.

Họp 3 lần trong 2 tháng, BOT Cai Lậy vẫn chưa thể thu phí

Cập nhật: 21:51, 16/02/2019 (GMT+7)

Đã có ba cuộc họp từ đầu năm 2019 đến nay để bàn về dự án trạm thu phí tuyến tránh thị xã Cai Lậy, tỉnh Tiền Giang (BOT Cai Lậy) do Bộ Giao thông Vận tải chủ trì. Thế nhưng, đơn vị này vẫn chưa thể ra quyết định ngày thu phí trở lại.

Sau ba cuộc họp diễn ra từ đầu năm 2019 đến nay, trạm thu phí BOT Cai Lậy vẫn chưa thể thu phí trở lại. Ảnh: Trung Chánh
Sau ba cuộc họp diễn ra từ đầu năm 2019 đến nay, trạm thu phí BOT Cai Lậy vẫn chưa thể thu phí trở lại. Ảnh: Trung Chánh

Sau khi diễn ra cuộc họp bàn về dự án trạm thu phí BOT Cai Lậy diễn ra vào hôm 15-2 tại TP. HCM, ông Nguyễn Nhật, Thứ trưởng Bộ Giao thông Vận tải xác nhận vẫn chưa biết ngày nào thu phí trở lại.

Trên 1.380 tỷ đồng đầu tư dự án BOT Cai Lậy

Báo cáo của Bộ Giao thông Vận tải về chi phí đầu tư dự án cho biết, qua tính toán lại toàn bộ chi phí đầu tư (có cập nhật kết luận của thanh tra, kiểm toán), kết quả tổng chi phí đầu tư là trên 1.380 tỷ đồng, trong đó, tuyến tránh là 680,77 tỷ đồng, phần tăng cường mặt đường là hơn 379 tỷ đồng, xây trạm thu phí là trên 100 tỷ đồng và chi phí giải phóng mặt bằng là hơn 219 tỷ đồng.

Ngoài ra, các đơn vị liên quan đã thực hiện khảo sát lưu lượng giao thông trong 4 ngày liên tục 24/24 giờ, bao gồm 2 ngày giữa tuần và 2 ngày cuối tuần trên tuyến tránh và quốc lộ 1.

Kết quả lưu lượng phương tiện bình quân qua dự án khoảng 26.213 lượt/ngày đêm, trong đó trên quốc lộ 1 khoảng 16.779 lượt/ngày đêm, tuyến tránh khoảng 9.435 lượt/ngày đêm.

Lý do chưa quyết định ngày thu phí, theo ông Nhật, do dự án nêu trên vẫn đang được rà soát tổng thể.

Trong khi đó, ông Nguyễn Phú Hiệp, Giám đốc Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang, đơn vị quản lý, vận hành trạm thu phí BOT Cai Lậy cho rằng, trong tuần tới sẽ họp bàn về dự án nêu trên.
 Ngày 25-1-2019, Bộ Giao thông Vận tải cùng UBND tỉnh Tiền Giang đã tổ chức cuộc họp bàn về dự án BOT Cai Lậy, nhưng các bên liên quan vẫn chưa thông nhất ngày thu, dù trước đó đã quyết định thu vào ngày 14-2-2019.

Mới đây, vào ngày 31-1-2019, Bộ Giao thông Vận tải cũng đã tổ chức cuộc họp bàn về việc triển khai thu phí trở lại đối với dự án BOT Cai Lậy, nhưng ông Nhật cho biết, vẫn chưa thể quyết định thu phí trở lại tại cuộc họp đó.

Như vậy, kể từ đầu năm 2019 đến nay, Bộ Giao thông Vận tải đã liên tiếp có ba cuộc họp bàn về “số phận” của trạm thu phí BOT Cai Lậy, nhưng vẫn chưa có kết quả cuối cùng.

Theo đề nghị của ông Nhật tại cuộc họp hôm 25-1-2019, trước khi triển khai thu phí trở lại, bên cạnh việc tuyên truyền để người dân hiểu, thì chủ đầu tư phải hoàn thiện việc duy tu, sửa chữa cả tuyến tránh và phần tăng cường mặt đường quốc lộ 1.

"Đặc biệt, trạm BOT cần phải lắp đặt hệ thống thiết bị thu phí không dừng", ông cho biết.

Bên cạnh đó, ông Nhật giao Sở Giao thông Vận tải tỉnh Tiền Giang kết hợp với nhà đầu tư rà soát lại số lượng xe được miễn, giảm trong phạm vi 8 xã lân cận dự án.

"Đối với thị xã Cai Lậy, địa phương cần làm việc với doanh nghiệp, tập hợp tuyên truyền để nhân dân hiểu, ủng hộ", ông cho biết.

Dự án đầu tư xây dựng công trình quốc lộ 1, đoạn qua thị trấn Cai Lậy (nay là thị xã Cai Lậy) và tăng cường mặt đường từ km 1987+560 đến km 2014+000 do liên danh Công ty cổ phần Tư vấn đầu tư xây dựng Bắc Ái (65%) và Công ty cổ phần Đầu tư thương mại và xây dựng giao thông 1 (35%) làm chủ đầu tư.

Pháp nhân quản lý, khai thác dự án nêu trên là Công ty TNHH Đầu tư quốc lộ 1 Tiền Giang. Dự án được khởi công năm 2014 và hoàn thành năm 2017. Dự án thực hiện thu phí ngày 14-8-2017, nhưng sau đó gặp phản đối phải nhiều lần xả trạm và dừng thu phí cho đến nay.

(Theo thesaigontimes.vn)

Giữ nguyên trạm BOT Cai Lậy hiện hữu

Theo phương án thu phí được Bộ Giao thông Vận tải đưa ra, là giữ nguyên trạm thu phí hiện hữu và thực hiện miễn, giảm giá vé cũng như mở rộng phạm vi được hưởng.

Cụ thể, mức phí xe loại 1 (xe dưới 12 chỗ, ô tô tải dưới 2 tấn) sẽ giảm từ 35.000 đồng xuống còn 15.000 đồng. Mức giá vé lượt áp dụng cho các nhóm phương tiện khác cũng giảm từ 40-60% so với mức giá ban đầu.

Bên cạnh đó, chính sách miễn phí cho người dân địa phương cũng thay đổi theo hướng tăng bán kính lên 10 km quanh trạm so với trước đây là 4 km (tương đương từ 4 xã quanh trạm lên 8 xã). Trong khi đó, thời gian thu phí sẽ kéo dài từ 7 năm lên 15 năm 9 tháng.

 

.
.
.