.
Cuộc vận động "Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam":

"Làm quen" với sản phẩm an toàn

Cập nhật: 22:55, 31/08/2018 (GMT+7)

Gạo, nước khoáng, rau màu… được sản xuất, chế biến theo hướng an toàn là bước đi quan trọng nhằm cung ứng sản phẩm đảm bảo chất lượng cho người tiêu dùng trong và ngoài tỉnh.

1. Ngày 29-8, Công ty Lương thực Tiền Giang (Tigifood) chính thức công bố sản phẩm nước khoáng thiên nhiên không ga Suối Xanh và gạo tươi an toàn. Đây là sự kiện đánh dấu sự chuyển hướng mạnh mẽ trong chiến lược sản xuất - kinh doanh của Tigifood, nhất là tập trung vào sản xuất, cung ứng những sản phẩm an toàn cho người tiêu dùng.

Giám đốc Tigifood Nguyễn Quốc Trực cho biết, hơn 10 năm sản phẩm nước suối của công ty tham gia thị trường đã được người tiêu dùng chấp nhận. Đặc biệt, từ năm 2010 Tigifood tiếp tục triển khai Đề án Thăm dò, khai thác nước khoáng - đầu tư thêm 1 giếng khoan tầng sâu số 2 tại lỗ khoan SX1 (Xí nghiệp Nước giải khát Suối Xanh trực thuộc Tigifood).

Sản phẩm nước khoáng thiên nhiên không ga Suối Xanh và gạo tươi an toàn của Tigifood được chính thức cung ứng  ra thị trường vào ngày 29-8.
Sản phẩm nước khoáng thiên nhiên không ga Suối Xanh và gạo tươi an toàn của Tigifood được chính thức cung ứng ra thị trường vào ngày 29-8.

Đến ngày 5-7-2017, Bộ Tài nguyên và Môi trường cấp phép khai thác nước khoáng tại lỗ khoan SX1 (có hiệu lực từ ngày 17-8-2018).

“Ưu thế của loại nước khoáng này là nguồn nước được khai thác từ mạch nước ngầm sâu 474 m, qua nhiều tầng địa chất với hàm lượng các khoáng chất thiên nhiên, giữ nguyên hương vị ngọt ngào tự nhiên, xử lý qua hệ thống lọc RO, tiệt trùng bằng tia cực tím theo công nghệ USA; đóng chai trên dây chuyền thiết bị công nghệ tiên tiến, khép kín của Hoa Kỳ và châu Âu”- Giám đốc Tigifood Nguyễn Quốc Trực cho biết.

Cũng nhân dịp này, Tigifood đã chính thức cung ứng ra thị trường gạo tươi an toàn. Đây cũng là sản phẩm mới của Tigifood. Đánh giá về tính ưu việt của sản phẩm này, Phó Giám đốc Tigifood Lê Thanh Khiêm nhấn mạnh, gạo tươi là loại gạo được thu hồi sau khi xay xát trực tiếp từ nguyên liệu lúa an toàn mà không trải qua các công đoạn chế biến, xử lý, lưu kho như các loại gạo thông thường.

Loại gạo tươi này hoàn toàn không sử dụng chất bảo quản, chất tẩy trắng, chất tạo mùi hoặc thuốc khử trùng do được xay xát, đóng gói ngay và trực tiếp. Loại gạo này được xay xát trực tiếp theo từng đơn hàng bằng máy xay xát mini nên còn giữ được mầm gạo tươi nguyên và giữ được 70% - 100% lớp cám gạo (là phần chứa nhiều dinh dưỡng như: Vitamin E, B1, B6, B3…).

“Sự khác biệt giữa gạo tươi và gạo trắng bán trên thị trường là: Có truy xuất nguồn gốc xuất xứ rõ ràng; được xay xát từ nguồn lúa sạch, an toàn của Tigifood; khách hàng có thể quyết định, tùy chọn chủng loại lúa và độ xát trắng của gạo theo nhu cầu; thành phần dinh dưỡng trong gạo được giữ lại tối đa và giữ nguyên hương vị, mùi thơm đặc trưng vốn có của từng giống lúa”- Phó Giám đốc Tigifood Lê Thanh Khiêm nhấn mạnh.

