Cây bơ bén rễ trên vùng đất mới
Qua kỹ sư Nguyễn Xuân Hải, cán bộ Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn huyện Tân Phước, chúng tôi được biết, hiện có nhiều nông dân ở huyện đã chuyển sang lập vườn trồng cây ăn trái (cam, chanh, dừa, mít), mở ra triển vọng làm giàu cho nông dân nơi đây.
Trong số này, phải kể đến ông Hồ Minh Trung (Tư Trung), cán bộ hưu trí ở ấp Mỹ Lộc, xã Thạnh Mỹ, đã có công đưa cây bơ lâu nay vốn thích nghi với vùng đất Tây Nguyên và miền Đông Nam bộ về trồng đạt kết quả tốt trên vùng đất mới với diện tích gần 2 ha.
Ông Tư Trung (bên phải) và kỹ sư Nguyễn Xuân Hải trao đổi về giống bơ sáp da xanh HP. |
Từ thông tin lý thú trên, ngay sau Tết Nguyên đán Kỷ Hợi 2019, từ TP. Mỹ Tho chúng tôi chạy xe vượt qua gần 35 km để đến tận nơi và được tận mắt nhìn thấy vườn bơ của ông Tư Trung.
Trong lúc dẫn chúng tôi tham quan vườn bơ đang đồng loạt trổ bông vàng mơ, nhiều cây đang đậu trái, sẽ cho thu hoạch trong vài tháng tới, ông Tư Trung cho biết về cơ duyên làm vườn của ông: Năm 2015, sau khi nghỉ hưu (ông nguyên là Phó Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Huyện ủy Tân Phước và Bí thư Đảng ủy thị trấn Mỹ Phước), ông về quê nhà vui thú điền viên.
Nhận thấy diện tích đất nhà nằm trong ô đê bao của huyện ngăn lũ hằng năm và có trạm bơm điện chống úng, có thể chuyển đổi từ đất trồng khóm sang cây ăn trái nên ông quyết chí lập vườn.
Trong lúc còn phân vân trong việc chọn tìm giống cây trồng phù hợp với khí hậu và đất đai ở đây thì qua một người bạn ở Cái Mơn (tỉnh Bến Tre), ông biết được các nhà vườn ở đây vừa nhân và trồng có kết quả giống bơ sáp da xanh trái dài HP nên đã tìm đến hỏi mua 150 cây mang về trồng.
Mặc dù mới lập vườn, nhưng ông đã nhanh chóng tiếp thu và áp dụng có kết quả quy trình kỹ thuật trồng cây ăn trái trên vùng đất mới Đồng Tháp Mười vốn trước đây chỉ trồng được tràm, lúa, khóm, khoai...
Theo đó, trên mỗi liếp vườn thẳng tắp có chiều rộng 5 m, ông trồng bơ ở giữa (cây cách cây 6 m), 2 bên liếp trồng xen chanh bông tím để “lấy ngắn nuôi dài”.
Dưới mương, ông nuôi các loại cá tra, tai tượng, sặc rằn, trắm cỏ để cải thiện bữa ăn gia đình và đãi khách khi đến nhà.
Mặc dù có ô đê bao lớn của huyện bao quanh, nhưng ông vẫn đắp ô bao nhỏ quanh vườn và lắp đặt máy bơm túc trực trong mùa mưa lũ sẵn sàng bơm rút nước ra kinh lớn, giữ cho mực nước trong mương vườn luôn thấp hơn mặt liếp từ 0,5 m trở lên để bảo đảm cho cây không bị ngập úng; đồng thời, lắp đặt hệ thống tưới phun bảo đảm tưới đủ nước cho cây trong mùa nắng.
Nhờ được bón nhiều phân hữu cơ và chăm sóc tốt, chẳng mấy chốc cây bơ bén rễ, phát triển xanh tươi và chỉ 3 năm sau (năm 2018) đã cho trái chiếng.
Để dưỡng sức cây cho trái lâu dài, ông chỉ để trái ở 100 cây và thu hoạch được 2 tấn. Nhờ trái to đều (từ 0,6 - 0,8 kg/trái) và đặc biệt là chất lượng ngon không thua bơ trồng ở các nơi khác (cơm dày, mỏng vỏ, hạt nhỏ) nên ông bán cho thương lái được giá từ 40 - 50 ngàn đồng/kg, vụ đầu thu được 90 triệu đồng.
Ông Tư Trung cho biết, 2019 là năm trồng thứ 4 nên ông xử lý cho cây ra bông đậu trái hết ở 150 cây bơ HP, dự kiến vào khoảng tháng 4 âm lịch sẽ cho thu hoạch rộ.
Nhìn quanh các tán cây phủ kín mặt liếp vườn, đang trổ bông dày đặc, có cây trổ bông sớm cho trái to bằng cổ tay, ông Tư Trung tự tin vụ thu hoạch bơ HP năm nay sẽ bội thu cả về năng suất lẫn thu nhập.
Ngoài ra, năm nay ông còn xử lý cho ra bông đậu trái chiếng 50 cây bơ sáp da xanh láng - loại trái tròn trồng 3 năm tuổi. Ông cũng chỉ cho chúng tôi xem trong vườn còn có 50 cây bơ sáp giống 034 - loại trái dài (bơ Đà Lạt) trồng 1,5 năm tán lá xanh tươi, có nhiều ưu điểm nổi trội như: Cơm dày, hạt lép. Trước mấy hôm chúng tôi đến, ông cũng đã thu hoạch được 1 tấn chanh bông tím và bán cho thương lái được hơn 10 triệu đồng.
Từ chỗ mang nỗi trăn trở về một vùng đất khó “trước đây chỉ được trồng tràm, sau chuyển sang trồng khóm tuy có năng suất cao nhưng giá bán lại bấp bênh cho nên người trồng thu nhập không cao, không thể làm giàu”, giờ đây ông Tư Trung có được niềm vui lớn là đã lập vườn thành công và là người có công du nhập về vùng đất mới một giống cây ăn trái mới có giá trị kinh tế cao, có thị trường tiêu thụ rộng mở trong nước và xuất khẩu, người trồng có thể thoát nghèo, nếu không nói là làm giàu.
Với đức tính “mình vì mọi người”, thời gian qua ông sẵn sàng chia sẻ kinh nghiệm, cũng như hướng dẫn kỹ thuật trồng giống bơ này với một số nông dân trong ấp.
Ông Tư Trung cũng cho biết, hiện ông đang ươm cây con bằng hạt làm gốc ghép để sau khi thu hoạch vụ bơ giống HP là tuyển chọn bo (mắt ghép) để ghép bo 1.000 cây giống cung ứng cho một số bạn làm vườn cùng trồng bơ và làm giàu từ cây bơ như ông.
Trước khi chia tay, ông không quên lưu số điện thoại của chúng tôi để vài tháng nữa khi đến mùa thu hoạch sẽ gọi lên thưởng thức vị ngọt, vị béo của bơ trồng trên vùng đất Đồng Tháp Mười và nhân tiện chụp cho ông một số “pô” ảnh để làm kỷ niệm!
NGỌC LAN