.

Năm 2018: Xuất khẩu nhiều khởi sắc

Cập nhật: 21:58, 16/01/2019 (GMT+7)

Báo cáo mới đây của Sở Công thương cho biết: Theo số liệu từ Tổng cục Hải quan, xuất khẩu 11 tháng năm 2018 của các doanh nghiệp tỉnh Tiền Giang đạt 2,61 tỷ USD (kế hoạch cả năm đề ra 2,6 tỷ USD). Mặc dù kết quả cả năm chưa được Tổng cục Hải quan công bố, nhưng căn cứ tình hình chung khả năng xuất khẩu năm 2018 của tỉnh đạt khoảng 2,8 tỷ USD. Trong kết quả trên, các doanh nghiệp có vốn đầu tư nước ngoài chiếm đến 2/3 tổng kim ngạch.

Nhóm hàng công nghiệp tiếp tục giữ vị trí hàng đầu trong cơ cấu xuất khẩu của tỉnh.	Ảnh: N.T
Nhóm hàng công nghiệp tiếp tục giữ vị trí hàng đầu trong cơ cấu xuất khẩu của tỉnh. Ảnh: N.T

CHUYỂN DỊCH MẠNH

Tỷ trọng hàng công nghiệp tiếp tục giữ vị trí hàng đầu trong cơ cấu xuất khẩu của tỉnh. Số liệu phân tích từ Sở Công thương cho thấy, cơ cấu hàng hóa xuất khẩu của tỉnh tiếp tục đảm bảo định hướng đã đề ra trong Chiến lược Xuất nhập khẩu hàng hóa thời kỳ 2011- 2020, định hướng đến năm 2030. Đây là năm thứ 7 liên tiếp kể từ năm 2012, tốc độ tăng trưởng xuất khẩu của nhóm hàng công nghiệp liên tục ổn định, giữ vững vị trí tỷ trọng cao nhất trong cơ cấu hàng hóa xuất khẩu. Cụ thể, các mặt hàng may mặc, giày, túi xách, ống đồng có tỷ trọng chiếm đến 71,8% (tăng 8,8% so với năm 2017). Tiếp đến là nhóm hàng nông sản, thủy sản chiếm 19,9% (giảm nhẹ 1,64%); còn lại là một số sản phẩm công nghiệp khác như thiết bị điện chiếm 2,67%, sản phẩm sợi chiếm 2,66%, các sản phẩm từ thép không gỉ chiếm 1,47%, thảm cỏ nhân tạo chiếm 1,3%... Tăng trưởng xuất khẩu cao cùng với sự chuyển dịch cơ cấu hàng hóa xuất khẩu theo hướng công nghiệp hóa vừa cho thấy bước tiến của nền sản xuất trong tỉnh, vừa da dạng hóa về hàng xuất khẩu. Đặc biệt, trong 4 mặt hàng (đều là hàng công nghiệp) đạt kim ngạch xuất khẩu trên 400 triệu USD thì có 2 mặt hàng đạt kim ngạch trên nửa tỷ USD là may mặc đạt 553 triệu USD và giày đạt 510 triệu USD, 2 mặt hàng còn lại là túi xách và ống đồng. Riêng nhóm hàng nông, thủy sản đạt kim ngạch 538,3 triệu USD, giảm 1,6% so với năm 2017.

Cũng theo Sở Công thương, năm 2018 các doanh nghiệp Tiền Giang tiếp tục nỗ lực khai thác các thị trường truyền thống và mở rộng tìm kiếm, phát triển thêm nhiều thị trường mới, đặc biệt là các thị trường mà Việt Nam đã ký kết hiệp định thương mại tự do; trong đó, châu Á và châu Mỹ vẫn là thị trường chủ lực. Trong cơ cấu xuất khẩu năm 2018, thị trường châu Á chiếm 40,8% tổng kim ngạch xuất khẩu của tỉnh, châu Mỹ chiếm 38,5%; tiếp đến là các thị trường châu Âu chiếm 17%, châu Đại Dương chiếm 2,5%, châu Phi chiếm 1,1%... Các mặt hàng chủ lực của tỉnh đều tiếp tục được khách hàng nước ngoài tín nhiệm, như: Hàng may mặc xuất qua thị trường Hoa Kỳ trên 280 triệu USD (chiếm hơn một nửa kim ngạch xuất khẩu của mặt hàng này), mặt hàng giày xuất sang Hoa Kỳ đạt 125 triệu USD (chiếm 1/4 kim ngạch xuất khẩu mặt hàng); các thị trường Pháp, Nhật Bản, Trung Quốc cũng rất thích mặt hàng này... Riêng mặt hàng ống đồng lần đầu tiên xuất khẩu đạt 420 triệu USD, với chủ yếu dựa vào 5 thị trường lớn là Ấn Độ, Hoa Kỳ, Hàn Quốc, Anh và Ý; trong đó, thị trường Ấn Độ chiếm 1/3 kim ngạch mặt hàng này, tăng 40% so năm 2017, kế tiếp là thị trường Hoa Kỳ chiếm 30% kim ngạch mặt hàng, tăng 25% so 2017... Mặt hàng túi xách cũng được thị trường Hoa Kỳ ưa chuộng, kim ngạch xuất sang nước này chiếm tới 68% kim ngạch mặt hàng, kế tiếp là thị trường Trung Quốc, Hà Lan, Hồng Kông (Trung Quốc)... 

