.

Tiền Giang: "Kịch bản" tăng trưởng gắn với liên kết vùng

Cập nhật: 15:37, 29/10/2018 (GMT+7)

Trước mắt, Tiền Giang chọn 5 đề án nghiên cứu khoa học để thực hiện liên kết vùng, tiểu vùng, thể hiện quyết tâm của tỉnh trong việc tiếp cận, khai thác lợi thế, tiềm năng của mỗi địa phương.

Các đề án nghiên cứu tập trung vào: Xây dựng kịch bản tăng trưởng của tỉnh gắn với vùng, tiểu vùng; xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thực phẩm; cơ chế, chính sách tạo vốn đầu tư hạ tầng giao thông; liên kết phát triển du lịch và liên kết phát triển đô thị nhằm mục tiêu hướng đến Vùng Kinh tế trọng điểm (KTTĐ) phía Nam, Tiểu vùng Đồng Tháp Mười (ĐTM) và Tiểu vùng Duyên hải phía Đông Đồng bằng sông Cửu Long (ĐBSCL).

Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản là hướng đi phù hợp cho Tiểu vùng Đồng Tháp Mười. 	                                                                                                                                                                                                     Ảnh: P.A
Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản là hướng đi phù hợp cho Tiểu vùng Đồng Tháp Mười. Ảnh: P.A

Thực tế cho thấy, việc xây dựng kịch bản tăng trưởng của Tiền Giang gắn với vùng, tiểu vùng theo Nghị quyết 120 của Chính phủ về phát triển bền vững vùng ĐBSCL thích ứng với biến bổi khí hậu là điều cần thiết và mang tính cấp bách.

Bởi trên cơ sở thực tế đang diễn ra hiện nay và xác định bước đi cho ĐBSCL trong thời gian tới, ngày 17-11-2017 Chính phủ ban hành Nghị quyết 120 với quan điểm chung là nhằm kiến tạo phát triển bền vững, thịnh vượng, trên cơ sở chủ động thích ứng, phát huy tiềm năng, thế mạnh, chuyển hóa những thách thức thành cơ hội để phát triển, bảo đảm được cuộc sống ổn định, khá giả của người dân, cũng như bảo tồn được những giá trị văn hóa truyền thống đặc sắc của ĐBSCL.

Đồng thời, Nghị quyết 120 cũng đề cập việc thay đổi tư duy phát triển, chuyển từ tư duy sản xuất nông nghiệp thuần túy, chủ yếu là sản xuất lúa sang tư duy phát triển kinh tế nông nghiệp đa dạng, đáp ứng nhu cầu của thị trường, chuyển từ phát triển theo số lượng sang chất lượng; đồng thời, triển khai xây dựng nông thôn mới gắn với phát triển mạnh mẽ nông nghiệp ứng dụng công nghệ cao, nông nghiệp hữu cơ và nông nghiệp sạch gắn với chuỗi giá trị và xây dựng thương hiệu...

Chính ý nghĩa và tầm quan trọng như thế, việc xây dựng kịch bản tăng trưởng của Tiền Giang trong thời điểm hiện tại và cho chặng đường tương lai là điều mang lại nhiều ý nghĩa thiết thực không chỉ đối với tỉnh, mà còn gắn chặt với toàn vùng, cũng như các tiểu vùng kinh tế mà Tiền Giang là thành viên.

Thực hiện Quyết định 941 ngày 25-6-2015 của Thủ tướng Chính phủ về việc thành lập Tổ chức điều phối phát triển các Vùng KTTĐ giai đoạn 2015 - 2020, UBND tỉnh đã ban hành Quyết định 2585 ngày 30-9-2015 về việc thành lập Tổ điều phối phát triển Vùng KTTĐ phía Nam của tỉnh Tiền Giang giai đoạn 2015 - 2020.

Trên cơ sở đó, tỉnh đã phối hợp chặt chẽ với TP. Hồ Chí Minh (Chủ tịch Hội đồng Vùng KTTĐ phía Nam nhiệm kỳ 2015 - 2016 và tiếp tục cho giai đoạn 2017 - 2020), các tỉnh trong vùng xây dựng và triển khai Nghị quyết về những nhiệm vụ trọng tâm Hội đồng vùng nhiệm kỳ 2015 - 2016 và nhiệm kỳ 2016 - 2018, xây dựng các Đề án cho Vùng KTTĐ phía Nam...

