Bài 3: Nuôi thủy sản: làm giàu không bền vững.
Bài 1: Làm lúa để có gạo ăn
Bài 2: Trồng cây theo… phong trào
Bài 3: Nuôi thủy sản: làm giàu không bền vững
Bài 4: Chăn nuôi như "đánh bạc"
Bài cuối: Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp
Nuôi thủy sản đạt năng suất, bán được giá thì sẽ lãi cao. Còn ngược lại, giá cá giảm mạnh, đầu ra không có, hao hụt nhiều trong quá trình nuôi sẽ lâm vào cảnh nợ nần. Thực tế đã có rất nhiều hộ phải “treo ao”, bán đất và bỏ xứ vì nuôi thủy sản.
LAO ĐAO VÌ NUÔI CÁ
Từ năm 2010 trở về trước, giá cá tra tại Đồng bằng sông Cửu Long luôn ở mức cao nên ngành hàng này bắt đầu phát triển “nóng”. Nhiều hộ nông dân đã cầm sổ đỏ vay ngân hàng để nuôi cá tra, khiến sản lượng tăng lên nhanh chóng. Sau một thời gian, cùng với sự suy thoái kinh tế, nhiều công ty thủy sản phá sản, nông dân bị chiếm dụng vốn, ngân hàng lại siết chặt cho vay nên hàng loạt hộ trắng tay, nợ chồng chất.
Ông Diệp Minh Châu, một trong những người nuôi cá tra có tiếng ở ấp Tân An, xã Tân Phong, huyện Cai Lậy. Mỗi lần xuất bán 8 ao nuôi cá tra, ông phải lấy bao bỏ tiền vào mới hết. Đó là thời hưng thịnh của con cá tra. Nhưng bước vào giai đoạn suy thoái, con cá tra đã khiến gia đình ông vô cùng chật vật. Ngồi buồn bã, ông Diệp Minh Châu tâm sự: “Tôi nuôi cá tra từ năm 2002. Ban đầu có 4 ao, với diện tích mặt nước trên 1,6 - 1,7 ha. Thấy làm ăn được nên thuê thêm 4 ao nữa để tiếp tục nuôi cá tra. Không lâu sau, cá tra rớt giá, đầu ra không có và lỗ liên miên. Đến năm 2012, gia đình chuyển sang nuôi cá lóc, cá rô đầu vuông nhưng lại lỗ vốn tiếp. Sang năm 2013, tôi trả 4 ao đã thuê, còn 4 ao tiếp tục nuôi cá tra để gỡ vốn nhưng lại tiếp tục lỗ. Giai đoạn từ 2012 đến nay, giá cá tra luôn ở mức thấp, người nuôi chịu lỗ vốn hoàn toàn. Đến đầu năm 2016, gia đình tôi “treo” hết 3 ao, còn 1 ao đang để cầm chừng mà không cho ăn”.
Người nuôi cá tra gặp rất nhiều khó khăn do giá cả xuống thấp. |
Sau khi không còn mặn mà với con cá tra, nợ nần chồng chất, gia đình ông Diệp Minh Châu phải đi thuê đất nhiều nơi, làm đủ thứ nghề để có tiền trả lãi ngân hàng, vì số tiền nợ lên đến bạc tỷ. Giờ đây, ông mong muốn lấp những cái ao nói trên để chuyển sang trồng cây ăn trái cũng chẳng còn tiền, vì kinh phí quá lớn và mong ngân hàng giảm lãi suất, đáo hạn để còn khả năng chi trả.
Gần đó, nghề nuôi cá tra của bà Dương Thị Hòa cũng rất lao đao. Chỉ có 1 ao 0,3 ha mặt nước mà gia đình bà phải bán mấy công đất để trả nợ nhưng không hết, hiện còn nợ ngân hàng trên 1 tỷ đồng. Bà Hòa cho biết, mới tập tành nuôi cá, gia đình nuôi cá rô đầu vuông, cá trê… nhưng đến ngày xuất ao lại bán không được, lỗ vốn nặng. Thấy vậy, gia đình chuyển sang nuôi cá tra vì thời điểm này đang hưng thịnh và người nuôi có lãi. Chỉ 1 - 2 vụ đầu “có ăn”, những năm tiếp theo lỗ liên miên. Gia đình phải bán đất để trả nợ tiền thức ăn, tiền vay ngân hàng. Vậy mà không đủ, cũng còn nợ trên 1 tỷ đồng. Hiện ao nuôi của bà đã cho thuê. “Ở đây, người ta tán gia bại sản vì nuôi cá tra. Nhiều hộ phải trốn biệt xứ vì không có khả năng chi trả các khoản nợ…” - bà Hòa nói.
