.

Xuất khẩu trái cây: "Sống chung" với thị trường Trung Quốc

Cập nhật: 09:47, 22/08/2018 (GMT+7)

Tiền Giang được mệnh danh là “vương quốc” trái cây của cả nước với diện tích trồng cây ăn trái trên 75.000 ha, sản lượng trên 1,3 triệu tấn trái/năm; trong đó, có nhiều loại trái cây đặc sản được xuất khẩu đi nhiều nước trên thế giới như: Sầu riêng, thanh long, xoài cát Hòa Lộc… Tuy nhiên, việc xuất khẩu trái cây của tỉnh nói riêng và cả nước nói chung đang phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc… Nhiều chuyên gia cho biết, trái cây nói riêng và nông sản nói chung của Tiền Giang cũng như của Việt Nam phải quen dần với việc “sống chung” với thị trường này. 

Rửa thanh long trước khi đưa vào kho lạnh tại Hợp tác xã Thanh long Mỹ Tịnh An.
Rửa thanh long trước khi đưa vào kho lạnh tại Hợp tác xã Thanh long Mỹ Tịnh An.

TRÊN 70% SẦU RIÊNG ĐI TRUNG QUỐC

Tỉnh Tiền Giang có diện tích trồng sầu riêng trên 8.000 ha, sản lượng năm 2017 trên 204 ngàn tấn; trong đó trồng tập trung ở các huyện Cai Lậy, Cái Bè và Châu Thành, với các giống sầu riêng được trồng phổ biến là Ri6, Chín Hóa, Monthong… Theo thống kê của Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, sản lượng sầu riêng của tỉnh rất lớn nhưng thị trường xuất khẩu chủ yếu là Trung Quốc, chiếm hơn 70% sản lượng và chủ yếu bằng đường tiểu ngạch. 

Công ty TNHH MTV Bảy Ngũ Hiệp (ấp 12, xã Long Trung, huyện Cai Lậy) là doanh nghiệp thu mua, xuất khẩu sầu riêng với số lượng lớn của tỉnh Tiền Giang. Tuy vậy, việc xuất khẩu sầu riêng của doanh nghiệp này cũng đang phụ thuộc rất lớn vào thị trường Trung Quốc. Đại diện doanh nghiệp này cho biết, sản lượng tiêu thụ sầu riêng hằng năm của công ty khoảng 1.000 tấn trái, trong đó, sản phẩm nguyên trái tươi cung cấp cho thị trường Trung Quốc qua đường tiểu ngạch chiếm khoảng 90% tổng sản lượng. Tuy nhiên, việc xuất khẩu vào thị trường này bằng đường tiểu ngạch gặp nhiều khó khăn như: Thời điểm được thông quan phụ thuộc vào số lượng (số lượng lớn thì thời gian thông quan sẽ kéo dài). Từ đó, hàng hóa cung ứng cho đối tác không đảm bảo được thời gian hợp đồng, số lượng và chất lượng sản phẩm bị giảm sút, đối tác gây khó nên giá sản phẩm thường bị giảm xuống so với hợp đồng.

Theo Cục Xúc tiến Thương mại (Bộ Công thương), trong những tháng đầu năm 2018, mặt hàng rau, trái cây của Việt Nam xuất khẩu sang các thị trường chính đều có kim ngạch tăng khá; trong đó, dẫn đầu là thị trường Trung Quốc với kim ngạch xuất khẩu đạt 1,2 tỷ USD, tăng 18,1%. Theo đánh giá của Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công thương), Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chính của Việt Nam, với tỷ trọng chiếm tới 74,6% tổng kim ngạch xuất khẩu hàng rau, trái cây của Việt Nam trong 5 tháng đầu năm 2018. Xuất khẩu hàng rau, trái cây sang thị trường Trung Quốc có lợi thế, vì nhu cầu tiêu thụ, vị trí địa lý gần, tập quán, thị hiếu tiêu dùng khá tương đồng với Việt Nam.

Tuy nhiên, yêu cầu về chất lượng hàng hóa tại thị trường Trung Quốc cũng ngày càng nâng lên và đây cũng là xu hướng chung trên thị trường thế giới. Theo đó, ngoài việc nâng cao chất lượng sản phẩm, doanh nghiệp xuất khẩu cần chú trọng tới việc tìm hiểu vụ mùa tại Trung Quốc để trồng các mặt hàng rau, trái cây phù hợp và không trùng đúng vụ mùa của nước này, tránh trường hợp được mùa mất giá.
 

Tương tự, ông Nguyễn Văn Huỳnh, chủ vựa trái cây Huỳnh Thu (xã Long Trung, huyện Cai Lậy) cũng cho biết, mỗi năm vựa Huỳnh Thu xuất tiểu ngạch sang Trung Quốc trên 2.000 tấn sầu riêng. Từ đó giải quyết công ăn việc làm thường xuyên cho vài chục lao động và khoảng 50 lao động thời vụ. Tuy nhiên, việc xuất khẩu bằng đường tiểu ngạch sang Trung Quốc cũng gặp không ít rủi ro.