GỠ KHÓ HÀNG NÔNG, THỦY SẢN

Không như các mặt hàng xuất khẩu thuộc nhóm hàng công nghiệp, mặc dù một số mặt hàng nông sản, thủy sản có nguồn cung dồi dào, tiêu thụ trong nước ổn định, nhưng xuất khẩu chưa mạnh. Trong đó, xuất khẩu gạo của tỉnh năm 2018 chủ yếu vẫn sang Trung Quốc (chiếm 77% kim ngạch), kế tiếp là thị trường Singapore, Hồng Kông (Trung Quốc), Ghana... Từ cuối tháng 5-2018 đến nay, thị trường lúa - gạo vẫn chưa thực sự sôi động trở lại. Theo Sở Công thương, nguyên nhân chính do giá gạo 5% tấm của Thái Lan năm nay được chào bán khá thấp đã gây nhiều khó khăn cho doanh nghiệp, lượng tiêu thụ và ký hợp đồng mới của các doanh nghiệp trong vài tháng gần đây không lớn; việc Trung Quốc áp thuế nhập khẩu gạo khá cao từ đầu tháng 7-2018 đã ảnh hưởng rất lớn đến tình hình tiêu thụ gạo ở thị trường này, đặc biệt là mặt hàng nếp (có thời điểm giá gạo nếp xuất khẩu xuống mức chỉ bằng 70% so với đầu năm 2018)… Hiện một số doanh nghiệp xuất khẩu gạo của tỉnh đang hướng vào sản xuất gạo sạch theo quy trình khép kín đảm bảo tiêu chuẩn quốc tế BRC về vệ sinh an toàn thực phẩm từ việc cung cấp giống, trồng trọt, thu hoạch và chế biến đến khi giao sản phẩm cho khách hàng nhằm vừa tăng tính cạnh tranh, mở rộng thị trường, vừa kỳ vọng có sự thay đổi thuận lợi về giá trong đàm phán thời gian tới.

May mặc nằm trong nhóm ngành hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao. Ảnh: Thái Thiện
May mặc nằm trong nhóm ngành hàng có tốc độ tăng trưởng xuất khẩu cao. Ảnh: Thái Thiện

Xuất khẩu thủy sản năm 2018 đạt 375,6 triệu USD, với chủ yếu là mặt hàng cá tra, chiếm hơn 92% kim ngạch chế biến thủy sản xuất khẩu. Thị trường cá tra nguyên liệu trong 6 tháng năm 2018 liên tục biến động, nguồn cung khan hiếm khiến doanh nghiệp gặp khó, bắt đầu quý IV trở đi có phần thuận lợi hơn nhờ giá cá tra nguyên liệu giảm nhiệt. Và Trung Quốc vẫn là thị trường chủ lực, chiếm khoảng 1/3 kim ngạch xuất khẩu của tỉnh về mặt hàng này. Tuy nhiên, từ giữa năm 2018, nước này đã đặt ra rào cản liên quan chính sách nhập khẩu và yếu tố kỹ thuật nên doanh nghiệp cũng gặp một số khó khăn. Đối với thị trường Hoa Kỳ, năm 2018 xuất khẩu cá tra sang thị trường này giảm rất mạnh (giảm 66%) do thuế chống bán phá giá của các đợt xem xét hành chính đều ở mức cao (POR13 cao gấp 3 lần kết quả thuế của POR12 khiến số lượng doanh nghiệp tham gia xuất khẩu giảm). Đó là chưa kể việc đối mặt với Chương trình thanh tra cá da trơn Farm Bill từ ngày 2-8-2017 đã làm kim ngạch xuất khẩu mặt hàng này sang Hoa Kỳ sụt giảm. Tuy nhiên, mới đây cũng đã xuất hiện những tín hiệu khả quan khi kết quả sơ bộ thuế chống bán phá giá giai đoạn POR14 thấp hơn so với POR13 và Cục Kiểm tra an toàn thực phẩm thuộc Bộ Nông nghiệp Hoa Kỳ đã đề xuất công nhận cá tra Việt Nam đủ điều kiện xuất khẩu sang thị trường này.

Mặt hàng rau quả vốn là thế mạnh của tỉnh, năm qua Tiền Giang xuất trên 10.000 tấn, thu về hơn 17 triệu USD, tăng cả về lượng và giá trị. Tuy nhiên, cũng cần thấy rằng thị trường hàng rau quả của tỉnh cũng còn khó khăn. Nhiều doanh nghiệp tuy tích cực khai thác các mặt hàng theo mùa vụ của tỉnh (nhất là xoài, thanh long, chôm chôm đưa vào các thị trường châu Âu, vú sữa Lò Rèn qua Hoa Kỳ...), nhưng sản lượng cũng không nhiều do các sản phẩm phần lớn chưa qua chế biến sâu, chủ yếu là sơ chế đông lạnh. Trong khi đó, khách hàng yêu cầu khá nghiêm ngặt về chất lượng và nguồn gốc sản phẩm là vấn đề doanh nghiệp và cơ quan chức năng của tỉnh và Trung ương cần có giải pháp tháo gỡ đồng bộ. Hiện Hoa Kỳ, Trung Quốc, Hà Lan, Bỉ, Nhật Bản, Hàn Quốc... là các thị trường chủ lực của tỉnh về rau quả; trong đó, Hà Lan là thị trường lớn nhất (chiếm 20,5%), Hoa Kỳ chiếm 17,38%, Trung Quốc chiếm 11,13%...

Năm 2019, tỉnh Tiền Giang đề ra mục tiêu kim ngạch xuất khẩu trên 3 tỷ USD. Từ diễn biến chung của thị trường thế giới, nhất là khi các hiệp định thương mại tự do mới bắt đầu có hiệu lực, với tính năng động vốn có của doanh nghiệp tỉnh nhà cộng với sự đồng hành của các ngành, các cấp trên địa bàn tỉnh, tỉnh Tiền Giang hoàn toàn có thể thực hiện đạt và vượt mục tiêu đã đề ra...

Q.A

.
.
.