.

Chúng ta có ngăn chặn được dịch tả lợn châu Phi?

Cập nhật: 12:15, 04/03/2019 (GMT+7)

(ABO) Đó là câu hỏi được Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đặt ra cho các bộ, ngành và các địa phương sáng 4-3.

Sáng 4-3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Chính phủ Trịnh Đình Dũng đã chủ trì và chỉ đạo Hội nghị trực tuyến về việc triển khai các giải pháp cấp bách khống chế bệnh dịch tả lợn châu Phi do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tổ chức.

Tại điểm cầu Tiền Giang, Chủ tịch UBND tỉnh Lê Văn Hưởng và Phó Chủ tịch UBND tỉnh Phạm Anh Tuấn chủ trì.

QUYẾT LIỆT TỪ TRUNG ƯƠNG

Bộ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Xuân Cường cho biết: từ ngày 1-2 đến 3-3, dịch tả lợn châu Phi xảy ra tại 202 hộ, 64 thôn, 33 xã, 14 huyện của 7 tỉnh, thành (Hưng Yên, Thái Bình, Hải Phòng, Thanh Hóa, Hà Nội, Hà Nam và Hải Phòng. Tổng số lợn bị mắc bệnh và tiêu hủy là 4.231 con, với tổng trọng lượng tiêu hủy hơn 297 tấn.Đ

Đồngchí Nguyễn Xuân Cường nhấn mạnh: Dịch tả lợn châu Phi hết sức nguy hiểm và nó lan truyền rất nhanh, bằng nhiều con đường, nhiều hình thức. Loại dịch này làm cho đàn heo chết tới 100%. Mặc dù, các bộ, ngành trung ương và các địa phương triển khai quyết liệt, bằng nhiều giải pháp nhưng dịch vẫn lây lan nhanh. Việc xảy ra dịch đã gây thiệt hại rất lớn cho kinh tế.

Các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến sáng 4-3.
Các đại biểu tham dự hội nghị trực tuyến sáng 4-3.

Chỉ đạo tại hội nghị, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc nói: “Chống dịch như chống giặc. Nghĩa là, chúng ta phải để huy động cả hệ thống chính trị cùng vào cuộc. Có như vậy, hiệu quả mang lại mới cao”.

Đối với dịch tả lợn châu Phi, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cho biết, nếu chúng ta ngăn chặn tốt, kịp thời và có biện pháp mạnh thì dịch không lan rộng.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đặt ra nhiều câu hỏi: “Chúng ta có ngăn chặn được dịch không?” Câu hỏi này, Thủ tướng Chính phủ giành cho các bộ, ngành và các địa phương.

 Thủ tướng Chính phủ yêu cầu hệ thống chính trị các cấp, các ngành, các địa phương phải thực hiện nghiêm Chỉ thị 04 ngày 20-2 của Thủ tướng Chính phủ.

Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương phải chịu trách nhiệm trước Thủ tướng Chính phủ trong việc phòng, chống dịch tả lợn châu Phi này.

 "Những tỉnh, thành chưa có dịch phải có biện pháp mạnh mẽ hơn nữa. Lãnh đạo các địa phương phải xoăn tay áo vào cuộc. Truyền thông phải tuyên truyền đúng, chính xác và có liều lượng về dịch tả lợn châu Phi để tránh hoang man trong nhân dân”-Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu.

Ngoài ra, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng đặt ra hàng loạt câu hỏi: “Tại sao dịch bùng phát nhanh. Từ 1 tỉnh, 2 tỉnh và giờ đến 7 tỉnh. Mặc dù, chúng ta đã quyết liệt nhưng nguyên nhân từ chỗ nào, khâu nào mà để dịch lây lan như thế? Có hiện tượng người nuôi che dấu dịch bệnh hay không? Tại sao có hiện tượng thương lái vận chuyển heo từ Bắc vào Nam? Chúng ta phải kiểm soát chứ không phải hoàn toàn ngăn chặn. Việc để dịch lây lan nhanh là do thiếu tiền hay thiếu ý thức?.

Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu các bộ, các cấp chính quyền ra tay, quyết tâm để ngăn chặn thành công dịch tả lợn châu Phi. Sau cuộc hội nghị này, các địa phương phải họp giao ban ngay để triển khai các công việc, các tình huống để ứng phó kịp thời, không để dịch tả lợn châu Phi lây lan nhanh.

TIỀN GIANG TRIỂN KHAI NHIỀU GIẢI PHÁP

Trước tình hình dịch tả lợn châu Phi diễn biến phức tạp và lây lan nhanh, tỉnh Tiền Giang đã dự thảo kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với dịch tả lợn châu Phi nhằm chủ động ngăn ngừa, giám sát, phát hiện sớm, sẵn sàng ứng phó kịp thời và hiệu quả với bệnh dịch tả lợn châu Phi trên địa bàn tỉnh Tiền Giang.

Tham dự hội nghị trực tuyến.
Tham dự hội nghị trực tuyến.

Tỉnh Tiền Giang xây dựng 2 tình huống để ứng phó:

Tình huống 1: Phòng ngừa khi dịch tả lợn châu Phi chưa xâm nhiễm vào địa bàn tỉnh Tiền Giang như tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, tập huấn, hội thảo nhằm giúp người chăn nuôi, buôn bán, giết mổ heo và cộng đồng; thành lập các đoàn công tác đi kiểm tra, đôn đốc thực hiện việc phòng, chống dịch tả lợn châu Phi tại các địa bàn có nguy cơ; thành lập chốt kiểm dịch động vật tạm thời tại 2 địa điểm: cầu Mỹ Lợi và xã Thân Cửu Nghĩa khi dịch bệnh có nguy cơ cao; tổ chức giảm sát sự lưu hành vi rút dịch tả lợn châu Phi thông qua lấy mẫu xét nghiệm tại các cơ sở chăn nuôi, cơ sở thu gom và cơ sở giết mổ trên heo có nguồn gốc từ các tỉnh nhập vào Tiền Giang; giám sát chặt chẽ quy trình giết mổ heo tại các cơ sở, quy trình kiểm dịch tại các cơ sở thu gom heo; Đoàn liên ngành các cấp đẩy mạnh công tác kiểm tra việc vận chuyển, buôn bán, tiêu thụ heo, thịt heo và sản phẩm từ heo trên các tuyến đường chính ra vào địa bàn tỉnh Tiền Giang…

Tình huống 2: Chống dịch khi dịch tả lợn châu Phi xảy ra trên địa bàn tỉnh như: thành lập Ban Chỉ đạo quốc gia phòng, chống dịch bệnh động vật các cấp, tổ chức xử lý ổ dịch và chống dịch theo quy định Luật Thú y; tổ chức tiêu hủy toàn bộ đàn heo bị bệnh dịch tả lợn châu Phi trong vòng 24 giờ kể từ khi có kết quả xét nghiệm khẳng định dương tính với vi rút dịch tả lợn châu Phi; tổ chức khoanh vùng ổ dịch.

Ngoài ra, tỉnh tổ chức kiểm soát không để heo và sản phẩm heo được vận chuyển ra khỏi vùng bị dịch uy hiếp và vùng giám sát; tổ chức kiểm soát việc giết mổ heo, tiêu thụ thịt heo, sản phẩm thịt heo trong phạm vi vùng bị dịch uy hiếp và vùng giám sát tại cơ sở, điểm giết mổ heo dưới sự giám sát của chính quyền địa phương…

Theo dự kiến, sáng mai (5-3), tỉnh sẽ triển khai các chốt chặn để kiểm soát các nguồn heo ra, vào tỉnh Tiền Giang.

SĨ NGUYÊN

.
.
.