Thúc đẩy "mặt trận" nông nghiệp
Quan điểm chung của tỉnh, nhất là thông qua Hội nghị Xúc tiến đầu tư (XTĐT) tỉnh Tiền Giang năm 2018 là phải đảm bảo hài hòa trong thu hút đầu tư đối với từng lĩnh vực, vùng kinh tế, nhất là đối với lĩnh vực có nhiều lợi thế của tỉnh như nông nghiệp.
Nông nghiệp vẫn là lĩnh vực ưu tiên trong thu hút đầu tư. |
Tiền Giang luôn xem nông nghiệp là thế mạnh của tỉnh. Do vậy, trong quá trình phát triển, quan điểm chung của tỉnh là dứt khoát không bỏ nông nghiệp. Không những vậy mà những năm qua tỉnh còn tập trung đầu tư phát triển cho nông nghiệp.
Bởi thực tế cho thấy, đóng góp của ngành Nông nghiệp vào trong cơ cấu kinh tế của tỉnh còn chiếm tỷ trọng rất lớn và nguồn thu nhập cho đa số nông dân cũng từ nông nghiệp.
Chính từ yếu tố này, những năm qua Tiền Giang thực hiện mục tiêu công nghiệp hóa trong nông nghiệp, bắt đầu từ nông nghiệp sạch, thay đổi dần thói quen sản xuất từ các vùng chuyên canh của Tiền Giang như: Lúa cao sản, cây ăn trái… Đặc biệt, trong định hướng thu hút đầu tư thời gian tới, tỉnh vẫn ưu tiên dành đất để thu hút các khu công nghệ cao trong lĩnh vực nông nghiệp.
Chuyển động mạnh trong nông nghiệp Bên cạnh chú trọng thu hút đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp, thời gian qua ngành Nông nghiệp cũng đã chuyển động mạnh mẽ, nhất là sau 1 năm thực hiện Nghị quyết 10 của Tỉnh ủy về phát triển kinh tế - đô thị 3 vùng. Theo đó, ngành Nông nghiệp đã tập trung thực hiện các giải pháp tổ chức lại sản xuất, ứng dụng khoa học công nghệ, liên kết sản xuất - tiêu thụ trên các sản phẩm chủ lực như: Thanh long, vú sữa, rau... Chẳng hạn, ngành Nông nghiệp đã triển khai thực hiện: Đề án “Phát triển cây thanh long tỉnh Tiền Giang đến năm 2025”; thực hiện các giải pháp phục hồi và phát triển cây vú sữa Lò Rèn; phát triển vùng trồng rau theo tiêu chuẩn GAP; tổ chức lập và triển khai 2 Dự án: “Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ trứng gà ác trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2018 - 2020” và Dự án “Chuỗi liên kết sản xuất và tiêu thụ trứng chim cút trên địa bàn tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2018 - 2020; tổ chức triển khai thực hiện Quy hoạch Khu chăn nuôi tập trung với quy mô 200 ha tại xã Thạnh Hòa (huyện Tân Phước); tiếp tục hoàn chỉnh Dự án Chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ cây sầu riêng trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2025; lập Đề án Phát triển cây sầu riêng tỉnh Tiền Giang đến năm 2025; tiếp tục thực hiện Đề án “Cắt vụ, chuyển đổi mùa vụ và cơ cấu cây trồng các huyện phía Đông, tỉnh Tiền Giang đến năm 2025”… |
Đánh giá về lợi thế của ngành Nông nghiệp Tiền Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng nhấn mạnh, Tiền Giang nằm trong vùng sản xuất lương thực, thực phẩm lớn nhất cả nước, với điều kiện tự nhiên thích hợp cho các vùng sinh thái khác nhau trải dài từ Tiểu vùng Đồng Tháp Mười đến vùng biển phía Đông của tỉnh, rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp toàn diện, với cơ cấu cây trồng, vật nuôi phong phú, đa dạng như: Lúa, sầu riêng, thanh long, bưởi, xoài, thủy sản các loại, với sản lượng lớn như trái cây hơn 1,4 triệu tấn/năm, lớn nhất cả nước; rau màu khoảng 1 triệu tấn/năm; đàn gia cầm khoảng 13 triệu con. Vì vậy, chế biến nông sản hiện là ngành rất có tiềm năng để tiếp tục phát triển trên địa bàn tỉnh.
Chính vì vậy, lĩnh vực ưu tiên mời gọi đầu tư, tỉnh vẫn chú trọng vào nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, thương mại, dịch vụ, công nghiệp chế biến, công nghiệp phụ trợ và các mặt hàng nông sản thực phẩm, ưu tiên phát triển chuỗi cung ứng và tiêu thụ hàng hóa...
Quan điểm, chủ trương của tỉnh đối với lĩnh vực nông nghiệp cũng phần nào được cụ thể hóa thông qua Hội nghị XTĐT tỉnh Tiền Giang năm 2018 vừa qua. Bởi trong nhóm các dự án được tỉnh trao chủ trương nghiên cứu đầu tư có nhiều dự án liên quan đến lĩnh vực nông nghiệp. Cụ thể là Dự án Nhà máy chế biến trái cây, nhà đầu tư là Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Thanh Bình, đầu tư nhà máy chế biến các sản phẩm từ trái dừa, với công suất khoảng 400.000 trái dừa/ngày;
Dự án Trung tâm nghiên cứu giống và phát triển mô hình sản xuất nông nghiệp ứng dụng công nghệ tiên tiến Mê Kông, nhà đầu tư là Công ty TNHH Thương mại xây dựng An Na, với quy mô khoảng 20 ha; Dự án Xây dựng nhà máy chế biến nông sản, nhà đầu tư là Công ty TNHH Một thành viên Thiên Hộ, với quy mô khoảng 3 ha, vốn đầu tư khoảng 229 tỷ đồng hay Dự án Sản xuất, chế biến nông sản sạch, nhà đầu tư là Công ty TNHH Sản xuất chế biến nông sản Cát Tường, với vốn đầu tư khoảng 110 tỷ đồng…
Có thể nói, các dự án đầu tư và nghiên cứu đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh cũng đang dần được hiện thực hóa. Cam kết với lãnh đạo tỉnh sau Hội nghị XTĐT tỉnh Tiền Giang vừa qua, ông Lê Công Danh, Giám đốc Công ty TNHH Sản xuất thương mại dịch vụ Thanh Bình cho biết, dự án có tổng vốn đầu tư khoảng 450 tỷ đồng, với diện tích khoảng 5 ha tại xã Bình Ninh (huyện Chợ Gạo).
Hiện nay, công ty đã mua được 4 ha đất và đang tiến hành thỏa thuận để mua thêm phần diện tích đất còn lại của dự án. Còn đối với Dự án Nhà máy chế biến nông sản của Công ty TNHH Một thành viên Thiên Hộ, chủ đầu tư cũng cam kết thực hiện các bước: Khảo sát thực tế, thu thập thông tin dự án; lập báo cáo đề xuất dự án và hoàn thiện hồ sơ dự án đầu tư vào tháng 11-2018…
Dù thời gian qua vốn đầu tư vào lĩnh vực nông nghiệp trên địa bàn tỉnh nói riêng và cả nước nói chung còn chiếm tỷ trọng thấp, nhưng với chủ trương, chính sách ưu đãi và quyết tâm của lãnh đạo tỉnh, ngành Nông nghiệp Tiền Giang được kỳ vọng sẽ có những chuyển biến tích cực, khai thác đúng tiềm năng và lợi thế hiện có của tỉnh.
A.P