Chờ gì ở CPTPP?
(AB0) Hiệp định Đối tác toàn diện và Tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) chuẩn bị được hiện thực hóa, khi các nước thành viên đã lần lượt thực hiện các thủ tục thông qua, trong đó có Việt Nam. Câu hỏi đang được đặt ra là lĩnh vực nào của Tiền Giang sẽ chịu tác động nhiều nhất khi CPTPP có hiệu lực?
Sau hơn 10 năm Việt Nam tham gia vào sân chơi chung của Tổ chức Thương mại thế giới (WTO), CPTPP được xem là sân chơi mới, với nhiều tác động liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau.
Và tất nhiên, một khi tham gia vào sân chơi chung, nhất là kinh tế sẽ mở ra nhiều cơ hội kết nối và hợp tác, thúc đẩy quá trình hội nhập kinh tế quốc tế của Việt Nam nói chung và các địa phương nói riêng bước sang một nấc thang mới ngày càng sâu rộng hơn.
Sản phẩm nông nghiệp được kỳ vọng có nhiều bứt phá. |
CPTPP chuẩn bị có hiệu lực cũng được kỳ vọng dựa trên những yếu tố đó. Bởi trên thực tế, CPTPP là một hiệp định thương mại tự do (FTA) tiêu chuẩn cao và toàn diện, được giới chuyên gia trong và ngoài nước đánh giá sẽ đem lại nhiều cơ hội lẫn thách thức đối với Việt Nam trên nhiều lĩnh vực: Chính trị, kinh tế, xã hội và cả an ninh - quốc phòng. Một trong những nội dung quan trọng của CPTPP là xóa bỏ từ 95% - 98% các dòng thuế ngay khi hiệp định chính thức có hiệu lực, các dòng thuế còn lại sẽ được cắt giảm theo lộ trình từ 5 - 7 năm.
Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh Tiền Giang Nguyễn Văn Đạo cho rằng, để thích ứng với CPTPP điều đầu tiên là doanh nghiệp phải xây dựng được tư duy mới, mạnh dạn bước ra khơi, cải tiến trang thiết bị mang tính đón đầu nhằm giảm giá thành, tăng khả năng cạnh tranh. Tất nhiên, điều quan trọng hơn hết mỗi doanh nghiệp nên đánh giá lại yếu tố thị trường, cách thức quản trị, điều tiết chi phí sản xuất, quản lý chất lượng quan trọng hơn là tập trung vào nguồn vốn đầu tư… |
Đây được xem là yếu tố tác động tích cực đến sự phát triển và kim ngạch xuất khẩu của nhiều ngành hàng có thế mạnh của Việt Nam.
Ở bình diện địa phương, Tiền Giang đương nhiên sẽ thụ hưởng các ngoại tác tích cực trên, đồng thời cũng phải đối diện với nhiều thách thức trong thời gian tới. Nhưng theo các chuyên gia, cơ hội vẫn là nhiều hơn và Việt Nam được đánh giá là một trong những nước sẽ hưởng lợi nhiều nhất từ CPTPP.
Dù CPTPP tác động trên diện rộng, nhưng kinh tế được xem là lĩnh vực được kỳ vọng nhiều nhất. Bởi CPTPP mở ra cơ hội tiếp cận một số thị trường mới như: Canada, Mexico và Peru. Các nhà đầu tư trong và ngoài nước sẽ có động lực đầu tư phát triển ngành nguyên phụ liệu, công nghiệp hỗ trợ, công nghiệp chế biến… và các ngành dịch vụ đang “hot” tại Việt Nam.
Từ đó, thiết lập sự liên kết trong chuỗi sản xuất hiệu quả hơn. Đối với Tiền Giang, trong cơ cấu các mặt hàng xuất khẩu của tỉnh, các ngành như: Chế biến lúa - gạo, trái cây, cá tra, may mặc, giày dép, túi xách, ống đồng… sẽ được nhiều thuận lợi do nhu cầu không chỉ từ 7 nước mà Việt Nam đã tham gia FTA (Úc, New Zealand, Nhật Bản, Malaysia, Singapore, Brunei và Chile), mà cả với 3 nước mới như nêu trên.
Nhiều nhà đầu tư nước ngoài đến tìm hiểu cơ hội đầu tư tại Tiền Giang. |
Mặt khác, Tiền Giang chủ yếu là sản xuất nông nghiệp nên còn rất nhiều dư địa để kêu gọi đầu tư vào lĩnh vực này do hàng hóa xuất nhập khẩu của ta không mang tính đối đầu, mà bổ sung cho nhau. Tuy nhiên, ngành chăn nuôi gia súc, gia cầm của tỉnh dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn hơn do áp lực cạnh tranh gia tăng.
Các doanh nghiệp vừa và nhỏ cũng bước vào cuộc cạnh tranh khốc liệt hơn. Nếu muốn tồn tại trên thị trường, chính họ phải tự đổi mới toàn diện để tận dụng tốt các cơ hội và chống chịu với các đối thủ cạnh tranh mới, tầm cỡ hơn từ các nước thành viên.
Trao đổi gần đây, Giám đốc Sở Ngoại vụ tỉnh Tiền Giang Lưu Văn Phi cũng cho rằng, kinh tế được đánh giá sẽ là lĩnh vực chịu tác động mạnh nhất từ CPTPP, bởi các cam kết về cắt giảm thuế quan trong CPTPP là rất mạnh, gần như 100% các sản phẩm hàng hóa sẽ được xóa bỏ thuế xuất nhập khẩu ngay hoặc theo lộ trình. Điều này tạo thuận lợi cho sự gia tăng thương mại giữa địa phương với các quốc gia thành viên CPTPP.
Trong đó, cơ hội được đánh giá cao là tăng trưởng kim ngạch xuất khẩu của địa phương; đặc biệt đối với các mặt hàng mà tỉnh có thế mạnh như đã nêu trên... sang các nước thành viên CPTPP. Tất nhiên, hầu hết các thị trường trong khối CPTPP đều có yêu cầu rất cao về tiêu chuẩn sản phẩm nhập khẩu nên để được hưởng mức thuế ưu đãi, sản phẩm của doanh nghiệp địa phương phải đạt chất lượng cao và được cải tiến liên tục với giá thành cạnh tranh nhất.
Với việc tham gia sâu hơn vào các chuỗi giá trị thông qua hợp tác, liên kết với các doanh nghiệp trong khối CPTPP, các thương hiệu địa phương cũng có cơ hội nâng tầm và vươn xa. Ngoài ra, nguồn nhân lực chất lượng cao cũng như lao động phổ thông cũng có điều kiện phát triển thông qua trao đổi và xuất khẩu lao động…
Trong dòng chảy chung của CPTPP, tất nhiên hàng hóa từ 10 nước thành viên còn lại của Hiệp định cũng sẽ “đổ bộ” vào Việt Nam và chắc chắn sẽ lan tỏa đến các địa phương trên phạm vi cả nước. Đó là cơ hội cho người tiêu dùng nhưng cũng sẽ tạo ra áp lực rất lớn cho các doanh nghiệp địa phương vì hầu hết các doanh nghiệp đều có quy mô vừa và nhỏ, năng lực cạnh tranh còn rất thấp và khả năng quản trị rủi ro chưa cao.
Do đó, nhìn ở góc độ dung hòa giữa cơ hội và thách thức, CPTPP sẽ tạo sức ép rất lớn giúp các doanh nghiệp địa phương nâng cao năng lực cạnh tranh để tồn tại và phát triển trước những đối thủ được đánh giá là “nặng ký hơn”…
A.P