Huyện cù lao gặp khó trong tiêu thụ nông sản
Những tháng đầu năm, một số nông sản chủ lực của huyện Tân Phú Đông đồng loạt giảm giá khiến đời sống của người dân gặp không ít khó khăn. Câu chuyện đầu ra cho nông sản nơi đây lại “nóng” lên hơn bao giờ hết.
Thời gian qua, giá mãng cầu Xiêm giảm mạnh, có thời điểm chỉ còn 5.000 đồng/kg. |
GIẢM GIÁ SÂU
Cách đây hơn 1 tháng, mãng cầu Xiêm tại huyện Tân Phú Đông rớt giá mạnh, chỉ còn khoảng 5.000 đồng/kg, khiến người trồng điêu đứng. Nhiều người dân trồng mãng cầu Xiêm nơi đây cho biết, mức giá này thấp nhất trong suốt nhiều năm qua.
Chở 2 giỏ đầy mãng cầu Xiêm đến vựa thu mua, chị Tám (ngụ xã Tân Phú) bày tỏ: “Giá mãng cầu Xiêm ở mức 5.000 đồng/kg, nông dân nắm chắc bị lỗ. Mức giá này duy trì khoảng gần 2 tháng nên có người đã chặt bỏ vườn mãng cầu Xiêm. Thời gian tới, nếu giá mãng cầu Xiêm không khả quan chắc nhà tôi cũng sẽ chuyển sang trồng cây khác”.
Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú Nguyễn Văn Đấu cho biết, do mãng cầu Xiêm rớt giá nên một số nhà vườn đã chặt bỏ cây trồng này để trồng dừa uống nước, bưởi da xanh… Đa phần các vườn mãng cầu Xiêm bị chặt bỏ được trồng đã lâu năm, cho năng suất thấp. Bên cạnh đó, có một số hộ dân chặt đọt mãng cầu Xiêm để dưỡng cây, chờ ra trái vụ tiếp theo. |
Cùng với cây sả và mãng cầu Xiêm, dừa cũng được xem là cây trồng chủ lực của huyện Tân Phú Đông với diện tích khoảng 3.000 ha. Tuy nhiên, trái với năm 2017, năm nay giá dừa khô sụt giảm mạnh đến mức nhiều người ví von: “Bán 1 chục dừa không mua nổi 1 kg cá biển”.
Anh Hà Văn Phúc (ngụ xã Tân Phú) cho biết: “Nhà tôi trồng 5 công dừa, chủ yếu bán dừa khô. Hiện tại, giá dừa khô chỉ khoảng 20.000 đồng/chục (12 trái) nên thu nhập từ vườn dừa rất thấp. Ở đây, thu nhập chính của nhiều hộ dân là từ vườn dừa; giá dừa rẻ thế này, cuộc sống của bà con gặp nhiều khó khăn”.
Trong số những nông sản giá thấp ở huyện Tân Phú Đông không thể không nói đến con tôm. Từ sau tết, giá tôm thẻ chân trắng liên tục giảm sâu khiến người nuôi bị thua lỗ.
Dù năm nay con tôm thẻ chân trắng phát triển thuận lợi hơn so với năm 2017, song với giá xuống thấp như thời gian qua (có thời điểm xuống dưới 70.000 đồng/kg loại 100 con/kg), nhiều người nuôi đã phải “treo ao”.
Theo Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Tân Phú Đông thống kê, có khoảng 42 ha mãng cầu Xiêm bị người dân chặt bỏ trong đợt rớt giá vừa qua. Ngoài ra, cũng qua ghi nhận, hiện có một số hộ dân đã chặt bỏ vườn dừa. Trong đó, những diện tích nằm ngoài đê bao chuyển sang nuôi tôm, còn phía trong đê thì chuyển sang trồng các loại cây khác.
TÌM ĐẦU RA BẰNG CÁCH NÀO?
Trước thực tế một số nông sản chủ lực trên địa bàn đang gặp khó, Phó Chủ tịch UBND xã Tân Phú Nguyễn Văn Đấu cho biết: “Với điều kiện hiện tại, cây mãng cầu Xiêm vẫn mang lại hiệu quả kinh tế khá cho người dân, giúp nhiều người thoát nghèo. Do đó, thời gian tới xã sẽ tiếp tục tuyên truyền để người dân giữ vững diện tích cây trồng này".
"Hướng tới, xã sẽ tích cực kêu gọi doanh nghiệp về đầu tư vào khâu chế biến sản phẩm từ trái mãng cầu Xiêm để hạn chế phụ thuộc vào việc tiêu thụ tươi như hiện nay".
Nói về đầu ra cho những nông sản của huyện, Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Phú Đông Nguyễn Văn Hải cho rằng, thực ra cây sả và mãng cầu Xiêm của huyện hiện vẫn có đầu ra tốt. Tuy nhiên, do người dân vẫn chưa thay đổi được thói quen sản xuất nhỏ lẻ, chưa chú trọng đến chất lượng sản phẩm nên đầu ra gặp khó.
Cụ thể, đối với cây mãng cầu Xiêm, thời gian qua Tổ hợp tác Kinh tế mãng cầu Xiêm xã Tân Phú (sản xuất theo hướng VietGAP) chỉ hoạt động cầm chừng nên không giải quyết được đầu ra trái mãng cầu Xiêm cho người dân do không đáp ứng được nguồn hàng với số lượng lớn của doanh nghiệp (do không quản lý được vùng trồng).
Đặc biệt, vừa qua, huyện xuất khẩu được một số lô sả sang thị trường Ấn Độ. Tuy nhiên, qua thông tin phản hồi từ phía đối tác, cây sả khi qua đến Ấn Độ đã bị úng. Sả bị úng là do sau khi thu hoạch, người dân cho sả vào ngâm trong nước (huyện đã khuyến cáo không được ngâm sả trong nước sau khi thu hoạch nhưng người dân vẫn làm).
Trưởng phòng NN&PTNT huyện Tân Phú Đông Nguyễn Văn Hải cho biết thêm, dù huyện đã kêu gọi doanh nghiệp đầu tư vào khâu chế biến các sản phẩm chủ lực của địa phương, nhưng đến thời điểm này vẫn chưa có doanh nghiệp về đầu tư.
Theo đánh giá của ngành chức năng, doanh nghiệp khó có thể hợp tác với từng nông dân. Do đó, nông dân phải chủ động tham gia vào các tổ chức kinh tế tập thể. Song, để các tổ hợp tác, hợp tác xã hoạt động sản xuất, kinh doanh hiệu quả rất cần sự vào cuộc của chính quyền các cấp. Chính quyền địa phương cần làm tốt vai trò cầu nối giữa nông dân và doanh nghiệp để gỡ “nút thắt” trong tiêu thụ nông sản hiện nay.
M. THÀNH