Vì sao hộ kinh doanh ngại lên doanh nghiệp?
Dù số lượng doanh nghiệp (DN) trên địa bàn tỉnh đang phát triển khá mạnh, nhưng số DN “đi lên” từ hộ kinh doanh (HKD) vẫn còn rất hạn chế.
“NGẠI” CHUYỂN ĐỔI
Theo Giám đốc Sở Kế hoạch và Đầu tư (KH&ĐT) Trần Văn Dũng, trong 7 tháng đầu năm 2018 toàn tỉnh có 443 DN thành lập mới, tăng 16,2% số DN và 83,9% về vốn kinh doanh; có 2.657 HKD đăng ký thành lập mới so với cùng kỳ năm 2017. Như vậy, tính đến cuối tháng 7, toàn tỉnh có 4.863 DN và hơn 62 ngàn HKD đang hoạt động.
Tiền Giang luôn đồng hành và hỗ trợ DN phát triển. |
Cũng theo Giám đốc Sở KH&ĐT, dù “nhịp độ” phát triển DN của tỉnh rất tích cực, với trung bình mỗi tháng có 65 - 70 DN được thành lập mới, nhưng các HKD phát triển lên DN chưa nhiều. Dù Sở KH&ĐT đã tổ chức tập huấn cho các HKD về chính sách, cơ chế để phát triển thành DN, nhưng chưa có nhiều chuyển biến.
Còn theo Cục Thuế tỉnh, trong năm 2017 có 35 HKD chuyển sang mô hình DN, đạt 10% so với kế hoạch. Trong 6 tháng đầu năm 2018, toàn tỉnh có 35 HKD chuyển đổi lên DN, tập trung ở TP. Mỹ Tho, huyện Châu Thành, huyện Cái Bè. Như vậy, nếu so với số lượng DN thành lập mới thì số HKD chuyển đổi lên DN vẫn còn rất hạn chế.
Trước việc phát triển DN từ HKD còn hạn chế, Giám đốc Sở KH&ĐT Trần Văn Dũng đề nghị các ngành chức năng, đặc biệt là Sở Công thương, Sở Tài chính và ngành Thuế cùng tác động các Phòng Tài chính - Kế hoạch ở các địa phương vận động HKD chuyển đổi lên thành DN. Bắt đầu từ tháng 7, Sở KH&ĐT có chương trình giám sát việc vận động HKD chuyển đổi thành DN, đặc biệt là ở TP. Mỹ Tho. Các địa phương cần hết sức quan tâm vấn đề này, lực lượng này cho việc phát triển DN trong thời gian tới. |
Thực tế cho thấy, việc vận động các HKD chuyển đổi thành DN được xem là con đường ngắn nhất trong phát triển DN. Do đó, đây được xem là nhiệm vụ quan trọng của các địa phương. Tuy nhiên, dù rất tích cực vận động, tuyên truyền đến các HKD, nhưng việc làm này chưa mang lại kết quả như mong muốn. Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây Lê Văn Nê cho biết, thời gian qua huyện đã tập trung tuyên truyền, vận động các HKD chuyển lên DN. Song, cũng như nhiều địa phương khác, số HKD phát triển lên thành DN trên địa bàn huyện cũng còn rất hạn chế.
Thực tế qua tiếp xúc, một số HKD cho biết, sở dĩ họ “ngại” lên DN là do khi chuyển đổi lên DN sẽ khiến bộ máy “phình to”, mức thuế nộp có thể cao hơn. Trong khi đó, hiệu quả khi mở rộng quy mô làm ăn chưa biết sẽ như thế nào?
VÌ ĐÂU?
Theo Cục Thuế tỉnh, phát triển DN từ HKD là chủ trương đúng đắn, nhưng vấn đề là làm sao để HKD cảm thấy nếu trở thành DN sẽ được lợi hơn so với khi là HKD. Trước mắt, HKD nhận thấy một số khó khăn, trở ngại khi phát triển lên DN như: “Ngại” thủ tục hành chính, chi phí (thuê kế toán, thuê lao động, chi phí hành chính khác khi thành lập DN, nhất là các DN kinh doanh có điều kiện)…
Cũng theo Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây Lê Văn Nê, HKD cũng có nhu cầu làm ăn lớn nhưng kỹ năng quản lý không có. Bên cạnh đó, khi còn là HKD, tới tháng họ chỉ nộp thuế một lần, không phải lo gì cả. Khi phát triển lên DN thì họ phải có sổ sách, thuê kế toán… và nhiều vấn đề liên quan như quy định thanh, kiểm tra DN. Ngoài ra, các HKD còn có tâm lý “sợ” thuế khi lên DN.
Để đẩy mạnh phát triển DN từ HKD, địa phương đã phân công mỗi thành viên của Chi hội Doanh nghiệp huyện phải vận động được 1 HKD chuyển lên DN. Bên cạnh đó, địa phương sẽ tiếp tục vận động, tuyên truyền cho người dân hiểu rõ về lợi ích khi lên DN như: Tiếp cận nguồn vốn, chính sách pháp luật về kinh doanh để liên kết trong sản xuất, kinh doanh, tiêu thụ hàng hóa. Phó Chủ tịch UBND huyện Gò Công Tây LÊ VĂN NÊ |
Còn theo Phó Chủ tịch Hiệp hội DN tỉnh Trần Đỗ Liêm, có 2 nguyên nhân dẫn đến HKD “ngại” lên DN là quy mô chưa đủ lớn và tâm lý chưa muốn lên DN. “Hiện có những chính sách “cứng” áp dụng đối với DN nên nhiều HKD “ngại” lớn. Nhà nước cần có sự thay đổi về chính sách, không thể đánh đồng giữa 1 DN nhỏ với 1 DN lớn, mà phải có chính sách khác nhau cho từng loại DN mới có thể thúc đẩy phát triển DN” - ông Trần Đỗ Liêm nhấn mạnh.
Theo Cục Thuế tỉnh, Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ có hiệu lực thi hành từ ngày 1-1-2018 khuyến khích hỗ trợ chuyển đổi, chi phí chuyển đổi DN. Thế nhưng, đó chỉ mới là tác động vào phần thủ tục, chưa phải là tác động đáng kể. Do đó, thời gian tới ngành Thuế sẽ thường xuyên tuyên truyền, vận động HKD có đủ điều kiện chuyển sang mô hình DN. Cơ quan Thuế không dùng mệnh lệnh hành chính, mà thay vào đó là khuyến khích, động viên bằng các chính sách phù hợp, tạo thuận lợi về môi trường kinh doanh phù hợp với quy mô kinh doanh và tính chất kinh doanh. Từ đó, HKD thấy có lợi ích sẽ tự giác chuyển sang mô hình DN.
M. THÀNH