Theo người dân và các doanh nghiệp, Trung Quốc là thị trường lớn, nhu cầu nông sản cao và cũng không đòi hỏi khắt khe về chất lượng. Tuy nhiên, chính sự chi phối quá lớn của thị trường này nên khi gặp trục trặc trong quá trình xuất khẩu thì giá sẽ giảm nhanh.

Theo PGS.TS Võ Thị Thanh Lộc, nguyên giảng viên của Trường Đại học Cần Thơ, hiện tại sầu riêng Tiền Giang chủ yếu bán sang Trung Quốc theo đường tiểu ngạch (70% sản lượng). Qua khảo sát ý kiến của một số chủ vựa lớn xuất khẩu sầu riêng trực tiếp sang Trung Quốc cho thấy, các vựa cố gắng giữ uy tín với đối tác bằng chất lượng trái. Hơn nữa, hiện nay Trung Quốc đóng cửa khá thường xuyên 2/3 cửa khẩu (Tân Thanh, Cổng Trắng), chỉ còn lại Cửa khẩu Hữu Nghị là mở thường xuyên để kiểm soát chất lượng hàng nông sản vào Trung Quốc. Vì vậy, nông sản Việt Nam nói chung và sầu riêng nói riêng sẽ gặp nhiều khó khăn khi xuất tiểu ngạch sang thị trường này.

THANH LONG QUÁ PHỤ THUỘC

Tỉnh Tiền Giang trồng trên 6.500 ha thanh long, trồng tập trung ở các huyện Chợ Gạo, Tân Phước và Gò Công Tây; chiếm khoảng 14% diện tích của cả nước; sản lượng thu hoạch mỗi năm đạt trên 146.000 tấn, trong đó 80% - 90% sản lượng thanh long được xuất khẩu vào thị trường Trung Quốc.

Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông sản Cát Tường là một trong những doanh nghiệp trồng, thu mua và bao tiêu trái thanh long nhiều nhất trong tỉnh. Ông Đoàn Văn Sang, Giám đốc công ty cho biết, những tháng đầu năm 2018, doanh nghiệp xuất khẩu được trên 100.000 tấn thanh long, doanh thu khoảng 2.400 tỷ đồng, gấp đôi cả về lượng và giá trị so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, trái thanh long của công ty được đóng gói bao bì, với thương hiệu “Thanh long Cát Tường Tiền Giang”, xuất khẩu trực tiếp sang thị trường Trung Quốc, Thái Lan, Singapore… Trong đó, Trung Quốc vẫn là thị trường xuất khẩu chủ yếu của công ty. Ông Đoàn Văn Sang cho biết thêm, hiện nay công ty đã tổ chức được trên 20 đầu mối tiêu thụ trực tiếp “Thanh long Cát Tường Tiền Giang” tại các thành phố lớn của Trung Quốc, kể cả thủ đô Bắc Kinh.

Tương tự, hiện nay Hợp tác xã Thanh long Mỹ Tịnh An cũng đã liên kết với các đầu mối ở TP. Hồ Chí Minh xuất khẩu hàng ngàn tấn thanh long sang thị trường Trung Quốc mỗi năm.

Mới đây, tại buổi thăm và làm việc với Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông sản Cát Tường và Hợp tác xã Thanh long Mỹ Tịnh An, Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư Nguyễn Chí Dũng đã nhắc các doanh nghiệp của tỉnh khi làm ăn với các doanh nghiệp của Trung Quốc phải cẩn thận, phải có hợp đồng và tiền bạc sòng phẳng.

Phát biểu tại một hội thảo gần đây, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Trần Thanh Đức cho biết, mặc dù nông sản còn phụ thuộc nhiều vào thị trường Trung Quốc nhưng đây là thị trường đầy tiềm năng. Vì vậy, chúng ta phải chuyển từ xuất tiểu ngạch sang chính ngạch. Để làm được điều này, nông sản của Việt Nam nói chung và của tỉnh Tiền Giang nói riêng phải tính đến “bài toán” kinh doanh, trong đó tập trung vào khâu chất lượng.

Tiền Giang có điều kiện tự nhiên thuận lợi để trồng các loại cây ăn trái có thế mạnh. Tuy nhiên, vấn đề liên kết sản xuất và tiêu thụ còn khá lỏng lẻo, việc tiêu thụ phụ thuộc quá lớn vào thị trường Trung Quốc nhất là theo đường tiểu ngạch, đã khiến lợi nhuận của nông dân giảm đi rất nhiều. Vì vậy, để phát triển ổn định và bền vững hàng nông sản nói chung và trái cây nói riêng của tỉnh, các chuyên gia cho rằng cần phải kết hợp nhiều giải pháp trong sản xuất và tiêu thụ, đặc biệt quan tâm đến vấn đề
chất lượng. Ngoài ra còn phải quan tâm mở rộng sang thị trường các nước khác.

SĨ NGUYÊN

.
.
.