Thứ Hai, 26/12/2016, 16:34 (GMT+7)
.
Cần cuộc "cách mạng" trong nông nghiệp

Bài 4: Chăn nuôi như "đánh bạc"

Bài 1: Làm lúa để có gạo ăn
Bài 2: Trồng cây theo… phong trào
Bài 3: Nuôi thủy sản: làm giàu không bền vững
Bài 4: Chăn nuôi như "đánh bạc"
Bài cuối: Tổ chức lại sản xuất nông nghiệp

Chăn nuôi là ngành kinh tế quan trọng, là nguồn cung cấp thực phẩm chủ yếu cho nhân dân; giúp một bộ phận nông dân tăng thu nhập, giải quyết được công ăn việc làm cho người lao động. Tuy nhiên, thời gian qua, ngành chăn nuôi của ta gặp nhiều khó khăn như: Rớt giá, dịch bệnh, sử dụng chất cấm và dư thừa kháng sinh... Hậu quả là nhiều người chăn nuôi đã bị thua lỗ nặng nề phải bỏ nghề. Chính vì thế,  người ta ví von: Chăn nuôi như “đánh bạc”.

“TREO” CHUỒNG

Những ngày này, chúng tôi đi đến các trang trại hay hộ chăn nuôi heo nào cũng đều nghe người dân than thở, ngao ngán vì giá heo quá thấp. Hiện tại, giá heo hơi trên thị trường chỉ còn khoảng 4,1 triệu đồng/tạ (100 kg heo đẹp) và 3,6 triệu đồng/tạ (đối với hộ chăn nuôi nhỏ, lẻ và heo xấu), khiến người chăn nuôi rơi vào hoàn cảnh khó khăn, nợ nần chồng chất.

Ông Nguyễn Minh Quang, ấp Lương Phú B, xã Lương Hòa Lạc, huyện Chợ Gạo phải “treo” hết các khung chuồng đầu tư hơn 1 tỷ đồng vì liên tiếp bị thua lỗ. Ông Quang cho biết, trước đây gia đình nuôi trên 500 con heo nái, thịt. Tuy nhiên, vài năm trở lại đây, giá cả bấp bênh, đầu ra khó khăn, giá thức ăn thì lại liên tục tăng nên càng nuôi càng lỗ. Thấy không còn khả năng, ông bán bớt diện tích 0,2 ha đã đầu tư chuồng trại để trả bớt nợ và lấy vốn chuyển sang làm ăn khác. Còn chuồng trại hơn 0,1 ha ở nhà buộc phải “treo” chuồng, để lại 2 con heo nái nuôi cho bớt buồn.

Người nuôi gà cũng lao đao vì giá trứng cũng ở mức thấp.
Người nuôi gà cũng lao đao vì giá trứng cũng ở mức thấp.

Còn ông Nguyễn Tấn Nghiệp, ấp 5, xã Mỹ Thành Bắc, huyện Cai Lậy đầu tư chuồng trại trên 500 triệu đồng. Bước vào nuôi vài năm trở lại đây, heo hơi luôn biến động ở mức thấp, khiến việc thu hồi vốn gặp khó khăn. Ông Nghiệp cho biết, gia đình nuôi 15 heo nái, 80 heo thịt. Đối với những người nuôi giỏi, không hao hụt trong quá trình nuôi thì giá heo hơi 3,7 - 3,8 triệu đồng/tạ chỉ  phá huề. Còn trong quá trình nuôi, heo xảy ra bệnh, hao hụt chỉ 1 con thôi là lỗ vốn.

Giá heo giảm mạnh, nhiều hộ nông dân thua lỗ, rơi vào cảnh túng quẫn vì không biết xoay xở đâu ra tiền để trả nợ cho chủ đại lý thức ăn. Không chỉ có các trang trại mà những hộ nuôi heo nhỏ, lẻ cũng đang gặp phải cảnh lỗ vốn triền miên. Ông Nguyễn Văn Tâm, ấp Chà Là, xã Phú Nhuận, huyện Cai Lậy đã phải “treo chuồng” hơn 5 tháng nay vì mới thả nuôi 12 con heo chưa bao lâu thì xảy ra bệnh, ông phải “bán tháo, bán đổ” để lấy lại vốn. Thấy giá heo ở mức thấp, ông không dám đầu tư nuôi nữa mà “treo” chuồng chờ thị trường khởi sắc trở lại.

