Thứ Sáu, 16/11/2018, 09:48 (GMT+7)
.

Gấp rút xuống giống vụ lúa đông xuân 2018 - 2019

Nước lũ rút là thời điểm nông dân trồng lúa ở các huyện, thị phía Tây tất bật vệ sinh đồng ruộng, chuẩn bị vật tư, giống… để gieo sạ vụ đông xuân 2018 - 2019.

Năm nay, nước lũ cao hơn so với cùng kỳ, thời tiết tương đối thuận lợi, lịch thời vụ gieo sạ hợp lý… là cơ sở để nông dân hy vọng vụ mùa quan trọng của năm sẽ thắng lợi.

Người dân ở các huyện, thị phía Tây đặt máy để bơm hút nước trên đồng.
Người dân ở các huyện, thị phía Tây đặt máy để bơm hút nước trên đồng.

Những ngày qua, gia đình ông Nguyễn Văn Dưỡng, ấp Mỹ Trinh B, xã Hậu Mỹ Trinh (huyện Cái Bè) tất bật vệ sinh đồng ruộng, làm rãnh thoát nước, đắp lại bờ ranh… để chuẩn bị bơm tát và xuống giống lúa đông xuân trong những ngày tới.

Ông Dưỡng cho biết, vụ lúa này gia đình ông xuống giống 1 ha. Những năm trước, khu vực này đa số diện tích trồng giống lúa thường. Năm nay, người dân quyết định trồng lúa Jasmine 85 để tăng năng suất, chất lượng và lợi nhuận.

Mặc dù khu vực này chưa có doanh nghiệp đến đặt mua và bao tiêu sản phẩm, nhưng nông dân vẫn quyết định trồng. Do năm đầu chọn giống lúa chất lượng cao, nông dân nơi đây rất tất bật, chuẩn bị chu đáo để vụ mùa được thắng lợi.

Phó Chủ tịch UBND xã Hậu Mỹ Trinh Lê Văn Lâm cho biết, đến nay xã đã xuống giống được vài trăm ha trong 2.387 ha sản xuất lúa trên địa bàn xã. Số diện tích này xuống giống trước lịch thời vụ vài ngày chủ yếu trồng lúa Jasmine 85. Những diện tích còn lại đều xuống giống theo lịch thời vụ của ngành Nông nghiệp đã khuyến cáo.

Vùng trồng lúa ở huyện Cai Lậy cũng đang hoàn tất những khâu làm bờ ranh, đặt máy để chuẩn bị bơm tát nước trên đồng. Ông Nguyễn Văn Mẫn, ấp 2, xã Thạnh Lộc (huyện Cai Lậy) trồng 0,7 ha lúa cho biết, mấy ngày qua gia đình ông vệ sinh đồng ruộng, đắp bờ ranh, làm cỏ ruộng và kiểm tra lại những bao lúa giống Đài Thơm 8 đã chuẩn bị từ trước.

Ông Mẫn cho biết thêm, vài vụ gần đây một số đại lý vật tư nông nghiệp đặt hàng gieo sạ giống lúa của họ và bao tiêu toàn bộ sản phẩm nên người dân không lo về giống.

Trưởng phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) huyện Cai Lậy Trần Lý Ngự Bình cho biết, toàn huyện xuống giống vụ lúa đông xuân 2018 - 2019 khoảng 8.000 ha. Trong đó, lúa chất lượng cao trên 80%, lúa chất lượng trung bình khoảng 15% và còn lại lúa chất lượng thấp. Các giống lúa được trồng phổ biến trên địa bàn huyện là Đài Thơm 8, OM 4900, OM 5451…

“Phòng NN&PTNT huyện đã yêu cầu các xã phải tăng cường công tác vận động, tuyên truyền người dân thực hiện xuống giống vụ lúa đông xuân đúng theo lịch thời vụ của ngành Nông nghiệp đã khuyến cáo, không để người dân “xé rào” xuống giống”.

Lịch thời vụ của ngành Nông nghiệp khuyến cáo người dân ở các huyện, thị phía Tây xuống giống lúa vụ đông xuân 2018 - 2019 từ ngày 15 đến 25-11. Giám đốc Sở NN&PTNT Nguyễn Văn Mẫn cho biết: “Để vụ lúa đông xuân 2018 - 2019 được thắng lợi, sở đã yêu cầu các huyện, thị phía Tây tập trung làm thủy lợi nội đồng, theo dõi chặt chẽ thời tiết, thủy văn để định hướng, hướng dẫn cho người dân.

Các địa phương phải có kế hoạch nâng cấp bờ bao kết hợp với việc hoàn thiện cống đập, trạm bơm điện để tập trung xuống giống đồng loạt… Ngoài ra, sở đã chỉ đạo cho các phòng, ban có liên quan phải thực hiện tốt công tác điều tra, phát hiện, dự tính, dự báo tình hình sâu, bệnh; thông báo kịp thời tình hình để hướng dẫn nông dân phòng trị; củng cố hệ thống “bẫy đèn” theo vùng sinh thái để dự báo rầy nâu vào đèn nhằm phục vụ cho công tác gieo sạ đồng loạt, cũng như dự báo tình hình dịch hại chính từng vụ sản xuất”.

Bên cạnh đó, ngành Nông nghiệp cũng cho rằng các địa phương cần tăng cường tuyên truyền, khuyến cáo về diễn biến dịch hại, vận động nông dân thăm đồng, phát hiện và thực hiện các biện pháp phòng trừ kịp thời, hiệu quả, tránh tình trạng phun thuốc tràn lan không hiệu quả, gây ô nhiễm môi trường; đẩy mạnh công tác nghiên cứu, ứng dụng, chuyển giao tiến bộ khoa học - kỹ thuật mới vào sản xuất với nhiều hình thức phong phú, tập trung ứng dụng “3 giảm - 3 tăng”, “1 phải - 5 giảm”, “Quản lý dịch hại tổng hợp IPM”.

Đồng thời với đó là thực hiện tốt điều tra phát hiện, dự báo tình hình sâu, bệnh; theo dõi chặt chẽ diễn biến tình hình khí tượng, thủy văn, dự báo tình hình mưa, bão; hạn, mặn cục bộ...; tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra các cơ sở sản xuất, kinh doanh vật tư nông nghiệp, phát hiện, xử lý và ngăn chặn kịp thời, hiệu quả các loại vật tư không bảo đảm chất lượng, hàng gian, hàng giả trên thị trường.

SĨ NGUYÊN

.
.
.