Xây dựng văn hóa doanh nghiệp để phát triển bền vững
Xây dựng văn hóa doanh nghiệp (DN) đang được nhiều DN trên địa bàn tỉnh quan tâm thực hiện nhằm hướng đến sự phát triển bền vững.
QUAN TÂM XÂY DỰNG VĂN HÓA
Theo Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Trần Đỗ Liêm, một DN muốn phát triển bền vững, bên cạnh chiến lược sản xuất, kinh doanh hiệu quả thì cần phải có văn hóa. Văn hóa là yếu tố quyết định sự sống còn của DN. Nói đến văn hóa DN, trước hết về tính cộng đồng phải có sự chia sẻ, đoàn kết trong nội bộ để cùng tạo nên một tập thể thống nhất. Bên cạnh đó, các DN cần phải có trách nhiệm với xã hội bằng việc bảo vệ môi trường và con người xung quanh nhà máy hay xí nghiệp. “Văn hóa DN còn thể hiện giữa quan hệ đối tác. Ví dụ như nhà cung cấp sản phẩm, nhiên liệu cho công ty phải được thanh toán chi phí đúng thời hạn. Đối với khách hàng, sản phẩm làm ra phải đạt chất lượng tốt” - ông Trần Đỗ Liêm cho biết thêm. Cũng theo ông Trần Đỗ Liêm, việc xây dựng văn hóa DN đang được một số công ty trên địa bàn tỉnh chú trọng.
Dù mới thành lập không lâu, nhưng việc xây dựng văn hóa luôn được Công ty TNHH MTV Sôcôla Kim My quan tâm. |
Dù mới thành lập không lâu, nhưng việc xây dựng văn hóa luôn được Công ty TNHH MTV Kim My (huyện Châu Thành) quan tâm. Theo đó, công ty đã xây dựng văn hóa riêng cho DN với phương châm không cứng nhắc bằng cách tạo ra một môi trường DN cởi mở. Cụ thể, trong cùng một vấn đề, mọi người sẽ cùng tham gia ý kiến để đưa ra quyết định cuối cùng. “Nhắc tới Sôcôla Kim My, ngoài hình ảnh “ông già Sôcôla”, còn là hình ảnh những người trẻ tự nguyện về đây làm việc, chung sức xây dựng thương hiệu “Sôcôla made in Việt Nam” để ngày càng có nhiều người biết đến” - Phó Giám đốc Công ty TNHH MTV Sôcôla Kim My Phạm Đình Ngãi chia sẻ.
Muốn xây dựng một DN văn hóa, trước hết phải có doanh nhân văn hóa. Tuy nhiên, việc xây dựng văn hóa DN và rèn luyện để trở thành một doanh nhân văn hóa không phải là chuyện “một sớm, một chiều”. Ngoài việc phải tự nghiên cứu, cần có sự đầu tư và hỗ trợ từ cơ quan nhà nước. Mong rằng trong một thời gian không xa, Tiền Giang sẽ có đội ngũ DN, doanh nhân văn hóa lớn mạnh. Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Trần Đỗ Liêm |
Còn theo Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất - Thương mại - Dịch vụ Hoan Vinh Ngô Tấn Thanh, ngay từ khi thành lập, công ty rất chú trọng đến việc xây dựng văn hóa DN. Cụ thể như xây dựng tác phong làm việc, phong cách ăn mặc, văn hóa giao tiếp cho người lao động… Công nhân phải biết sống và làm việc theo pháp luật, đặc biệt là phải “biết trên, biết dưới”. Một DN dù có phát triển đến mức độ nào đi nữa mà không có văn hóa thì sẽ không phát triển bền vững được. Văn hóa luôn hình thành song song với quá trình phát triển của DN.
Nói về văn hóa DN, Phó Giám đốc Công ty cổ phần Cảng Mỹ Tho Bùi Văn Việt cho rằng, mỗi DN cần phải có văn hóa riêng để khẳng định thương hiệu. Đối với Công ty cổ phần Cảng Mỹ Tho có cách xây dựng văn hóa theo đặc thù của công ty. Việc xây dựng văn hóa được hình thành từ thói quen của cán bộ, nhân viên. “Cụ thể, nếu 7 giờ công ty bắt đầu nhận hàng thì 6 giờ cán bộ, nhân viên đã tự giác có mặt ở công ty. Với đặc thù của công việc, cán bộ, nhân viên công ty phải tự giác về giờ giấc, hỗ trợ, đoàn kết với nhau trong công việc. Khi đang “làm hàng” mà gặp trời mưa, lãnh đạo công ty cũng phải chạy ra cầu cảng để phụ anh em. Đối với cán bộ, nhân viên khi đến tuổi nghỉ hưu, công ty sẽ giữ lại để tiếp tục làm việc, bố trí những công việc phù hợp đến khi nào tự họ cảm thấy không còn đảm đương công việc được nữa. Ngoài ra, công ty còn đào tạo đội ngũ kế thừa từ thế hệ con của những cán bộ, nhân viên ở công ty hiện tại” - ông Việt chia sẻ thêm.
HƯỚNG ĐẾN SỰ PHÁT TRIỂN BỀN VỮNG
Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Trần Đỗ Liêm cho rằng, dù Chính phủ đã phát động Cuộc vận động Xây dựng văn hóa DN Việt Nam, nhưng thật sự mà nói, tới thời điểm này cuộc vận động chưa đi vào sâu rộng, chưa có các hoạt động tích cực. Do đó, chúng ta cần triển khai các chính sách một cách đồng bộ, bài bản. |
Thực tế cho thấy, hiện nhiều DN trên địa bàn tỉnh đang hướng đến việc xây dựng văn hóa để tạo nên sự phát triển bền vững trong tương lai. Xây dựng văn hóa DN ở đây bao gồm nhiều yếu tố như: Giá trị, niềm tin... Dù cách xây dựng văn hóa của mỗi DN có thể khác nhau, nhưng chung quy lại DN đều muốn khẳng định giá trị và niềm tin với cộng đồng.
Ông Phạm Đình Ngãi cho biết, phương châm hoạt động của công ty là mọi người làm việc trên tinh thần xây dựng với nhau, cùng bàn bạc để tìm ra cách làm hiệu quả nhất. Để nhận được sự tin tưởng của khách hàng, công ty còn cho khách hàng vào tham quan nhà xưởng, trải nghiệm quy trình sản xuất sôcôla. Khi khách hàng tận mắt thấy được quy trình sản xuất thì họ sẽ càng tin tưởng vào sản phẩm của công ty nhiều hơn. Cho đến thời điểm này, người tiêu dùng phản hồi rất tốt về sản phẩm của công ty, thể hiện qua số lượng khách hàng ngày càng tăng.
Ông Bùi Văn Việt thì cho rằng, do đặc thù của ngành nên khi làm ăn với các đối tác, đặc biệt là các khách hàng nước ngoài thì sự trung thực là yếu tố đầu tiên. Khi làm việc với các đối tác nước ngoài, quan điểm của họ là không tham nhũng. Công ty đã ký cam kết với phía đối tác là không “làm hư” người của họ. Nhờ thực hiện được điều này mà công ty mới “làm ăn” lâu dài được với các đối tác nước ngoài.
Còn theo ông Ngô Tấn Thanh, công ty lúc nào cũng coi chất lượng là quan trọng, hàng hóa làm ra phải có chất lượng cao. Đặc biệt, công ty luôn coi việc phát triển sản xuất phải đi đôi với xây dựng văn hóa DN. Đó là yếu tố quan trọng quyết định đến sự phát triển bền vững của DN.
M. THÀNH