.
Thu hút đầu tư:

Nhiều "hướng mở" cho thương mại, dịch vụ phát triển

Cập nhật: 16:43, 12/09/2018 (GMT+7)

Bên cạnh thu hút các dự án đầu tư trên lĩnh vực công nghiệp, hạ tầng giao thông, tỉnh cũng chú trọng đến các dự án liên quan đến thương mại, dịch vụ làm tiền đề cho sự phát triển bền vững.

1. Định hướng chung của tỉnh là trên cơ sở những điều kiện và lợi thế của từng vùng kinh tế hiện hữu, trong thời gian tới Tiền Giang sẽ chú trọng thu hút đầu tư phát triển các trung tâm thương mại, siêu thị, chợ, khách sạn, nhà hàng theo hướng văn minh thương mại.

Một trong những nội dung chính được đề cập trong Quyết định 1090 ban hành ngày 23-4-2018 của UBND tỉnh phê duyệt Điều chỉnh Quy hoạch phát triển thương mại tỉnh Tiền Giang đến năm 2020, định hướng đến năm 2030 là hình thành cấu trúc cân đối, hợp lý trong thị trường hàng công nghiệp tiêu dùng, phát triển mạng lưới các khu thương mại - dịch vụ của tỉnh, lấy TP. Mỹ Tho, TX. Gò Công và TX. Cai Lậy là hạt nhân.

Co.opmart Cai Lậy đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy thương mại, dịch vụ của Vùng kinh tế - đô thị  phía Tây của tỉnh phát triển.
Co.opmart Cai Lậy đi vào hoạt động sẽ thúc đẩy thương mại, dịch vụ của Vùng kinh tế - đô thị phía Tây của tỉnh phát triển.

Trên cơ sở định hướng phát triển chung của tỉnh, từng vùng kinh tế - đô thị cũng có những điểm nhấn về phát triển thương mại, dịch vụ dựa trên cơ sở tiềm năng và điều kiện hiện hữu. Chẳng hạn, đối với Vùng kinh tế - đô thị Trung tâm sẽ tập trung thu hút đầu tư phát triển các dự án chợ, siêu thị, trung tâm thương mại vùng, chú trọng phát triển các trung tâm thương mại.

Đồng thời, tỉnh sẽ tập trung đầu tư và thu hút đầu tư, khai thác các điểm du lịch của vùng như: Du lịch sinh thái cù lao Thới Sơn, Tân Long nhằm phát huy thế mạnh của TP. Mỹ Tho là trung tâm du lịch cấp vùng tỉnh. Đối với Vùng kinh tế - đô thị phía Tây, tỉnh sẽ tập trung xây dựng các chợ đầu mối, phát triển các khu thương mại, dịch vụ, hình thành các khu dân cư - đô thị - thương mại - dịch vụ và nghỉ dưỡng…

Định hướng phát triển thương mại của tỉnh cũng xác định phát triển đa dạng, hài hòa các loại hình doanh nghiệp thương mại và các loại hình thương mại như cửa hàng hiện đại, siêu thị, chợ tổng hợp, chợ chuyên doanh, hợp tác xã thương mại thu mua…

Trên cơ sở đó hình thành và phát triển kết cấu thương mại theo hướng hiện đại: Tổ chức và phát triển chợ truyền thống, nhất là các chợ trung tâm, chợ hạng I, nâng cấp vai trò lưu thông hàng hóa của chợ nông thôn...

Theo đó, việc bố trí quy hoạch theo không gian thương mại tỉnh phải vừa đảm bảo tính tập trung, vừa đảm bảo tính phân bố đều trên phạm vi toàn tỉnh; tạo nên không gian thương mại phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng.

Đồng thời với đó là phát triển các thành phần kinh tế hoạt động thương mại theo hướng đa dạng; khuyến khích, hỗ trợ thành phần tư nhân tham gia hoạt động thương mại, phát triển loại hình kinh tế tập thể, kinh tế hộ gia đình, thu hút đầu tư vào ngành Thương mại đối với các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài…

2. Từ chủ trương chung, trong thời gian qua, đặc biệt là sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng, lĩnh vực thương mại, dịch vụ trên địa bàn tỉnh đã có bước phát triển đáng kể. Một trong những điểm nhấn tại Vùng kinh tế - đô thị Trung tâm là Khu Thương mại - Dịch vụ TP. Mỹ Tho, với tổng vốn đầu tư dự kiến khoảng 700 tỷ đồng, dự kiến đi vào hoạt động kinh doanh trong tháng 10-2018.

