.
10 NĂM THỰC HIỆN CHIẾN LƯỢC BIỂN VIỆT NAM:

Tiền Giang đạt nhiều kết quả quan trọng

Cập nhật: 11:26, 01/10/2018 (GMT+7)

Sau 10 năm thực hiện Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, bên cạnh công tác chỉ đạo, điều hành; thể chế hóa mục tiêu, định hướng chiến lược cũng như tuyên truyền, phổ biến, Tiền Giang đã đạt được nhiều kết quả quan trọng thông qua phát triển kinh tế biển, ven biển; đào tạo, phát triển nguồn nhân lực biển…

Tổng kết 10 năm thực hiện Nghị quyết Trung ương 4 khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020 cũng là một trong những nội dung quan trọng được đề cập trong Hội nghị lần thứ 8 Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XII chuẩn bị diễn ra.

Các dự án công nghiệp bắt đầu hình thành  ở khu vực phía Đông.
Các dự án công nghiệp bắt đầu hình thành ở khu vực phía Đông.

1. Thực hiện Nghị quyết 09 ngày 9-2-2007 tại Hội nghị lần thứ tư Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, ngày 17-5-2007 Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh khóa VIII đã ban hành Chương trình hành động 08 để tổ chức thực hiện; đồng thời, UBND tỉnh ban hành Quyết định 32 kèm theo Kế hoạch hành động thực hiện Chương trình hành động 08 của Tỉnh ủy và Nghị quyết 27 của Chính phủ về Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020. Kết quả rõ nét nhất của Tiền Giang sau 10 năm thực hiện Chiến lược biển Việt Nam là thông qua phát triển kinh tế biển, ven biển trên các lĩnh vực, ngành nghề và cả việc đầu tư hạ tầng cho khu vực ven biển.

Chú trọng công tác thông tin, tuyên truyền

Công tác tuyên truyền, giáo dục và phổ biến thông tin về biển, đảo cũng được chú trọng. Theo đó, các sở, ngành, địa phương như: Tài nguyên và Môi trường, Giáo dục và Đào tạo, Tư pháp, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Khoa học và Công nghệ, Thông tin và Truyền thông, Bộ đội Biên phòng tỉnh, Công an tỉnh, UBND huyện Gò Công Đông và huyện Tân Phú Đông đã tổ chức hơn 100 lớp tập huấn, tuyên truyền, phổ biến pháp luật về: Luật Biển Việt Nam, Công ước của Liên Hợp quốc về Luật Biển năm 1982, Chiến lược biển Việt Nam đến năm 2020, Luật Biên giới quốc gia, Pháp lệnh Bộ đội Biên phòng, Nghị định 161 ngày 18-12-2003 của Chính phủ về quy chế biên giới biển, Luật Biển Việt Nam, Tuyên bố về cách ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC)..., với hơn 12.000 lượt người tham dự; phát hành 100 quyển sách “Dấu ấn Việt Nam trên Biển Đông”, 5.000 tờ bướm tuyên truyền về biển, đảo Việt Nam; 120 quyển sách song ngữ Anh - Việt Chủ quyền Việt Nam đối với 2 quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa...

Mặc dù chưa đạt được như mong đợi, nhưng kết quả phát triển kinh tế biển trong thời gian qua cũng mang lại nhiều dấu hiệu khả quan.

Một trong những điểm nhấn đầu tiên là khu vực ven biển của tỉnh đã được quan tâm của nhiều nhà đầu tư. Điểm nhấn đầu tiên là ngày 17-4-2014, UBND tỉnh đã cấp Giấy chứng nhận đầu tư Dự án công trình Kho cảng Tiền Giang của Công ty TNHH Một thành viên Dầu khí TP. Hồ Chí Minh (Sài Gòn Petro) tại xã Gia Thuận, huyện Gò Công Đông.

Mục tiêu của dự án là đầu tư kho xăng dầu, kho LPG và bến cảng chuyên dụng, với diện tích đất dự kiến sử dụng 65 ha, tổng mức đầu tư 1.487 tỷ đồng.

Tiếp đó là Công ty cổ phần Cảng quốc tế Nam Sài Gòn quan tâm đến Dự án Đầu tư xây dựng Cảng quốc tế Nam Sài Gòn tại xã Tân Phước, huyện Gò Công Đông hay Dự án Đầu tư Cảng biển tổng hợp và Khu dịch vụ hậu cần cảng, với quy mô khoảng 325 ha...

Gần đây, nhiều nhà đầu tư cũng quan tâm đến khu vực phía Đông của tỉnh nhờ hệ thống hạ tầng được đầu tư, xây dựng đồng bộ và mang tính kết nối cao.

Chưa kể, thời gian qua, tỉnh cùng với địa phương đã tập trung đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng khu vực ven biển. Theo đó, tỉnh, địa phương đã xây dựng đồng bộ hệ thống cung cấp điện, hệ thống giao thông và thủy lợi cung cấp nước ngọt đảm bảo quá trình phát triển kinh tế biển và phục vụ sinh hoạt của dân cư ven biển như: Xây dựng đường tỉnh 871B kết nối Quốc lộ 50 với Khu công nghiệp Dịch vụ dầu khí Soài Rạp; đầu tư nâng cấp đê biển Gò Công, thi công công trình kè đê biển chống sạt lở, bê tông hóa mặt đê; khu neo đậu tránh trú bão cho tàu cá khu vực Đèn Đỏ thuộc xã Tân Thành (huyện Gò Công Đông); Dự án “Chống xói lở, gây bồi và trồng cây chắn sóng bảo vệ đê biển Gò Công” huyện Gò Công Đông; khu neo đậu, tránh trú bão cho tàu cá Soài Rạp kết hợp xây dựng Cảng cá Vàm Láng; xây dựng hạ tầng kỹ thuật về bưu chính, viễn thông và công nghệ thông tin hiện đại, đảm bảo thông tin liên lạc, đáp ứng nhu cầu phát triển kinh tế - xã hội, an ninh - quốc phòng, phòng, chống thiên tai và công tác tìm kiếm cứu nạn trên biển.