Đồng thời, để tăng cường liên kết phát triển với các tỉnh, thành trong vùng, nhất là với TP. Hồ Chí Minh, UBND tỉnh Tiền Giang đã ký thỏa thuận hợp tác với UBND TP. Hồ Chí Minh về hợp tác phát triển kinh tế - xã hội trên 14 lĩnh vực (thu hút đầu tư, nông nghiệp và phát triển nông thôn, công nghiệp, thương mại, du lịch, thông tin và truyền thông, giao thông, xây dựng, khoa học và công nghệ, y tế, giáo dục - đào tạo, lao động và việc làm, tài nguyên và môi trường, đối ngoại); ký kết thỏa thuận hợp tác với Trường Đại học Kinh tế TP. Hồ Chí Minh trên các lĩnh vực như: Đào tạo và phát triển nguồn nhân lực, nghiên cứu phát triển, tư vấn chính sách, phản biện chính sách và các hoạt động hợp tác khác.

Ngoài ra, tỉnh đang nghiên cứu triển khai một số đề án của tỉnh để thực hiện liên kết với các tỉnh, thành trong Vùng KTTĐ phía Nam, Tiểu vùng ĐTM và Tiểu vùng Duyên hải phía Đông ĐBSCL...
 

Việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản thực phẩm của Tiền Giang, cùng với các tỉnh trong vùng và tiểu vùng cũng là vấn đề cấp bách đang được đặt ra, bởi nó gắn chặt với tình hình sản xuất nông nghiệp vốn là lợi thế của toàn vùng.

Chẳng hạn, đối với Tiểu vùng ĐTM, từ bức tranh chung và định hướng phát triển trong thời gian tới, các chuyên gia cho rằng, Tiểu vùng ĐTM cần hướng đến đa dạng hóa sản phẩm đặc trưng dựa trên lợi thế so sánh của vùng, thông qua đa dạng hóa các sản phẩm trồng trọt để giảm phụ thuộc vào cây lúa.

Phân tích của các chuyên gia cũng cho thấy, định hướng phát triển nông nghiệp của Tiểu vùng ĐTM cần hướng đến phát triển công nghiệp - dịch vụ nông nghiệp, tạo ra sản phẩm chế biến cho đa dạng phân khúc thị trường để tăng giá trị gia tăng thêm hơn là chỉ khâu sản xuất.

Các mặt hàng nông sản chủ lực và tiềm năng đặc trưng của ĐTM cần được chú trọng là gạo, xoài, khóm, cá tra, cá đồng, sen, khoai mỡ… và các mặt hàng chế biến chính phẩm và phụ phẩm; đồng thời, cần ứng dụng công nghệ cao và kỹ thuật thông minh để giúp giảm giá thành và quản lý hiệu quả.

Bên cạnh đó, phát triển nông nghiệp của Tiểu vùng ĐTM trong thời gian tới cần chú trọng yếu tố chất lượng, sinh thái, môi trường gắn với du lịch sinh thái và dịch vụ nông nghiệp. Từ đó, việc xây dựng chuỗi liên kết sản xuất - tiêu thụ nông sản trong vùng, các tiểu vùng cũng dựa trên nền tảng này.

Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản là hướng đi phù hợp cho Tiểu vùng ĐTM.
Xây dựng chuỗi liên kết sản xuất tiêu thụ nông sản là hướng đi phù hợp cho Tiểu vùng ĐTM.

Hội nghị Xúc tiến đầu tư - tiêu thụ, phát triển nông nghiệp, nông thôn Tiểu vùng ĐTM diễn ra tại tỉnh Long An gần đây cũng không nằm ngoài mục tiêu khai thác tối ưu lợi thế so sánh của Tiểu vùng ĐTM liên quan đến lợi thế về sinh thái, vị trí địa lý và không gian kinh tế mở, lợi thế về lịch sử - văn hóa; đặc biệt là lợi thế về thể chế liên kết hợp tác phát triển bền vững của vùng. Dựa trên lợi thế này, 3 tỉnh Long An, Tiền Giang và Đồng Tháp cũng đã ký kết thỏa thuận hợp tác phát triển bền vững Tiểu vùng ĐTM.

Hiện tại, Đề án Liên kết phát triển bền vững Tiểu vùng ĐTM giai đoạn 2018 - 2020 và tầm nhìn đến năm 2030 cũng được triển khai xây dựng.

Theo đó, Tiểu vùng ĐTM là không gian kinh tế mở, không có ranh giới hành chính trong 3 tỉnh. Điểm mấu chốt của liên kết là hạn chế mâu thuẫn và điểm nghẽn để tăng tính cạnh tranh của tiểu vùng, cũng như kết nối với các vùng kinh tế khác.

Tất nhiên, việc xây dựng cơ chế, chính sách tạo vốn đầu tư hạ tầng giao thông; liên kết phát triển du lịch và liên kết phát triển đô thị mà Tiền Giang đang triển khai nghiên cứu dự án để tham gia liên kết vùng cũng không nằm ngoài mục tiêu chung của từng vùng kinh tế…

A.P

.
.
.