Bên cạnh đó, từ nhiều nguồn vốn khác nhau, tỉnh và địa phương cũng đang tiếp tục đầu tư xây dựng mới chợ Bình Phan (huyện Chợ Gạo), với tổng mức đầu tư dự kiến 1 tỷ đồng; đang tiếp tục đầu tư Bến bãi chợ Phú Phong (giai đoạn 2), với kinh phí 13 tỷ đồng.

Đồng thời, các cơ quan có liên quan đang tiến hành thủ tục đầu tư từ nguồn vốn ngân sách tỉnh đã phân bổ về cấp huyện: Chợ Thuộc Nhiêu (huyện Châu Thành), đã phê duyệt nhà đầu tư Dự án Chợ Bến Tranh và Khu tái định cư xã Lương Hòa Lạc (huyện Chợ Gạo), với tổng mức đầu tư 20 tỷ đồng.

Chưa kể, Dự án Trung tâm thương mại Mỹ Tho (phường 1, TP. Mỹ Tho) cũng đã có Quyết định lựa chọn nhà đầu tư; Dự án Bến Chợ (huyện Chợ Gạo) cũng đang chuẩn bị đấu thầu. Ngoài ra, các dự án đang làm thủ tục và mời gọi đầu tư như: Chợ Bến Tranh, chợ Dưỡng Điềm, Trung tâm thương mại Khu tái định cư Tân Hương, chợ Tân Hội, Dự án Chợ - Khu dân cư Song Thuận.

Lĩnh vực thương mại - dịch vụ đối với Vùng kinh tế - đô thị phía Tây trong thời gian qua cũng có bước phát triển nhanh. Chẳng hạn như tỉnh đã đầu tư và kêu gọi đầu tư xây dựng hoàn thành và đưa vào hoạt động: Co.opmart Cai Lậy có tổng vốn đầu tư 100 tỷ đồng và Dự án đầu tư xây mới chợ Hậu Mỹ Trinh (huyện Cái Bè), tổng vốn đầu tư 2,2 tỷ đồng; thực hiện di dời đầu tư xây mới chợ Tân Phú (TX. Cai Lậy), tổng vốn đầu tư dự kiến 4 tỷ đồng.

Đồng thời, các ngành, địa phương có liên quan đang tiến hành lập thủ tục đầu tư từ nguồn vốn ngân sách tỉnh đã phân bổ về cấp huyện gồm: Chợ Cái Thia (xã Mỹ Đức Đông, huyện Cái Bè); chợ Mỹ Hạnh Trung (TX. Cai Lậy); chợ Bắc Đông (huyện Tân Phước).

Ngoài ra, một số dự án trong vùng kinh tế này cũng đang được lập thủ tục và mời gọi đầu tư như: Khu dân cư - Chợ Mỹ Đức Tây (huyện Cái Bè); Dự án Chợ - Khu phố chợ Tân Lập 1 (huyện Tân Phước).

Riêng đối với Vùng kinh tế - đô thị phía Đông, thời gian qua tỉnh và địa phương cũng đã đầu tư xây dựng mới chợ Tân Thạnh (huyện Tân Phú Đông), tổng vốn đầu tư 3,8 tỷ đồng; nâng cấp, sửa chữa 3 chợ: Chợ Thạnh Yên (huyện Gò Công Tây), chợ Bình Phú (huyện Gò Công Tây), chợ Tân Tây (huyện Gò Công Đông).

Đồng thời, các ngành, địa phương đang tiến hành làm thủ tục đầu tư từ nguồn vốn ngân sách tỉnh đã phân bổ về cấp huyện gồm: Chợ Xã Lới (TX. Gò Công), chợ Rạch Vách (huyện Tân Phú Đông), chợ Long Bình (huyện Gò Công Tây).

Ngoài ra, một số dự án trong vùng kinh tế này cũng đang được lập thủ tục và mời gọi đầu tư như: Dự án Chợ - Khu dân cư Long Bình (huyện Gò Công Tây), chợ Phú Thạnh - Khu phố chợ (huyện Tân Phú Đông)…

P.A

.
.
.