Những trường hợp nào được cấp miễn phí hóa đơn điện tử?
Việc ban hành Nghị định 119 và thực hiện hóa đơn điện tử trên phạm vi toàn quốc không chỉ nhằm thực hiện mục tiêu cải cách hành chính mà còn góp phần quản lý hoạt động kinh tế phi chính thức.
Nghị định số 119/2018/NĐ-CP có hiệu lực thi hành từ ngày 01/11/2018, nhưng việc tổ chức thực hiện hóa đơn điện tử đối với các doanh nghiệp, các tổ chức, hộ, cá nhân kinh doanh chậm nhất là ngày 01/11/2020. |
Theo bà Nguyễn Thị Thu Hà – Trưởng phòng Thuế GTGT, Vụ Chính sách Tổng cục Thuế, áp dụng hóa đơn điện tử khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ xuất phát từ yêu cầu của cải cách hành chính, cải cách thủ tục quản lý thuế, trong đó có thủ tục về quản lý, sử dụng hoá đơn, hướng tới hoạt động quản lý hoá đơn thống nhất, dễ thực hiện hơn; đồng thời, tạo cơ sở pháp lý để nâng cao hiệu quả, hiệu lực công tác quản lý hoá đơn để phòng, chống việc sử dụng hoá đơn bất hợp pháp hoặc sử dụng bất hợp pháp hoá đơn để gian lận, trốn thuế, khấu trừ, hoàn khống thuế giá trị gia tăng hoặc rút tiền thanh toán từ ngân sách nhà nước.
Bà Hà cho biết, Nghị định số 119/2018/NĐ-CP quy định rõ về đối tượng sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế miễn phí. Theo đó, đối tượng áp dụng là các tổ chức, doanh nghiệp, cá nhân bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ; tổ chức, cá nhân mua hàng hóa, dịch vụ; tổ chức cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử; cơ quan quản lý thuế các cấp và các tổ chức, cá nhân có liên quan đến việc quản lý, sử dụng hóa đơn.
Theo bà Hà, hộ kinh doanh có doanh thu từ 3 tỷ đồng/năm phải dùng hóa đơn điện tử. Nghị định số 119 quy định hộ, cá nhân kinh doanh thực hiện sổ sách kế toán, sử dụng thường xuyên từ 10 lao động trở lên và có doanh thu năm trước liền kề từ 03 (ba) tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, công nghiệp, xây dựng hoặc có doanh thu năm trước liền kề từ 10 (mười) tỷ đồng trở lên trong lĩnh vực thương mại, dịch vụ phải sử dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế khi bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ, không phân biệt giá trị từng lần bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ.
Hộ, cá nhân kinh doanh trong lĩnh vực nhà hàng, khách sạn, bán lẻ thuốc tân dược, bán lẻ hàng tiêu dùng, cung cấp dịch vụ trực tiếp đến người tiêu dùng tại một số địa bàn có điều kiện thuận lợi thì triển khai thí điểm hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế được khởi tạo từ máy tính tiền có kết nối chuyển dữ liệu điện tử với cơ quan thuế từ năm 2018…“Các hộ, cá nhân kinh doanh không thuộc diện bắt buộc nhưng có thực hiện sổ sách kế toán, có yêu cầu thì cũng được áp dụng hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế theo quy định.” – bà Hà cho biết.
Nghị định 119 cũng quy định 5 trường hợp được cung cấp dịch vụ hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế không thu tiền. Cụ thể gồm: Doanh nghiệp nhỏ và vừa, hợp tác xã, hộ, cá nhân kinh doanh tại địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội khó khăn, địa bàn có điều kiện kinh tế xã hội đặc biệt khó khăn; Doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo theo quy định pháp luật và hộ, cá nhân kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp trong thời gian 12 tháng kể từ khi thành lập doanh nghiệp; Hộ, cá nhân kinh doanh; Doanh nghiệp nhỏ và vừa khác theo đề nghị của UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương và quy định của Bộ Tài chính trừ doanh nghiệp hoạt động tại các khu kinh tế, khu công nghiệp, khu công nghệ cao…
“Với các trường hợp này, Tổng cục Thuế trực tiếp cung cấp dịch vụ hoặc ủy thác cho tổ chức cung cấp dịch vụ về hóa đơn điện tử thực hiện cung cấp hóa đơn điện tử có mã của cơ quan thuế miễn phí.” – bà Hà khẳng định.
(Theo enternews.vn)