Thu hút đầu tư: Cần chuẩn bị nguồn lực lao động
Cùng với thu hút dự án đầu tư, việc chuẩn bị nguồn lực lao động nhằm góp phần hiện thực hóa các dự án cũng là yếu tố quan trọng.
Nguồn lực lao động, nhất là lao động có tay nghề, đang là yếu tố mang tính “sống còn” nhằm góp phần đưa các dự án đầu tư phát huy hiệu quả nhanh và bền vững, nhất là trong giai đoạn cuộc cách mạng công nghiệp 4.0 đã, đang diễn ra và tác động lớn đến nhiều ngành, lĩnh vực.
Xét về yếu tố nguồn lực lao động, nhìn từ thực tế cho thấy, chất lượng lao động của Tiền Giang thời gian qua tương đối tốt, với khả năng tiếp cận cái mới nhanh, có tính kỷ luật và siêng năng. Nhờ đó, nhiều nhà đầu tư an tâm khi tuyển dụng lao động của Tiền Giang.
Tuy nhiên, trong xu thế phát triển và hội nhập, nhất là trong giai đoạn thu hút nhiều dự án đầu tư, nguồn lực lao động trên địa bàn Tiền Giang cũng dần trở nên thách thức.
Nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề ngày càng tăng. |
Nhìn từ thực tiễn, nhu cầu tuyển dụng lao động trên địa bàn tỉnh ngày càng tăng và hướng vào chất lượng lao động hơn. Thống kê của Sở Lao động - Thương binh và Xã hội (LĐ-TB&XH) cho thấy, từ năm 2015 đến năm 2017, mỗi năm nhu cầu tuyển dụng khoảng 10.000 lao động; trong đó các khu, cụm công nghiệp trong tỉnh tuyển hơn 65%.
Chưa kể, nhu cầu tuyển dụng lao động có tay nghề, chuyên môn ngày càng tăng, cụ thể năm 2015 chỉ chiếm 20%, năm 2016 chiếm 23% và năm 2017 chiếm đến 35%.
Còn theo thống kê của Trung tâm Dịch vụ việc làm Tiền Giang và các cơ quan chuyên môn cho thấy, dự kiến trong năm 2018 các doanh nghiệp sẽ tuyển dụng 15.000 lao động; trong đó, lao động có tay nghề chiếm khoảng 35%.
Theo đó, một số ngành, nghề đòi hỏi chuyên môn đang có nhu cầu tuyển dụng cao nhưng thiếu nhân lực như: Nhóm ngành cơ khí, điện công nghiệp, may.
Thực tế cũng cho thấy, lao động có chuyên môn, nếu thông thạo ngoại ngữ, kỹ năng giao tiếp thì được ưu tiên và tất nhiên là có thu nhập cao.
Theo dự báo, từ nay đến năm 2020, mỗi năm nhu cầu cần tuyển khoảng 15.000 lao động, trong đó lao động có tay nghề, chuyên môn chiếm khoảng 35%.
Các doanh nghiệp tuyển dụng lao động thuộc các lĩnh vực: Giày da, túi xách, bao bì, may mặc, lắp ráp điện tử, cơ khí, chế biến thực phẩm…
Sức hút từ thị trường lao động ngoài nước Theo đánh giá của Sở LĐ-TB&XH, nguồn lực lao động có trình độ sơ cấp, trung cấp, cao đẳng tất cả các ngành đều phù hợp với thị trường lao động Nhật Bản, Hàn Quốc... Trong đó, thị trường Nhật Bản hiện rất chuộng lao động Việt Nam, đặc biệt là các tỉnh miền Tây Nam bộ, với ưu tiên các ngành: Cơ khí chế tạo máy, hàn, tiện, phay, bào, điện công nghiệp, công nghệ thực phẩm, nhựa… Người lao động sau khi làm việc ở Nhật Bản từ 3 - 5 năm, khi về nước sẽ tích lũy được nhiều kinh nghiệm nghề nghiệp, tác phong công nghiệp, ngoại ngữ và quan trọng là tích lũy được số tiền khá lớn (từ 700 - 800 triệu đồng) để có thể làm vốn lập nghiệp hoặc vào làm việc tại các doanh nghiệp Nhật Bản đầu tư tại Việt Nam với mức lương từ 8 - 10 triệu đồng/tháng. |
Điểm đáng chú ý là ngoài nhu cầu tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp trong tỉnh thì nhu cầu tuyển dụng lao động ngoài tỉnh cũng luôn chiếm số lượng lớn.
