.

Tiền Giang: Tập trung nâng cao Chỉ số PAPI

Cập nhật: 15:27, 09/11/2018 (GMT+7)

Chỉ số Hiệu quả Quản trị và Hành chính công (PAPI) là khảo sát xã hội học lớn nhất tại Việt Nam, tập trung tìm hiểu hiệu quả công tác điều hành, thực thi chính sách, cung ứng dịch vụ công dựa trên đánh giá và trải nghiệm của người dân, với dữ liệu được thu thập thường niên.

Các cơ quan tổ chức hy vọng việc này sẽ góp phần hoàn thiện quá trình minh bạch, thúc đẩy cải cách, phát huy sự tham gia của mọi tầng lớp dân cư vào quá trình xây dựng, thực thi và giám sát việc thực thi chính sách. Đồng thời, dữ liệu của PAPI sẽ là những thông tin định lượng giá trị có thể tham khảo trong quá trình xây dựng và hoàn thiện chính sách.

Trong những năm qua, việc thực hiện Chỉ số PAPI ở tỉnh ta đạt kết quả tích cực trên nhiều mặt, từng bước nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, điều hành gắn với phấn đấu hoàn thành các mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. Tuy nhiên, Chỉ số PAPI của tỉnh xếp hạng thấp và không ổn định (năm  2015 hạng 50, năm 2016 hạng 23, năm 2017 hạng 47/63 tỉnh, thành).

Nguyên nhân là do, các cấp ủy, chính quyền, nhất là người đứng đầu trong lãnh đạo, chỉ đạo, điều hành, kiểm tra công việc này còn chưa tập trung, chậm đổi mới, chưa sâu sát; việc thực thi công vụ của cán bộ, công chức, viên chức có lúc, có nơi thiếu công khai, minh bạch, còn có biểu hiện tiêu cực, gây phiền hà…; công tác tuyên truyền về Chỉ số PAPI chưa sâu, thiếu đồng bộ,…

Chính vì thế, vào tháng 8-2018, UBND tỉnh đã tổ chức Hội thảo Nâng cao Chỉ số PAPI tỉnh Tiền Giang. Sau đó, UBND tỉnh đã và đang tổ chức các buổi gặp gỡ nhân dân về các nội dung liên quan đến Chỉ số PAPI ở các xã, phường, thị trấn trong tỉnh.

Đặc biệt là ngày 6-11 vừa qua, Ban Thường vụ Tỉnh ủy ban hành Công văn 1342 về việc lãnh đạo nâng cao Chỉ số PAPI của tỉnh, nhằm tạo chuyển biến đồng bộ trong việc nâng cao Chỉ số PAPI , đáp ứng yêu cầu phát triển trong thời gian tới. Trong Công văn trên, Ban Thường vụ Tỉnh ủy yêu cầu:

Tăng cường công tác tuyên truyền để cán bộ, đảng viên, công chức, viên chức nhận thức sâu sắc, đầy đủ về tầm quan trọng của PAPI đối với sự phát triển bền vững của tỉnh. Thường xuyên phổ biến, giáo dục pháp luật đến cộng đồng dân cư để người dân hiểu biết và thực hiện đúng các quy định pháp luật, ý thức được quyền lợi, nghĩa vụ và trách nhiệm của mình trong việc tham gia vào đời sống chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội…

Tăng cường chỉ đạo thực hiện đồng bộ cải cách thủ tục hành chính; thường xuyên rà soát, cập nhật, đơn giản hóa, công bố công khai đầy đủ các thủ tục hành chính thuộc thẩm quyền giải quyết của các cấp chính quyền; thực hiện việc kết nối liên thông Bộ phận tiếp nhận và trả kết quả của các cơ quan hành chính nhà nước từ tỉnh đến cơ sở khi Trung tâm phục vụ hành chính công tỉnh được thành lập.

Triển khai các lớp đào tạo, bồi dưỡng về chuyên môn, đạo đức công vụ, các nội dung về Chỉ số PAPI cho đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức và những người hoạt động không chuyên trách ở các xã, phường, thị trấn với các nội dung chương trình thiết thực, phù hợp với từng chức danh, công việc và thực tiễn địa bàn nông thôn, đô thị.

Xây dựng và triển khai Kế hoạch nâng cao Chỉ số PAPI của tỉnh; tìm giải pháp nâng cao độ đồng đều các Chỉ số PAPI của tỉnh.

Tập trung cải thiện rõ rệt các lĩnh vực nằm trong nhóm đạt điểm thấp; giữ vững và phát huy các lĩnh vực nằm trong nhóm đạt điểm cao; nâng cao chất lượng phục vụ người dân, tổ chức trong việc giải quyết các thủ tục hành chính liên quan đến lĩnh vực đất đai, xây dựng, kinh doanh, bồi thường, giải phóng mặt bằng, tư pháp, bảo hiểm y tế, dịch vụ khám, chữa bệnh, giáo dục, cung cấp điện, nước, giải quyết việc làm, an ninh trật tự, khiếu nại, tố cáo…

Tăng cường công tác kiểm tra, giám sát việc thực hiện các nội dung có liên quan trực tiếp đến Chỉ số PAPI, đặc biệt là năng lực trách nhiệm, phong cách thực thi công vụ của đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức; chấn chỉnh, xử lý kịp thời những biểu hiện trì trệ, tiêu cực, nhũng nhiễu của cán bộ, công chức, viên chức khi giải quyết công việc của người dân, tổ chức, gắn với yêu cầu nâng cao hiệu quả công tác dân vận của hệ thống chính trị, nhất là công tác dân vận của các cấp chính quyền, các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập.

Tạo điều kiện thuận lợi và lắng nghe, tổng hợp ý kiến đóng góp của nhân dân về xây dựng Đảng, chính quyền, những vấn đế có liên quan đến cải cách hành chính, qua đó đề ra các giải pháp tích cực để cải thiện, nâng cao Chỉ số PAPI phù hơp với yêu cầu phát triển bền vững của tỉnh.                                                                          

M.T

.
.
.