Tăng cường thu mua lúa, gạo dự trữ để nông dân được hưởng lợi
Vào thời điểm này, nông dân ở các địa phương phía Tây của tỉnh đã thu hoạch khoảng 70% - 80% lúa, còn khu vực phía Đông là hơn 10%.
Theo khảo sát, lượng lúa, gạo thu hoạch của nông dân hầu hết đã được thương lái và doanh nghiệp thu mua.
Nông dân trồng lúa vẫn đang hy vọng sẽ được hưởng lợi từ chủ trương mua dự trữ sớm 200.000 tấn gạo và 80.000 tấn lúa của Nhà nước. |
THƯƠNG LÁI THU MUA MẠNH LÚA, GẠO TRONG DÂN
Hiện nay lượng lúa thu hoạch trong dân bán ra đều được thương lái thu mua với giá có “nhích lên” nhưng chưa cao.
Các thương lái thu mua lúa dự trữ chủ yếu để chờ động thái của Cục Dự trữ quốc gia trong việc đẩy nhanh tiến độ mua lúa dự trữ theo chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ.
Thương lái Huỳnh Văn Biên (xã Hậu Mỹ Trinh, huyện Cái Bè) thu mua lúa cho dân ở ấp Phú Tiểu, xã Phú Nhuận (huyện Cai Lậy) cho biết, từ đầu vụ đến nay, ông đã dự trữ hơn 100 tấn lúa các loại và 40 tấn gạo còn gửi ở nhà máy xay xát. Sau khi Nhà nước có chủ trương dự trữ, giá lúa có nhích lên từ 100 - 200 đồng/kg.
Tuy vậy, ông đã ký hợp đồng thu mua cho nông dân với giá trước đó ở mức thấp nên khi bán ra lúc này vẫn có lời. Nhưng ông vẫn chưa bán lúa thời điểm này mà vẫn chờ thêm động thái của thị trường, xem giá lúa có “nhích” lên thêm.
Còn tại vùng lúa xã Hậu Mỹ Bắc A (huyện Cái Bè), thương lái Hồ Văn Bi (huyện Tháp Mười, tỉnh Đồng Tháp) cũng đang thu mua lúa của nông dân để tạm trữ.
Ông Bi cho biết: “Hiện tôi đã dự trữ trên 120 tấn lúa và còn khoảng 20 ha lúa nữa chuẩn bị thu hoạch. Những ngày qua, thị trường lúa, gạo đã khởi sắc trở lại nên thương lái chúng tôi rất hy vọng vào đầu ra trong thời gian tới”.
Giám đốc Công ty TNHH Việt Hưng Nguyễn Văn Đôn cho rằng: “Hiện nay, lượng lúa trong dân bán ra bao nhiêu đều được thương lái, nhà máy mua hết để dự trữ, hy vọng kiếm lời khi doanh nghiệp có đầu ra, Nhà nước đẩy mạnh thu mua dự trữ quốc gia. Điều đó cũng giúp cho nông dân tiêu thụ lúa dễ dàng, giúp doanh nghiệp ít tốn công trong việc thu gom lúa cho dân”.
Công bằng mà nói, nếu không có bộ phận thương lái, thì nông dân trồng lúa sẽ rất khó khăn trong tiêu thụ. Bởi, doanh nghiệp thu mua rất hạn chế, trong khi nông dân buộc phải bán vì không có điều kiện dự trữ và phải chi trả cho nhiều chi phí sản xuất khác...
Công ty TNHH Việt Hưng đang đẩy mạnh thu mua lúa, gạo. |
DOANH NGHIỆP ĐÃ “ĂN” HÀNG
Chính phủ đã yêu cầu Cục Dự trữ quốc gia sớm mua 200.000 tấn gạo, 80.000 tấn lúa để giúp nông dân khu vực Đồng bằng sông Cửu Long tiêu thụ hết lượng lúa trong vụ đông xuân 2018 - 2019. Trong những ngày qua, nhiều doanh nghiệp đã đẩy mạnh thu mua lúa, gạo vì chất lượng tốt.
Tuy vậy, nhiều ý kiến cũng cho rằng, việc thu mua lúa, gạo dự trữ vào thời điểm này là quá chậm, có thể làm cho nông dân sẽ không được hưởng lợi khi giá đã “nhích lên”.
Theo ghi nhận vào sáng 28-2, lúa IR 50404 tại ruộng có giá từ 4.300 - 4.400 đồng/kg, lúa Jasmine 85 có giá 4.900 đồng/kg, Đài Thơm 8 có giá 4.700 - 4.800 đồng/kg, tăng từ 100 -200 đồng/kg so với tuần trước.
Hiện các doanh nghiệp cũng đã đẩy mạnh thu mua dự trữ lúa, gạo. Ông Nguyễn Văn Đôn cho biết, doanh nghiệp đang thực hiện thu mua dự trữ 5% theo Nghị định 107 của Chính phủ về kinh doanh xuất khẩu gạo và mua thêm để chờ bán ra kiếm lời.
Theo nhận định của ông Đôn, doanh nghiệp thu mua lúa vào thời điểm này là tốt nhất, vì chất lượng lúa, gạo cao nhất trong năm.
“Giá lúa, gạo hiện nay trên thị trường là rất hợp lý so với giá xuất khẩu. Chúng ta không thể kỳ vọng giá lúa, gạo sẽ như năm 2018, bởi thời điểm đó, hàng loạt hợp đồng dồn dập cho các thị trường tập trung và vụ đông xuân cũng thu hoạch đúng ngay lúc đầu ra thuận lợi, giá bán cao” - ông Đôn nói.
Hiện nay, đầu ra lúa, gạo của các doanh nghiệp tương đối chậm. Một số thị trường tập trung vẫn chưa có, trong khi các thị trường truyền thống có ký hợp đồng thu mua nhưng còn rất ít.
Theo ông Đôn, kho của công ty ông đã dự trữ 10.000 tấn gạo và có kế hoạch thu mua thêm 15.000 tấn gạo nữa. Số lượng này đã vượt xa so với Nghị định 107 của Chính phủ.
Trong khi đó, đại diện Công ty Lương Thực Tiền Giang cho biết, công ty mua lúa của nông dân trong hợp đồng cánh đồng lớn, với giá cao hơn giá ngoài thị trường.
Ngoài ra, công ty cũng thu mua lúa bên ngoài không theo hợp đồng cánh đồng lớn. Hiện công ty đã mua vượt 20% so với Nghị định 107 của Chính phủ và đang tiếp tục đẩy mạnh thu mua lúa, gạo cho dân.
Việc Nhà nước có chủ trương mua lúa, gạo dự trữ, giúp nông dân giải quyết vấn đề đầu ra là rất hợp lý. Nông dân cũng đang kỳ vọng sẽ được hưởng lợi từ chủ trương mua dự trữ lúa, gạo của Nhà nước.
SĨ NGUYÊN