Theo đó, hằng năm các tỉnh, thành: Bình Dương, Đồng Nai, Long An hay TP. Hồ Chí Minh đăng ký tuyển dụng qua Sàn giao dịch việc làm Tiền Giang trên 10.000 lao động; trong đó, cần nhiều lao động có tay nghề, chuyên môn thuộc các ngành: Cơ khí, điện công nghiệp, điện lạnh, công nghệ ô tô với mức thu nhập của lao động có tay nghề bình quân từ 6 - 10 triệu đồng/tháng.
Nhìn từ thực tế cho thấy, hiện nay học sinh, sinh viên tốt nghiệp các nhóm ngành kỹ thuật: Cơ khí, hàn, cắt gọt kim loại, điện công nghiệp, công nghệ may… đều được doanh nghiệp ở các tỉnh, thành tuyển dụng với số lượng lớn nên cơ hội việc làm ở nhóm các ngành này sẽ tốt hơn.
Nếu xét về nhu cầu tuyển dụng và nhiều yếu tố tác động khác, nguồn lực lao động trên địa bàn Tiền Giang thật sự không còn dồi dào, nếu không muốn nói là đã dần khan hiếm. Trên thực tế, ngoài mức lương tối thiểu vùng, các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh còn áp dụng chính sách lương để thu hút và giữ lao động làm việc ổn định.
Tại các khu, cụm công nghiệp, đặc biệt là Khu công nghiệp Tân Hương, mức lương trung bình của lao động tương đối cao và cao hơn một số khu công nghiệp ở TP. Hồ Chí Minh.
Thống kê sơ bộ của Sở LĐ-TB&XH cho thấy, mức lương trung bình chung của các doanh nghiệp trong tỉnh, đối với lao động phổ thông có mức lương cơ bản từ 3,8 - 4,3 triệu đồng/tháng, nếu cộng với các khoản phụ cấp, tăng ca thì thu nhập từ 5,5 - 7 triệu đồng/tháng; lao động có tay nghề, kỹ thuật, chuyên môn cao, mức lương dao động từ 6 - 10 triệu đồng/tháng.
Đánh giá về yếu tố lao động Tiền Giang, ông Nguyễn Văn Đạo, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp Tiền Giang đồng thời là Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng cho rằng, Tiền Giang không còn dồi dào về yếu tố số lượng lao động, nhất là lao động có chuyên môn cao, chưa kể việc tuyển dụng lao động phổ thông thời gian qua cũng đã gặp không ít khó khăn. Trong thời gian tới, chắc chắn nguồn lực lao động phục vụ cho các doanh nghiệp cũng cần được tính toán và đào tạo chuyên sâu hơn.
Để giải bài toán nguồn lực lao động, trong thời gian qua tỉnh đã tập trung đào tạo theo nhu cầu của thị trường lao động, tăng quy mô và nâng cao chất lượng đào tạo; tập trung đào tạo nhân lực có trình độ tay nghề cao, có đạo đức, trách nhiệm nghề nghiệp, có khả năng sáng tạo, có khả năng tìm việc làm, tự tạo việc làm, tham gia lao động trong và ngoài nước hoặc tiếp tục học tập nâng cao trình độ tay nghề.
Đồng thời, các cơ sở đào tạo cũng đã liên kết trong đầu tư, đào tạo, cung cấp nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phát triển của vùng và của tỉnh, tập trung các trường như: Đại học Tiền Giang, Cao đẳng Nghề, các trường trung cấp nghề, kinh tế - kỹ thuật... và liên kết với các cơ sở đào tạo nhân lực chất lượng cao ngoài tỉnh. Bên cạnh đó, tỉnh cũng chú trọng đầu tư, thu hút đầu tư phát triển các cơ sở đào tạo nhằm đáp ứng yêu cầu lao động tại các địa phương trong tỉnh...
P.A