Theo số liệu thống kê từ Chi cục Quản lý chất lượng Nông lâm sản và Thủy sản (Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn), toàn tỉnh hiện có khoảng 445 hộ nông dân tham gia sản xuất rau theo quy trình VietGAP, GlobalGAP, với tổng diện tích gần 140 ha.

Mỗi năm Tiền Giang cung cấp khoảng trên 13.000 tấn rau các loại được sản xuất theo hướng an toàn. Phần lớn người tham gia sản xuất rau an toàn là thành viên của các HTX, tổ hợp tác.

Trên thực tế, việc sản xuất rau “sạch”, rau an toàn trên địa bàn tỉnh mở ra nhiều cơ hội cho người sản xuất, nên việc nhân rộng các mô hình rau “sạch”, rau an toàn là hoàn toàn phù hợp với xu thế, đáp ứng nhu cầu và bảo vệ quyền lợi, sức khỏe người tiêu dùng.

Tuy nhiên, việc sản xuất rau an toàn còn nhiều khó khăn do: Vùng sản xuất rau an toàn chưa tập trung, không đảm bảo sản lượng cung ứng định kỳ cho các doanh nghiệp; cơ sở hạ tầng phục vụ cho việc sản xuất rau an toàn còn hạn chế…

2. Thực tế cho thấy, các mô hình sản xuất rau an toàn, nhất là của các hợp tác xã (HTX), trên địa bàn tỉnh dần phát huy hiệu quả cao nhờ phù hợp với hướng đi của ngành Nông nghiệp và nhu cầu của người tiêu dùng. Thành lập và đi vào hoạt động vào năm 2015, với 7 thành viên, đến nay HTX Rau an toàn Tân Đông (huyện Gò Công Đông) đã thu hút hơn 50 thành viên tham gia.

Hiện tại, HTX có hơn 12 ha sản xuất rau, củ, quả các loại, với hơn 35 chủng loại, được sản xuất theo quy trình VietGAP. Chính nhờ sản xuất theo quy trình VietGAP mà sản phẩm của HTX được nhiều doanh nghiệp, bếp ăn tập thể, trường học, siêu thị, trung tâm thương mại... trong và ngoài tỉnh hợp tác mua sản phẩm. Bình quân mỗi ngày HTX sản xuất và cung ứng ra thị trường từ 2,5 - 3 tấn rau, củ, quả các loại. Ngoài ra, HTX còn liên kết và cung ứng sản phẩm cho các HTX khác trong tỉnh.

Nhờ hiệu quả mang lại, sản xuất rau “sạch”, rau an toàn đã và đang trở thành một trong những mục tiêu hướng đến của nhiều nhà sản xuất hiện nay, nhờ đầu ra sản phẩm được bao tiêu, giá cả ổn định, đảm bảo lợi nhuận cho thành viên. Nhiều thành viên của các HTX cho biết, nếu như trước đây khi được khuyến khích sản xuất rau theo quy trình VietGAP hay GlobalGAP thì gia đình rất ngán ngại.

Tuy nhiên, nhờ có sự vào cuộc của các ngành chức năng, cũng như lợi nhuận luôn ở mức cao đã giúp nhà nông an tâm sản xuất theo hướng an toàn.

Thực tế cũng cho thấy, trồng rau cho thu nhập cao hơn so với một số loại cây trồng ngắn ngày khác, với những loại rau phổ thông như: Cải các loại, mồng tơi, rau dền, mướp, bầu, bí. Đặc biệt, khi chuyển sang trồng rau an toàn, mặc dù cần phải chăm sóc nhiều hơn, yêu cầu về kỹ thuật cũng cao hơn…, nhưng người trồng bán giá cao và luôn ổn định, đảm bảo có lãi dù giá cả trên thị trường có bị giảm sâu.

“Hiện đầu ra sản phẩm đã tương đối ổn định, nhưng người sản xuất vẫn còn một số khó khăn mong Nhà nước hỗ trợ như nguồn vốn, việc đầu tư nhà kính để khắc phục những hạn chế trong sản xuất hiện nay”- ông Nguyễn Văn Hoàng, thành viên HTX Rau an toàn Tân Đông cho biết...

P.A - T. TRANG

.
.
.