Nuôi cá tra trên ao thì lỗ, còn nuôi cá ba sa trên bè cũng chẳng khá hơn. Ông Phạm Huy Hoàng quê Nam Định vào nuôi 3 bè cá ba sa ở cồn Thới Sơn than: “Giá cá gần đây dao động ở mức 26.000 đồng/kg. Với giá này, người nào nuôi khéo lắm thì may ra huề vốn, nếu không thì lỗ nặng. Vì những năm gần đây, nghề nuôi cá bè ngày càng khó khăn: Giá cá bấp bênh, đầu ra hạn chế, tỷ lệ hao hụt ngày một nhiều thêm do môi trường bị ô nhiễm, chi phí tốn kém cho việc trị bệnh cho cá. Nếu kéo dài tình trạng như vậy thì không lâu người nuôi sẽ bán bè, phá sản”.
Có thể nói, nghề nuôi cá tra không phải thế mạnh, chỉ trên 100 ha, chiếm giá trị không cao trong ngành Nông nghiệp của tỉnh. Tuy nhiên, việc khó khăn của ngành nuôi cá tra đã đặt cho chúng ta một thực trạng về nuôi trồng thủy sản trong thời gian qua.
ĐỊNH HƯỚNG LẠI NGÀNH THỦY SẢN
Diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản của tỉnh ta trong những năm qua đã gia tăng đáng kể. Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN-PTNT), năm 2015 tăng trên 15.500 ha, gồm thủy vực nước ngọt và nước lợ mặn; tỷ trọng của diện tích mặt nước nuôi trồng thủy sản nước mặn, lợ chiếm trong diện tích chung là 59,4%. Với khoảng 5.000 ha cồn, bãi bồi ven biển có khả năng phát triển nuôi 4 mặt hàng thủy sản chủ lực của tỉnh như: Cá tra, cá rô phi, tôm, nghêu.
Để đảm bảo đầu ra, hạn chế những rủi ro trong quá trình nuôi, ngành Thủy sản định hướng nông dân cần lựa chọn quy trình công nghệ phù hợp cho chính mình; thường xuyên phối kết hợp với các ngành liên quan nắm vững quy trình kỹ thuật, từ đó vận dụng một cách có hiệu quả nhất phục vụ cho sản xuất nhằm nâng cao năng suất, chất lượng một cách bền vững. Thiết kế xây dựng ao nuôi thâm canh bao gồm ao lắng và ao xử lý. Đây là vấn đề ít được người nuôi quan tâm, nên đó cũng là những trở ngại lớn, thách thức lớn trong việc bảo vệ môi trường nuôi thủy sản bền vững. Xây dựng mô hình sản xuất theo hình thức quản lý cộng đồng, tổ hợp tác, hợp tác xã nhằm giảm bớt rủi ro và gắn với bảo vệ môi trường. Tập trung sản xuất thâm canh theo quy trình thực hành nuôi tốt (GAP), ứng dụng công nghệ cao, công nghệ sinh học đối với các đối tượng nuôi chủ lực (cá tra, tôm, nghêu…). Đẩy mạnh liên kết sản xuất theo chuỗi giá trị nhằm đảm bảo hài hòa lợi ích của tất cả các thành viên tham gia từ người sản xuất giống, người nuôi cho đến các doanh nghiệp chế biến xuất khẩu. Khuyến khích các doanh nghiệp đầu tư mới các dây chuyền chế biến các sản phẩm có giá trị gia tăng; đồng thời đa dạng hóa sản phẩm xuất khẩu để nâng cao hiệu quả chế biến xuất khẩu. Giữ vững thị trường truyền thống và phát triển thị trường tiềm năng trong đó có thị trường nội địa.
Nói về định hướng chung cho ngành Thủy sản trong thời gian tới, ông Cao Văn Hóa, Quyền Giám đốc Sở NN-PTNT cho rằng: “Ngành Nông nghiệp sẽ tập trung phát triển những mặt hàng thủy sản chủ lực, chứ không phải xác định một loại con nào đó rồi tập trung đầu tư cho nó mà bỏ lại những con khác. Tuy vậy, con tôm có diện tích lớn, chiếm tỷ trọng cao nên được quan tâm phát triển hơn. Theo đó, diện tích nuôi tôm đến năm 2020 đạt 4.600 ha, sản lượng đạt 17.400 tấn. Đến năm 2030, duy trì diện tích trên nhưng phải phát riển cho được việc nuôi ứng dụng công nghệ cao”.
Ngoài ra, ngành Nông nghiệp sẽ kiểm soát chặt chẽ nguồn thức ăn, thuốc thú y thủy sản. Nghiêm cấm sử dụng thuốc thú y thủy sản ngoài danh mục, xử lý kiên quyết những trường hợp vi phạm trong sản xuất, kinh doanh, sử dụng thức ăn, thuốc thú y thủy sản trong danh mục cấm. Nghiên cứu, ứng dụng các quy trình nuôi an toàn sinh học, nuôi ít sử dụng nước, thân thiện môi trường, ít xả thải, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng...
SĨ NGUYÊN
(Còn tiếp)