN
(còn tiếp)

.
.
.