Bài cuối: Mỗi xã một sản phẩm
Bài 2: Động lực từ các vùng kinh tế
Bài 3: Kỳ vọng vào sản phẩm du lịch thông minh
Sức bật mới của Tiền Giang không chỉ bắt đầu từ động lực của các vùng kinh tế, chủ trương tập trung thu hút đầu tư hay khai thác du lịch thông minh, mà còn từ chính “mặt trận” nông thôn thông qua Chương trình mục tiêu quốc gia xây dựng nông thôn mới, đi thẳng vào nông nghiệp công nghệ cao hay Chương trình mỗi xã một sản phẩm.
Mắm tôm chà Gò Công được ưu tiên lựa chọn theo Chương trình OCOP Tiền Giang. |
1. Chương trình mỗi xã một sản phẩm (One commune one product - OCOP, gọi tắt là Chương trình OCOP Tiền Giang) trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2019 - 2020 vừa được Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn ký ban hành nhằm hướng đến mục tiêu chung là phát triển các hình thức tổ chức sản xuất, kinh doanh (ưu tiên phát triển hợp tác xã - HTX, doanh nghiệp nhỏ và vừa) để sản xuất các sản phẩm truyền thống, dịch vụ có lợi thế đạt tiêu chuẩn, có khả năng cạnh tranh trên thị trường trong nước và quốc tế, góp phần phát triển kinh tế nông thôn trên địa bàn tỉnh; góp phần chuyển dịch cơ cấu kinh tế, nâng cao thu nhập, đời sống cho nhân dân và thực hiện hiệu quả nhóm tiêu chí “Kinh tế và tổ chức sản xuất” trong Bộ tiêu chí quốc gia xã nông thôn mới trên địa bàn tỉnh; đồng thời, tập trung xây dựng một số sản phẩm OCOP Tiền Giang đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của thị trường, đạt tiêu chuẩn thương hiệu quốc gia, hỗ trợ phát triển các doanh nghiệp, HTX, tổ hợp tác, hộ sản xuất tham gia chương trình.
Chương trình OCOP Tiền Giang là một trong những điểm mới sẽ được triển khai thực hiện trong thời gian tới nhằm thay đổi căn bản bức tranh nông nghiệp, nông thôn.
Trước mắt, Chương trình OCOP Tiền Giang tiêu chuẩn hóa ít nhất 10 sản phẩm chủ lực hiện có trên địa bàn các xã để xây dựng và phát triển thành sản phẩm OCOP; phát triển ít nhất 2 làng văn hóa du lịch đạt chuẩn theo Bộ tiêu chí sản phẩm OCOP.
Một số sản phẩm, nhóm sản phẩm, dịch vụ được định hướng phát triển theo Chương trình OCOP Tiền Giang, đáng kể nhất là: Xoài cát Hòa Lộc (xã Hòa Hưng, huyện Cái Bè); sầu riêng và các sản phẩm chế biến từ sầu riêng (xã Ngũ Hiệp, huyện Cai Lậy); khóm tươi, mứt khóm (HTX Quyết Thắng, xã Tân Lập 2, huyện Tân Phước); lạp xưởng tươi Cai Lậy (Cơ sở sản xuất lạp xưởng Tuyết và Cơ sở sản xuất lạp xưởng Hiền, phường 4, TX. Cai Lậy); thanh long Chợ Gạo (HTX Mỹ Tịnh An, xã Mỹ Tịnh An, huyện Chợ Gạo); gà ta Gò Công (HTX Chăn nuôi - Thủy sản Gò Công, xã Bình Đông, TX. Gò Công); mắm tôm chà Gò Công (Cơ sở sản xuất Kim Sa, Cơ sở sản xuất Bà Hai, phường 2 và phường 5, TX. Gò Công)…
Đáng chú ý là nhóm sản phẩm dịch vụ bán hàng, du lịch nông thôn: Làng cổ Đông Hòa Hiệp (xã Đông Hòa Hiệp, huyện Cái Bè) và Du lịch Thới Sơn (xã Thới Sơn, TP. Mỹ Tho)…
Thúc đẩy tinh thần khởi nghiệp Nhằm khơi dậy tinh thần khởi nghiệp, phát triển doanh nghiệp, tỉnh không ngừng nỗ lực cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh, nâng cao năng lực cạnh tranh; đẩy mạnh công tác cải cách thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian giải quyết các thủ tục hành chính, nhất là thủ tục hành chính liên quan đến doanh nghiệp, nhà đầu tư, giảm chi phí gia nhập thị trường của doanh nghiệp. UBND các huyện, thị, thành; ngành Thuế, Hiệp hội Doanh nghiệp tỉnh tiếp tục thực hiện các giải pháp động viên, khuyến khích hộ kinh doanh chuyển lên doanh nghiệp bằng nhiều hình thức; hoàn chỉnh phần mềm kế toán hỗ trợ miễn phí cho doanh nghiệp vừa và nhỏ, chủ yếu giúp cho hộ kinh doanh chuyển đổi thành doanh nghiệp; thực hiện trình tự, thủ tục đầu tư để triển khai dự án xây dựng Cổng thông tin đăng ký hộ kinh doanh và HTX trên địa bàn tỉnh; số liệu hộ kinh doanh giữa cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan Thuế. Ngoài ra, tỉnh đã thành lập Câu lạc bộ khởi nghiệp, chuẩn bị ra mắt Câu lạc bộ khởi nghiệp thanh niên, Câu lạc bộ khởi nghiệp sinh viên... nhằm tìm ý tưởng kinh doanh và xây dựng đề án kinh doanh, thuyết phục nhà đầu tư, thúc đẩy khởi nghiệp... |
Việc lựa chọn một số sản phẩm, nhóm sản phẩm, dịch vụ ưu tiên phát triển theo Chương trình OCOP Tiền Giang cũng xuất phát từ thực tiễn và những ưu thế hiện hữu của nó.
