.

Tận dụng lợi thế xuất khẩu

Cập nhật: 10:55, 24/10/2018 (GMT+7)

Mặc dù đã có nhiều thông tin lạc quan về tình hình xuất khẩu của nhóm ngành nông nghiệp mang lại trong thời gian gần đây nhưng dường như vẫn chưa bền vững và cần có bước đi mới.

Theo đánh giá chung, những mặt hàng nông nghiệp, nhất là thủy sản xuất khẩu trong năm 2018 có mức tăng trưởng tốt, tăng ở mức dao động từ 20% - 30% đối với hầu hết các sản phẩm. Ngành Thủy sản hiện có 2 mặt hàng chủ lực là tôm và cá tra có mức tăng trưởng tốt.

Riêng đối với cá tra, mức tăng trưởng xuất khẩu gần đây rất ấn tượng, đạt bình quân từ 20% - 25%. Bởi thông thường tăng trưởng của nhóm hàng này trong các năm trước chỉ vào khoảng 8% - 10%, năm đạt cao cũng chỉ từ 12% - 15%.

Thủy sản xuất khẩu trong năm 2018 có mức tăng trưởng tốt.                                                                                                                                                                                                      Ảnh: T.THIỆN
Thủy sản xuất khẩu trong năm 2018 có mức tăng trưởng tốt. Ảnh: T.THIỆN

Theo phân tích của các doanh nghiệp xuất khẩu, có nhiều yếu tố tác động đến sự tăng trưởng của nhóm ngành Thủy sản. Đặc biệt là sản phẩm cá tra của Việt Nam đã mở rộng ở thị trường Trung Quốc, với sức mua hiện tại rất tốt, chưa kể các thị trường tiêu thụ khác cũng có những điểm sáng.

Với đà tăng trưởng như hiện nay, dự báo từ nay đến cuối năm 2018 và khả năng là vào năm 2019, ngành Thủy sản xuất khẩu vẫn tiếp tục tăng tốc.

Chưa kể yếu tố khách quan khác là cuộc chiến thương mại giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc đang diễn ra sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho ngành Thủy sản Việt Nam gia tăng xuất khẩu vào 2 thị trường tiêu thụ lớn này.

Phân tích thêm về sự tăng trưởng của ngành Thủy sản, Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Gò Đàng Nguyễn Văn Đạo cho rằng, riêng đối với cá tra xuất khẩu, trong 9 tháng năm 2018, Trung Quốc đã vượt qua thị trường Hoa Kỳ, chiếm thị phần khoảng 28% trong khi Hoa Kỳ chỉ chiếm 23% - 25%; còn châu Âu chỉ chiếm khoảng 10% - 13%. 

Thực tế cho thấy, cán cân thương mại trong xuất khẩu thủy sản của Việt Nam có sự thay đổi nhanh. Trước đây, thị trường châu Âu chiếm tỷ trọng lớn nhất, Hoa Kỳ đứng thứ 2 và các thị trường còn lại. Tiếp đó, thị trường Hoa Kỳ chiếm vị trí đứng đầu, sau đó là châu Âu.

Tuy nhiên, trong 2 năm gần đây, Trung Quốc dẫn đầu đối với ngành hàng xuất khẩu cá tra của Việt Nam.

“Theo dự báo, Trung Quốc vẫn là thị trường mang tính dẫn dắt của ngành hàng thủy sản  Việt Nam nói chung và cá tra xuất khẩu nói riêng do nhờ vào nhiều yếu tố như: Thuận lợi về vận chuyển hàng hóa, dân số đông, chưa kể sản phẩm thủy sản của Việt Nam có chất lượng tốt nhưng giá bán phù hợp với sức mua của người dân ở thị trường này… Vấn đề cốt lõi là các doanh nghiệp xuất khẩu thủy sản có tận dụng được lợi thế này hay không?”- ông Nguyễn Văn Đạo nhận định.

Cùng với xu hướng tăng của ngành Thủy sản, gạo xuất khẩu cũng có bước tăng trưởng đáng kể trong thời gian qua.

Tại Hội nghị “Đánh giá năng lực và thúc đẩy công nghiệp chế biến nông - lâm - thủy sản và cơ giới hóa nông nghiệp phục vụ cơ cấu lại ngành Nông nghiệp khu vực phía Nam” do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp với UBND tỉnh tổ chức gần đây, Giám đốc Công ty TNHH Trung An (chuyên kinh doanh xuất khẩu gạo) Phạm Thái Bình cho biết, nhờ những mô hình liên kết xây dựng vùng nguyên liệu đã giúp cho chất lượng hàng hóa gạo của Việt Nam thay đổi đáng kể. Nhiều loại giống đáp ứng được yêu cầu của người tiêu dùng trong nước và trên thế giới.

Đặc biệt, trong 3 năm gần đây, ngành hàng lúa gạo có sự chuyển hướng rất mạnh, nhất là chất lượng thay đổi, giá trị hạt gạo cũng đã bắt đầu nâng lên.

Theo ông Phạm Thái Bình, trong những năm gần đây, mỗi năm công ty xuất khẩu trực tiếp bình quân đạt khoảng 130 ngàn tấn gạo. Dự kiến trong năm 2018, công ty đạt giá trị xuất khẩu gạo từ 80 - 100 triệu USD. Tuy nhiên, có thực tế là nhu cầu gạo xuất khẩu trực tiếp của công ty tương đối lớn nhưng vùng nguyên liệu thực hiện liên kết chỉ đáp ứng khoảng 30%.

“Chúng ta đang cần chiến lược xuất khẩu gạo một cách căn cơ hơn, bởi sự tăng trưởng của xuất khẩu gạo thời gian gần đây cũng chưa mang tính bền vững. Do vậy, ngành Nông nghiệp cần xây dựng lực lượng nòng cốt để thực hiện đầu tư các cánh đồng liên kết, nhằm tạo ra nguồn nguyên liệu lớn, chủ động cho sản xuất và xuất khẩu, góp phần nâng cao giá trị hạt gạo Việt Nam” - ông Phạm Thái Bình phân tích.

A.P

.
.
.