Trong định hướng chiến lược các vùng biển, thời gian qua tỉnh đã và đang tập trung mời gọi đầu tư và triển khai các dự án đã đầu tư bằng nguồn vốn của nhà đầu tư đối với 8 dự án trọng điểm của các huyện ven biển, gồm: Dự án Hệ thống tuyến ống cấp nước phục vụ cho TX. Gò Công và huyện Gò Công Đông, Dự án Khu công nghiệp Dịch vụ dầu khí Soài Rạp, Dự án Đầu tư công trình kho cảng Tiền Giang, Tổng kho dầu khí Soài Rạp - Nam Việt, 2 cụm công nghiệp tại huyện Gò Công Đông, Dự án Sản xuất giống và nuôi trồng thủy sản, hệ thống tuyến ống cấp nước phục vụ cho huyện Tân Phú Đông, Dự án Khu du lịch sinh thái Cồn Ngang...

Bên cạnh đó, về đầu tư, phát triển các khu, cụm công nghiệp của vùng ven biển cũng được tỉnh chú trọng. Theo đó, Khu công nghiệp Dịch vụ dầu khí Soài Rạp đã được phê duyệt, đang kêu gọi đầu tư, với diện tích 285 ha, hiện có 1 doanh nghiệp đang hoạt động là Công ty cổ phần Sản xuất ống thép dầu khí Việt Nam, với công suất 100.000 tấn/năm, diện tích sử dụng 22,9 ha; Khu công nghiệp Bình Đông (TX. Gò Công), với diện tích 212 ha, hiện đang mời gọi nhà đầu tư mới có năng lực; Cụm công nghiệp Gia Thuận 1 (huyện Gò Công Đông), với diện tích 50 ha.

Ngoài ra, tỉnh định hướng thành lập và thu hút đầu tư phát triển Cụm công nghiệp Long Bình (huyện Gò Công Tây), với diện tích 20 ha; Cụm công nghiệp Mỹ Lợi (TX. Gò Công), với diện tích 50 ha.

2. Bên cạnh phát triển kinh tế, bảo vệ môi trường biển và ven biển, phòng, chống thiên tai cũng là nhiệm vụ được đặt lên hàng đầu. Để bảo vệ môi trường khu vực ven biển, ngày 11-5-2016 UBND tỉnh đã ban hành Công văn 2022 chỉ đạo tăng cường công tác bảo vệ môi trường khu vực ven biển; Quyết định 2309 ngày 27-9-2013 phê duyệt Quy hoạch hệ thống quan trắc môi trường trên địa bàn tỉnh Tiền Giang, giai đoạn 2010 - 2020.

Dù vậy trong quá trình phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh, đặc biệt là sự phát triển ngành nghề sơ chế và chế biến thủy, hải sản của thị trấn Vàm Láng đã phát thải ra môi trường hàng loạt các vấn đề về ô nhiễm môi trường biển do nước thải, khí thải, chất thải rắn, chất thải nguy hại…

Nhận thấy tầm quan trọng của vấn đề bảo vệ môi trường biển, tỉnh đã xây dựng Đề án “Cải tạo vệ sinh môi trường thị trấn Vàm Láng, huyện Gò Công Đông” nhằm điều tra, khảo sát và đánh giá hiện trạng môi trường và xác định nguồn gây ô nhiễm môi trường trên địa bàn thị trấn Vàm Láng; nâng cao nhận thức về bảo vệ môi trường và tính sẵn sàng tham gia thực hiện công tác bảo vệ môi trường theo quy định pháp luật của cộng đồng cư dân; giảm thiểu tác động của các nguồn thải gây ô nhiễm.

Trên cơ sở đó, tỉnh, địa phương cũng triển khai xây dựng các chương trình hành động để giải quyết các vấn đề môi trường hiện hữu cho hiện tại và tương lai theo định hướng phát triển bền vững. Đến nay, đề án đã được UBND tỉnh phê duyệt tại Quyết định 3585 ngày 29-11-2016 và giao Sở Tài nguyên và Môi trường chủ trì, phối hợp các sở, ngành liên quan và địa phương triển khai thực hiện.

Song song đó, nhiệm vụ xây dựng Kế hoạch ứng phó sự cố tràn dầu được Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn phê duyệt tại Quyết định 176 ngày 29-5-2015 cũng được triển khai thực hiện, với mục tiêu nhằm đảm bảo sẵn sàng và ứng phó kịp thời, phối hợp hiệu quả mọi trường hợp xảy ra sự cố tràn dầu để giảm tới mức thấp nhất thiệt hại đối với môi trường (chủ yếu là môi trường biển), kinh tế - xã hội và đời sống của nhân dân trong tỉnh; tích hợp các thông tin về đường bờ nhằm phục vụ cho việc nhận diện các khu vực có nguy cơ bị ô nhiễm cao, những khu vực nhạy cảm cần được ưu tiên bảo vệ và cung cấp thông tin để phục vụ hiệu quả công tác ngăn ngừa và ứng phó sự cố tràn dầu...

NHÓM PVKT

.
.
.