Chẳng hạn như mắm tôm chà là một trong những đặc sản nổi tiếng ở khu vực Gò Công được nhiều người biết đến.
Lâu nay, mắm tôm chà Gò Công đã khẳng định thương hiệu và được nhiều nơi ưa chuộng.
Trong những ngày tết, mắm tôm chà trở thành món ăn dân dã đãi khách rất khó quên hay làm quà của xứ biển Gò Công rất có ý nghĩa dành cho khách phương xa, khách du lịch đến xứ Gò.
Mắm tôm chà Kim Sa (phường 2, TX. Gò Công) là một thương hiệu nổi tiếng bậc nhất ở vùng này. Thông thường mỗi tháng, cơ sở sản xuất khoảng 1 tấn mắm bán ra thị trường, nhưng để phục vụ nhu cầu thị trường tết tăng cao, Cơ sở mắm tôm chà Kim Sa tập trung gia tăng sản lượng, có thể đạt sản lượng khoảng 3 tấn thành phẩm.
Nhiều lần trao đổi với ông Cao Văn Hổ, chủ cơ sở, ông cho biết, đây là nghề truyền thống của gia đình và việc làm mắm tôm chà cũng lắm công phu.
2. Chương trình OCOP Tiền Giang là một trong những chủ trương mới của tỉnh nhằm hướng đến mục tiêu nâng cao đời sống người dân, nhất là người dân nông thôn. Thay đổi diện mạo nông thôn là mục tiêu quan trọng trong quá trình phát triển của tỉnh, đặc biệt là đối với sản xuất nông nghiệp.
Bởi Tiền Giang là tỉnh nông nghiệp, nằm trong vùng sản xuất lương thực, thực phẩm lớn nhất cả nước, với điều kiện tự nhiên thích hợp cho các vùng sinh thái khác nhau trải dài từ Tiểu vùng Đồng Tháp Mười đến vùng biển phía Đông của tỉnh, rất thuận lợi cho phát triển nông nghiệp toàn diện.
Vì thế, Tiền Giang luôn xem nông nghiệp là thế mạnh của tỉnh. Do vậy, trong quá trình phát triển, quan điểm chung của tỉnh là không bỏ “mặt trận” nông nghiệp.
Bởi thực tế cho thấy, đóng góp của ngành Nông nghiệp vào trong cơ cấu kinh tế của tỉnh còn chiếm tỷ trọng rất lớn và mang lại nguồn thu nhập cho đa số nông dân cũng từ “mặt trận” nông nghiệp.
Chính vì lẽ đó, trong chặng đường sắp tới, thông qua thu hút đầu tư, phát triển công nghiệp, Tiền Giang vẫn xem nông nghiệp là thế mạnh nên cũng tập trung đầu tư vào lĩnh vực này.
Thực tế cho thấy, Tiền Giang đang thực hiện mục tiêu là công nghiệp hóa trong nông nghiệp, bắt đầu từ nền nông nghiệp sạch, thay đổi thói quen sản xuất các vùng chuyên canh. Chính từ những yếu tố này, trong kêu gọi đầu tư, Tiền Giang cũng dành một số dự án trong lĩnh vực nông nghiệp.
Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng cho rằng, Tiền Giang đang tính toán xây dựng quy hoạch nhằm cân bằng trong cơ cấu kinh tế, đảm bảo phát triển bền vững trong các lĩnh vực. Riêng về lĩnh vực nông nghiệp, Tiền Giang đang tính toán thực hiện các ưu đãi đầu tư.
Những năm gần đây, chủ trương sản xuất nông nghiệp theo hướng an toàn, ứng dụng công nghệ cao được tỉnh quan tâm đầu tư thông qua xây dựng các vùng nguyên liệu lớn, an toàn và chú trọng vào khoa học - công nghệ. Đây là xu thế tất yếu hiện nay.
Để cụ thể hóa mục tiêu thay đổi diện mạo nông nghiệp, nông thôn, đầu tư khoa học - công nghệ, việc ứng dụng công nghệ cao trong sản xuất lúa nhằm tăng năng suất, chất lượng, giá trị gia tăng và tăng thu nhập cho nông dân so với sản xuất truyền thống, nâng cao sức cạnh tranh của ngành hàng lúa - gạo, thích ứng với biến đổi khí hậu, bảo vệ môi trường và xây dựng chuỗi giá trị ngành hàng lúa - gạo đã được triển khai thực hiện.
Theo đó, Dự án “Vùng sản xuất lúa ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2025” đã được UBND tỉnh phê duyệt và đã triển khai một số mô hình thí điểm tại huyện Gò Công Đông. Ngoài ra, Dự án “Vùng sản xuất rau ứng dụng công nghệ cao giai đoạn 2018 - 2020 và định hướng đến năm 2025” cũng đã được gấp rút triển khai thực hiện.
A.P