Người nuôi heo khó khăn, chăn nuôi cút cũng chẳng khá gì hơn. Ông Trần Nguyễn Hồ, chủ trang trại nuôi cút Nguyễn Hồ ở ấp Long Bình, xã Long An, huyện Châu Thành đã xuất trứng cút đi Nhật Bản mỗi ngày trên 1 triệu trứng cho biết, trang trại của ông làm theo quy trình, hạn chế được rất nhiều chi phí và có đầu ra ổn định nên tránh được thua lỗ. Còn những người nuôi nhỏ lẻ, những vệ tinh của ông hiện nay phải bán dưới giá thành, chịu lỗ 60 đồng/trứng. Bởi đầu tư cho 1 trứng cút hết 330 đồng nhưng bán chỉ được 270 đồng. Đó là những trang trại nuôi cút đẻ 80%, chứ dưới thì còn thua lỗ nặng. “Những trang trại vệ tinh của tôi còn “sống” được là nhờ vào việc xuất khẩu đi Nhật (do trang trại Nguyễn Hồ đảm nhận) chứ bán ở thị trường trong nước thì nợ nần ngập đầu, tán gia bại sản” - ông Hồ nói.

TÌM VẬT NUÔI THÍCH HỢP

Ngành Nông nghiệp xác định: Đối với sản xuất quy mô lớn thì cần hình thành khu chăn nuôi tập trung, áp dụng công nghệ cao, đáp ứng nhu cầu thực phẩm cho các thành phố lớn và xuất khẩu. Đối với sản xuất quy mô nhỏ thì khuyến khích áp dụng khoa học - công nghệ, đảm bảo an ninh sinh học nhằm đáp ứng nhu cầu thực phẩm tại chỗ và nội  địa.

Theo ông Cao Văn Hóa, Quyền Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, đến năm 2020, tổng đàn chim cút hơn 2 triệu con, ổn định về số lượng và cải thiện sản lượng; đẩy mạnh phát triển tổng đàn gà Ta Gò Công với thương hiệu của Hợp tác xã Chăn nuôi và Thủy sản Gò Công. Hình thành khu chăn nuôi tập trung 200 ha tại xã Thạnh Hòa, huyện Tân Phước. Đến năm 2030, ngành Chăn nuôi duy trì đàn chim cút; ổn định đàn gà Ta Gò Công; khu chăn nuôi Thạnh Hòa đi vào hoạt động hiệu quả.
Ngoài ra, ngành Nông nghiệp cũng từng bước thay đổi tư duy, tập quán sản xuất nhỏ lẻ, tự phát sang phát triển sản xuất chăn nuôi theo hướng tập trung hàng hóa quy mô lớn, gắn với việc phát triển các vật nuôi chủ lực. Ứng dụng công nghệ tiên tiến, hiện đại vào chăn nuôi theo hướng tập trung, quy mô lớn và kỹ thuật công nghệ cao để tăng sản lượng, chất lượng thịt, trứng, sữa; đồng thời hỗ trợ chăn nuôi nông hộ theo hình thức công nghiệp, áp dụng kỹ thuật phù hợp nhằm tăng năng suất, hạn chế dịch bệnh và giảm thiểu ô nhiễm môi trường. Xây dựng mô hình chăn nuôi an toàn dịch bệnh, chăn nuôi an ninh sinh học, VietGAP... chuyển giao, nhân rộng. Xây dựng chuồng trại hợp vệ sinh, có hố ủ (hầm biogas); sử dụng chế phẩm sinh học (EM) xử lý chất thải, khử mùi hôi; ứng dụng đệm lót sinh học trong chăn nuôi. Tùy điều kiện thực tế và từng đối tượng vật nuôi, thực hiện chuỗi liên kết dọc và chuỗi liên kết ngang.

Đối với quy mô nhỏ thì khuyến khích các hộ liên kết theo chiều ngang để nâng quy mô sản xuất thông qua hình thành các tổ hợp tác sản xuất, hợp tác xã cả đầu vào và đầu ra. Đối với quy mô lớn thì liên kết giữa các khâu trong chuỗi giá trị nhằm tăng hiệu quả và giá trị gia tăng; hình thành liên kết giữa các trang trại, gia trại trong vùng chăn nuôi tập trung thành các cụm chăn nuôi. Tiếp tục triển khai quy hoạch cơ sở giết mổ gia súc, gia cầm theo lộ trình đề ra; hiện đại hóa chăn nuôi, giết mổ, chế biến; kiểm soát vệ sinh thú y, an toàn thực phẩm để mở rộng thị trường xuất khẩu.

Ngành chăn nuôi cần phải có một chiến lược rất cụ thể và khả thi ngay từ bây giờ để nâng cao sức cạnh tranh cũng như đối phó với những thách thức trong thực tại.

SĨ NGUYÊN
(còn tiếp)

.
.
.